Giá cước vận tải biển giảm, nhiều doanh nghiệp lao đao

Thứ Bảy, 14/02/2009, 10:21
Loay hoay, lúng túng tìm lời giải cho bài toán kinh doanh trong hoàn cảnh giá cước vận tải đang đà đi xuống là tình cảnh chung của không ít doanh nghiệp vận tải biển vào lúc này.

Giá cước vận tải biển bất ngờ giảm nhanh và mạnh đã và đang khiến không ít doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này lao đao. Đáng nói hơn, theo nhận định của nhiều chuyên gia, những gì đang xảy ra vẫn chưa phải là tất cả, khó khăn vẫn đang còn ở phía trước.

"Hoà vốn đã là may"   

Theo thống kê cho thấy từ quý III năm 2008 cho đến nay, hoà vào cơn bão giá, giá cước vận tải biển đã bất ngờ giảm từ 30 - 70%, trong đó giảm mạnh nhất là những tàu hàng khô cỡ lớn, kế đó là tàu container.

Lãnh đạo một doanh nghiệp vận tải biển ngậm ngùi: Trước khi giá cước giảm như hiện nay, chúng tôi đã phần nào nhận thấy sự không ổn định của thị trường. Giá cước đã tăng trong một thời gian khá dài và theo quy luật kinh tế, chắc chắn sẽ phải đi xuống.

Tuy nhiên, như hiện nay thì đúng là "xuống dốc không phanh". Không thể tưởng tượng được có thời điểm, chỉ trong một tuần, giá cho thuê định hạn tàu hàng rời trọng tải 74.000 DWT từ chỗ 40.000 USD/ngày đã giảm xuống còn 19.000 USD/ngày.

Ông Nguyễn Quế Dương - Trưởng ban Khai thác vận tải biển, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines thì cho biết: Thời đỉnh cao, giá cho thuê định hạn một tàu loại này lên tới 70.000 USD/ngày. Bây giờ, sau nhiều tháng đi xuống, con số này chỉ còn khoảng từ 10.000 - 12.000 USD/ngày.

Trước thực tế này, hầu hết những chuyên gia trong ngành vận tải biển cùng chung một quan điểm rằng, nguyên nhân của việc giảm giá cước vận tải vừa qua là do sức ép của "cơn bão tài chính" và khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Còn sở dĩ giá cước giảm nhanh và mạnh đến như vậy là do thời gian trước, giá cước vận tải biển đã bị đẩy lên quá cao. Ông Nguyễn Văn Hạnh - Giám đốc Công ty Vận tải biển Vinalines tâm sự: Với những doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển như chúng tôi thì đây là thời kỳ cực kỳ khó khăn.

Tất nhiên, trong đợt giảm giá này, doanh nghiệp nào mới đầu tư tàu, đặc biệt là những tàu hàng rời cỡ lớn - loại tàu bị giảm giá cước mạnh nhất - chính là những doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhất. Cùng chung quan điểm với ông Hạnh, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải biển Vinaship cũng cho rằng tuy không nằm trong nhóm những công ty bị thiệt hại nặng nề nhất, song Vinaship cũng đang vấp phải những "đợt sóng lớn".

Vào những tháng cuối năm 2008, công ty cũng chỉ phấn đấu không lỗ. Thời điểm này, hoà vốn đã là may mắn.

Doanh nghiệp đầu tư ào ạt, thiếu định hướng sẽ khó khăn

Dễ dàng nhận thấy những khó khăn của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển vào thời điểm này. Song, như trên đã nói, những gì đang xảy ra chưa phải là tất cả. Những gì khó khăn nhất vẫn còn ở phía trước.

Sở dĩ có thể nói như vậy, vì đến thời điểm này, các doanh nghiệp vận tải biển của ta vẫn có thể cầm cự được, do đa phần kinh doanh theo phương thức cho thuê định hạn. Những hợp đồng cho thuê với thời hạn dài đang là hy vọng lớn để các công ty vượt qua thời điểm khó khăn này.

Tuy nhiên, cần phải nói rằng, nếu tình trạng giảm giá cước kéo dài, việc bên thuê phá vỡ hợp đồng là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Nhiều người đặt câu hỏi, liệu giá cước có còn giảm, và khi nào tình hình mới có thể sáng sủa hơn? Ông Đỗ Xuân Quỳnh - Tổng thư ký Hiệp hội chủ tàu Việt Nam cho rằng, đến thời điểm này, giá cước vận tải biển đã xuống đến đáy và không thể nào giảm thêm được nữa.

Có thể nói, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển nói chung và doanh nghiệp thành viên Hiệp hội chủ tàu Việt Nam nói riêng đang ở giai đoạn cực kỳ khó khăn. Giá cước giảm quá nhiều trong khi giá dầu lại quá cao so với thế giới đã đặt gánh nặng lên vai các chủ tàu.

Tuy nhiên, cũng cần nói rằng, trong đợt giảm giá này, những doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển có truyền thống, bề dày kinh nghiệm và có quá trình phát triển bền vững như Vosco, Vitranchart, Vinaship… sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt này chính là những doanh nghiệp mới nổi gần đây phát triển quá nóng. Nhiều doanh nghiệp đầu tư tàu một cách ào ạt, thiếu định hướng, thiếu nhận định thị trường dài hạn, bây giờ đang khổ vì thừa tàu mà thiếu hàng.

Theo quan điểm của ông Đỗ Xuân Quỳnh, trong giai đoạn hiện nay, phát triển đội tàu là thực sự cần thiết. Nhưng dù thế nào đi nữa, thì cũng cần phải có một lộ trình phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, của thị trường.

Nếu chúng ta cứ phát triển một cách ào ạt, không định hướng mà bỏ qua yếu tố thị trường như thời gian qua, kết cục sẽ không tốt đẹp như mong muốn. Thứ hai, phát triển đội tàu phải đồng bộ với phát triển nhân lực, cơ sở hạ tầng phục vụ đội tàu cũng như cơ sở hạ tầng cảng biển.

Thứ ba, phát triển đội tàu cần gắn với môi trường và thân thiện với môi trường, trong đó cần phải tính cả đóng mới và mua tàu cũ. Cuối cùng, phát triển đội tàu phải đạt được sự ổn định và bền vững. “Phải có kế hoạch lâu dài, đừng chạy theo nhu cầu trước mắt", ông Quỳnh nhấn mạnh

T. Huyền-T.Bình
.
.
.