Gặp người đón nhiều Tết nhất ở Trường Sa

Chủ Nhật, 15/01/2012, 14:31
"Tôi nhớ nhất cái Tết 2001 ở đảo Trường Sa. Khi đó tôi vừa cưới vợ được gần một tuần. Vì nhiệm vụ, tôi phải đi. Ngày tiễn tôi, vợ khóc rất nhiều. Tôi thương vợ nhưng không còn cách nào khác. Tôi là một người lính, trong mọi hoàn cảnh, nhiệm vụ phải đặt lên trên hết. Đêm Giao thừa, tôi thức cả đêm để viết thư cho vợ…" - Trung úy Vũ Thanh Nam, người đón nhiều Tết nhất ở Trường Sa nhớ lại.

Theo lời giới thiệu của chỉ huy Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, tôi gặp anh, người giữ kỷ lục đón Tết nhiều nhất ở Trường Sa. 9 lần đón Tết ở các đảo Sơn Ca, Trường Sa, Phan Vinh, Nam Yết, Thuyền Chài, Sinh Tồn, người lính ấy đã quen với những đêm giao thừa ấm áp tình đồng đội giữa muôn trùng biển khơi. Anh là Trung úy Vũ Thanh Nam.

Tôi gặp anh khi chuyến tàu thay quân tới đảo Sinh Tồn vào đúng dịp cả đảo đang rộn ràng chuẩn bị cho cái Tết sắp tới. Trong gian phòng chật hẹp của những người lính tăng thiết giáp, anh ngồi cặm cụi làm việc, như không để ý tới sự có mặt của người lạ ghé thăm. Ánh sáng vắt qua cửa sổ để lộ gương mặt sạm đen vì nắng gió, rất khó đoán tuổi.

Sinh năm 1973, tại vùng đất nghèo Quảng Xương (Thanh Hóa), anh chọn theo học tại Trường Hạ sĩ quan xe tăng 1 (Đồng Nai). Năm 1996, ra trường, vừa tròn 23 tuổi, anh xin đi Trường Sa. Năm ấy, anh đón cái Tết đầu tiên trên đảo Sơn Ca.

Trung úy Vũ Thanh Nam - người giữ kỉ lục đón Tết nhiều nhất ở Trường Sa.

Nhớ lại, anh bồi hồi: "Ngày đó, Tết ở đảo thiếu thốn nhiều lắm. Đêm Giao thừa phải chạy máy nổ, nhưng cũng chỉ chạy được từ 9-10h tối, sau đó phải dùng đèn dầu. Trên đảo thiếu rau xanh nên có ít rau mầm, anh em phải để dành cho bữa cơm tất niên. Phải tới ngày 29 Tết mới dám thịt lợn, gói bánh chưng vì không có phương tiện bảo quản, nếu làm sớm sẽ hỏng. Thiếu thốn nhưng anh em vui lắm".

Đêm Giao thừa đầu tiên trên đảo, anh cũng thao thức không ngủ. Nỗi nhớ nhà cũng dần tan khi có thêm tình cảm của những người bạn mới, những đồng đội cũng đón Tết xa nhà. Xuân này qua Xuân khác, Tết ở Trường Sa với anh đã quá quen thuộc, đến độ mỗi lần được về đất liền đoàn tụ với gia đình, đêm Giao thừa, anh thường ngồi lặng lẽ trong góc phòng nhớ về đồng đội. Một cảm giác trống vắng rất khó lý giải.

15 năm công tác, chỉ có 4 năm anh ở đất liền. Hết Sơn Ca, tới Trường Sa, Nam Yết, Phan Vinh, Thuyền Chài, rồi tới Sinh Tồn, cuộc đời người lính hải quân ấy đã dạn dày sóng gió. Trường Sa với anh giờ đã là nhà. Đi qua tuổi trẻ, hy sinh những tình cảm riêng tư cho một nhiệm vụ thiêng liêng, anh coi đó là trách nhiệm, cũng là niềm tự hào. "Tôi nhớ nhất cái Tết 2001 ở đảo Trường Sa. Khi đó tôi vừa cưới vợ được gần một tuần. Vì nhiệm vụ, tôi phải đi. Ngày tiễn tôi đi, vợ tôi khóc rất nhiều. Tôi thương vợ nhưng không còn cách nào khác. Tôi là một người lính, trong mọi hoàn cảnh, nhiệm vụ phải đặt lên trên hết. Đêm Giao thừa, tôi thức cả đêm để viết thư cho vợ, nhưng cũng phải 6 tháng sau mới có tàu ra đảo để gửi về" - anh nhớ lại.

Cho tới giờ, mỗi khi nói về vợ, anh lại dành những tình cảm thân thương: "Tôi biết ơn vợ. Tôi đi biền biệt, số ngày về đất liền tính được trên đầu ngón tay. Vợ tôi đã phải hy sinh rất nhiều. Trong cả hai lần sinh con, tôi đều xa nhà, một mình vợ tôi phải tự xoay sở. Giờ con lớn đã lên lớp 3, đứa nhỏ đã 4 tuổi. Làm vợ lính đảo, vợ tôi phải chịu nhiều thiệt thòi lắm".

Cũng như bao người lính đảo xa, tình yêu của anh cũng bắt đầu từ những cánh thư. Trong số những lá thư động viên, làm quen, anh giữ mối liên lạc với một cô gái cùng quê, kém 5 tuổi, là giáo viên Trường Tiểu học Quảng Văn (Quảng Xương - Thanh Hóa). Ngày đó chưa có sóng điện thoại, anh viết thư rồi đóng thành tập chờ tàu ra để gửi về. Cuộc đời người lính, yêu vội rồi cưới vội. Anh xin phép đơn vị về gặp mặt. Không bao lâu sau, anh xin phép về cưới. Cưới nhau xong là đi. Anh bảo, nếu không có tình yêu đủ lớn, không ai đủ dũng cảm để làm vợ lính đảo Trường Sa.

Tiện câu chuyện, anh đọc luôn mấy câu thơ kể chuyện tình yêu lính đảo cho tôi nghe: "Anh về 5 ngày phép. Quen em mất 3 ngày...". Thế mới hiểu, những người lính làm nhiệm vụ ở Trường Sa, không chỉ vất vả, không chỉ hiểm nguy, mà còn phải hy sinh không ít những hạnh phúc riêng tư. Nỗi niềm đó khó giãi bày, khó sẻ chia.

Đã 15 năm làm lính đảo Trường Sa, anh bảo, sợ nhất là mỗi lần chia ly. Lính đảo đi làm nhiệm vụ theo nhiệm kỳ, ở đảo này rồi sang đảo kia. Mỗi khi có người chuẩn bị rời đảo, đồng đội tổ chức bữa cơm chia tay, cũng bịn rịn, đầy lưu luyến. Anh em trên đảo sống với nhau như một gia đình, chăm sóc cho nhau tận tình những lúc ốm đau. Trường Sa cho anh nhiều kỷ niệm. Năm 1999, anh được kết nạp Đảng tại đảo Trường Sa. Đó là vinh dự lớn mà không phải người lính đảo nào cũng có được.

Con tàu của chúng tôi rời đảo Sinh Tồn để tiếp tục hải trình sang đảo Đá Lớn. Anh ở lại cùng đồng đội của mình. Năm nay, anh lại có thêm một cái Tết nữa ở Trường Sa...

Khánh Vy
.
.
.