Gặp người hiến bản đồ cổ của Trung Quốc “không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”

Chủ Nhật, 05/08/2012, 22:11
“Vừa gặp được tài liệu này, tôi biết đó là tài liệu quý nên khi đem về nhà bảo quản rất cẩn thận. Khi sự việc về Hoàng Sa, Trường Sa trở thành vấn đề thời sự, tôi rất muốn hiến tặng tài liệu này cho người có trách nhiệm”, chàng trai chơi sách cổ tại Đồng Tháp chia sẻ.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết, vừa tiếp nhận bản đồ cổ của Trung Quốc và một quyển sách cổ được in bằng tiếng Pháp (Nhà xuất bản Thượng Hải phát hành năm 1903) do người dân hiến tặng. Theo nhiều nhà dịch thuật am hiểu tiếng Hán, tấm bản đồ cổ của Trung Quốc nói trên là vào khoảng đầu thế kỷ XX, trên bản đồ thể hiện rất rõ, đảo Hải Nam là điểm cực Nam của Trung Quốc, hoàn toàn không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Để tìm hiểu rõ thêm sự việc, chúng tôi đã tìm đến nhà của anh Nguyễn Thanh Thuận (23 tuổi, ngụ phường 3, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), người hiến tặng tấm bản đồ cổ và quyển sách cổ cho Tỉnh ủy Đồng Tháp. Khi tiếp xúc với chúng tôi trong căn phòng sách cổ của mình ở tổ 36, khóm Mỹ Phương, anh Nguyễn Thanh Thuận vui vẻ nói rằng, việc anh sở hữu tấm bản đồ cổ của Trung Quốc, không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng khá tình cờ.

Tấm bản đồ cổ của Trung Quốc thể hiện đảo Hải Nam là điểm cực nam của Trung Quốc, hoàn toàn không có Hoàng Sa và Trường Sa - Bản đồ do anh Thuận chụp lại trước khi hiến tặng cho Tỉnh ủy Đồng Tháp.

Do yêu thích sách cổ, nên anh rất hay đi sưu tập những quyển sách cổ làm phong phú thêm “kho tàng sách” của mình. Cách đây 2 năm, trong lần lên TP Hồ Chí Minh tìm mua quyển sách “LE CANAL IMPÉRIAL”, được in bằng tiếng Pháp của tác giả LE P.DOMIN GADAR (do Nhà xuất bản Thượng Hải phát hành năm 1903), thì anh phát hiện có tấm bản đồ cổ của Trung Quốc nói trên.

 Anh Nguyễn Thanh Thuận bên kho sách cổ của mình.

Nhờ am hiểu chữ Hán, khi đó anh đã quyết định mua tấm bản đồ về trưng bày ở phòng sách cổ của mình. “Vừa gặp được tài liệu này, tôi biết đó là tài liệu quý nên khi đem về nhà bảo quản rất cẩn thận. Khi sự việc về Hoàng Sa, Trường Sa trở thành vấn đề thời sự, tôi rất muốn hiến tặng tài liệu này cho người có trách nhiệm”, anh Thuận chia sẻ.

Nhiều nhà dịch thuật am hiểu chữ Hán chỉ rõ, trên tấm bản đồ cổ của Trung Quốc do anh Nguyễn Thanh Thuận hiến tặng thể hiện khá chi tiết các phủ (nay gọi là tỉnh) như: Hồ Bắc, Giang Tây, Hồ Nam, Sơn Đông, Sơn Tây, Phúc Kiến, Quý Châu… bằng chữ Hán tương đối rõ nét. Trong bản đồ có đầy đủ các phủ, đảo, khu vực… tiếp giáp với lãnh thổ Trung Quốc, trong đó chỉ rõ, đảo Hải Nam là điểm cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc, chứ hoàn toàn không có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Cán bộ Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp đang xem tấm bản đồ cổ của Trung Quốc do anh Thuận hiến tặng (Ảnh Dũng Chinh).

Theo ông Lê Minh Trung - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp, bản đồ cổ của Trung Quốc do anh Nguyễn Thanh Thuận hiến tặng là một trong những tư liệu lịch sử, cần được nghiên cứu để phục vụ cho việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Được biết, anh Nguyễn Thanh Thuận, tốt nghiệp ĐH Đồng Tháp năm 2011, chuyên ngành Nghệ thuật. Ngoài thời gian học, anh Thuận thường xuyên đi sưu tầm sách cổ khắp các tỉnh miền Tây Nam bộ và TP Hồ Chí Minh. Anh thích sưu tầm các loại sách về lịch sử, văn học, sách có niên đại từ 100 năm trở lên. Mới đây, vào tháng 3/2012, anh được Hội sách TP Hồ Chí Minh lần thứ VII (2012) tặng giấy khen về tủ sách gia đình quý hiếm.

Hiện tại tủ sách cổ của anh đã có hơn 2.000 đầu sách cổ, quý hiếm được chia thành các giai đoạn: Trước năm 1900, trước năm 1945, trước năm 1975 và sau năm 1975. Ngoài ra, anh còn sưu tầm tiền cổ các loại và đồ gốm nhiều thời đại khác nhau trong và ngoài nước

C.Dzĩnh - L.Hiếu
.
.
.