Gia cầm thả rông dễ dàng phát tán virus cúm độc

Thứ Tư, 26/02/2014, 19:10
Việc quản lý vịt chạy đồng tại ĐBSCL là chuyện không hề đơn giản đối với nhiều địa phương mỗi khi mùa thu hoạch lúa. Một số chủ vịt cất lều trại (giữ vịt) giữa đồng trống vắng vẻ, khó đi lại hoặc cất lều và chuồng ở xã này nhưng lùa vịt cầm đồng ở địa phương khác…

Những ngày qua, tình hình dịch cúm gia cầm A/H5N1 ở ĐBSCL có nhiều diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều ổ dịch cúm mới. Hiện tại, 10 tỉnh, thành ở ĐBSCL thuộc vùng quản lý của cơ quan thú y vùng VII (trừ Bến Tre, Long An, Tiền Giang) có đàn gia cầm gần 40 triệu con. Trong đó, đàn gà hơn 16,7 triệu con (tỷ lệ tiêm phòng 40-50%), đàn vịt gần 21,4 triệu con (tỷ lệ tiêm phòng đạt khoảng 70-80%).

Tuy nhiên, những ổ dịch cúm gia cầm phát hiện gần đây xuất hiện virus biến thể và xảy ra hiện tượng nhiều đàn gia cầm đã tiêm phòng vaccin phòng bệnh nhưng vẫn chết. Nguyên nhân được xác định, là do vắc xin không phù hợp với nhánh virus gây bệnh. Tại TP Cần Thơ, Cà Mau, Bạc Liêu, Vĩnh Long… lực lượng chức năng đã phát hiện hàng ngàn con gà, vịt mắc bệnh cúm gia cầm do virus nhánh 2.3.2.1.C, trong khi ngành chức năng tiêm vaccin phòng bệnh là nhánh 1.1. Theo cán bộ chuyên môn ngành thú y, nhánh virus 2.3.2.1C lưu hành ở miền Bắc, miền Trung. Có thể, do quá trình vận chuyển đã xâm nhập và mới xuất hiện ở một số tỉnh phía Nam. Đây là dòng virus có độc lực cao, có khả năng biến thể kháng lại vaccin. Đó là điều lý giải vì sao ở một số tỉnh ĐBSCL xảy ra hiện tượng gia cầm đã tiêm phòng vẫn chết.

Vịt chạy đồng, tiềm ẩn nguy cơ lay lan và bùng phát dịch cúm gia cầm.

Chiều 26/2, ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho biết, vừa tiếp nhận 500.000 liều vắc xin tiêm phòng cho gia cầm để ứng phó với virus A/H5N1 nhánh 2.3.2.1C. Hiện lực lượng cán bộ thú y sẽ tiến hành tiêm phòng bao vây vùng xảy ra ổ dịch, vùng xung quanh ổ dịch có nguy cơ lây lan. Điều đáng lo ngại hiện nay, các tỉnh, thành ĐBSCL đang bước vào vụ thu hoạch lúa đông xuân, lượng vịt chạy đồng tập trung rất lớn, tiền ẩn nguy cơ nguy cơ rất dễ lây lan dịch cúm gia cầm.

Chỉ tính riêng 2 huyện của tỉnh Hậu Giang là Châu Thành A và Vị Thủy có tổng đàn gia cầm hơn 770.000 con, trong đó đàn vịt chiếm trên 80%. Những ngày này, đi dọc theo quốc lộ 61B hoặc tỉnh lộ qua 2 địa bàn nói trên, rất dễ bắt gặp nhiều đàn vịt đủ lứa tuổi được chăn thả trên những mảnh ruộng vừa được thu hoạch xong. Ông Nguyễn Văn Sáng, Trưởng Trạm Thú y huyện Châu Thành A, cho biết: “Trước tình hình dịch cúm A/H5N1 diễn biến rất phức tạp, Trạm thú y đã kết hợp thú y cơ sở và trưởng các ấp rà soát nắm lại các đàn vịt từ nơi khác về, xem có được tiêm phòng chưa, nếu là đàn vịt của địa phương chưa tiêm phòng thì tiến hành tiêm. Còn đàn vịt từ các nơi khác đến mà chưa tiêm phòng hoặc không có giấy kiểm dịch xuất tỉnh thì lập biên bản trục xuất khỏi địa bàn”.

Việc quản lý vịt chạy đồng là chuyện không hề đơn giản đối với nhiều địa phương mỗi khi mùa thu hoạch lúa. Một số chủ vịt cất lều trại (giữ vịt) giữa đồng trống vắng vẻ, khó đi lại hoặc cất lều và chuồng ở xã này nhưng lùa vịt cầm đồng ở địa phương khác, tối mới lùa về, gây khó cho ngành chức năng trong việc quản lý. Đây là kẽ hở rất dễ bùng phát cúm gia cầm, nếu đàn vịt xuất phát từ vùng dịch mà chưa tiêm phòng hoặc hết miễn dịch. Ông Nguyễn Hùng Vỹ, Trưởng Trạm thú y huyện Vị Thủy cho biết, Trạm cũng đã chuẩn bị thực hiện tháng tiêu độc khử trùng trên địa bàn huyện từ ngày 22/2 đến 21/3/2014.

Tại Trà Vinh, 3 ngày qua, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều đàn gia cầm trên địa bàn 2 xã Phong Phú, Ninh Thới (thuộc huyện Cầu Kè) và 2 xã Ngãi Hùng, Tập Ngãi (thuộc huyện Tiểu Cần) và xã Tân Bình (huyện Càng Long) bị chết bất thường. Kết quả xét nghiệm được lấy mẫu từ các đàn gà, vịt trên đều dương tính với cúm A/H5N1. Hiện tỉnh Trà Vinh cũng đã công bố dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh, tiến hành tiêu hủy khoảng 5.900 con gia cầm chết và nghi nhiễm nơi có ổ dịch, đồng thời khoanh vùng và phun thuốc khử trùng

V.Vĩnh - V.Đức
.
.
.