Gặp người đầu tiên giải cứu bé 7 tuổi rớt xuống giếng

Thứ Tư, 05/08/2015, 16:21
Khi anh Phương đưa cháu bé lên trên những người xung quanh reo hò, vỗ tay vui mừng cũng là lúc anh vừa ngất xỉu vì mệt mỏi.

Sau nhiều lần điện thoại thuyết phục, chiều 5/8, chúng tôi tìm đến nhà anh Trần Lê Phương (32 tuổi, quê huyện Gò Dầu, Tây Ninh, tạm trú tại phường Bình Chuẩn, thị xã Thuận An), người đầu tiên tiếp cận và cứu bé Nguyễn Trần Tú Anh (7 tuổi) bị rơi xuống giếng khoan tại xã Tân Vĩnh Hiệp, thị xã Tân Uyên.

Anh Trần Lê Phương kể lại, “khoảng 21h30’ ngày 4/8, tôi chuẩn bị đi ngủ thì nhận được điện thoại của chú vợ nói xuống cứu một cháu bé bị lọt xuống giếng. Đến nơi thì gần 22h. Khi đó, tôi thấy có một cần cẩu đang múc đất gần miệng giếng. Tôi nói rằng, các anh ngừng móc đi để chúng tôi đào xuống cứu cháu bé, chứ các anh làm như vậy, đất rơi xuống dưới khiến cháu bé bị ngạt”.

PV tiếp xúc với anh Phương tại nhà.

Anh Phương giải thích “Vì móc thì lâu, hơn nữa móc sâu thì rất tốn thời gian và khả năng cháu bé có thể chết ngạt không cứu được”.

Sau khi xem xét lại, nhóm của anh Phương triển khai đào một cái hố song song với giếng. Nhóm của anh có 4 người phối hợp với các chiến sỹ Cảnh sát PCCC khẩn trương đào bới.

Lúc này, điện ở hiện trường bị mất nhưng nhóm cố gắng hết sức làm càng nhanh càng tốt để cứu được cháu bé. “Lúc đào, tôi có nghe cháu bé kêu lôi cháu lên đi, cháu quyết tâm rồi”.

Do làm nghề này đã 7 năm nên anh biết được cách làm thế nào để giải cứu cháu bé an toàn nhất. Xuống đến nơi đầu bé bị mắc kẹt, chạm vào đá, mặt đụng vào ông nhựa dẫn nước. Anh cùng đồng đội lấy dao đào đất một bên cho trống lưng bé để cháu có oxy thở. May mắn, đứa bé trong lúc rơi xuống bị vướng cách mặt đất khoảng 13m, nếu rơi xuống tầng nước thì các anh cũng bất lực.

Cũng theo anh Phương, khi xuống đến nơi anh nói với cháu bé “con gắng chờ chú, chú đến rồi đây”. Sau đó, anh móc một lỗ to bằng cổ tay để kéo cháu bé lệch qua và lấy tay đẩy nhẹ nhàng ra khỏi cục đá vì sợ đá chèn vào mặt cháu gây khó thở. Tiếp đó, anh Phương móc theo thế từ dưới lên đến vị trí chân của bé mà không chọn phương án móc từ bên trên xuống để đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng của cháu.

Anh cùng đồng đội không thở nổi vì oxy quá ít, tim như bị ép nhưng vẫn cố gắng hết sức để cứu được cháu bé.

Sau đó, anh Phương cõng cháu bé từ chỗ mắc kẹt lên đến trên chỗ lúc các anh đào khoảng 6m và đuối sức. Khi anh Phương đưa cháu bé lên trên những người xung quanh reo hò, vỗ tay vui mừng cũng là lúc anh vừa ngất xỉu vì mệt mỏi.

Anh Phương lúc vừa cứu được cháu bé.

Theo anh Phương, nếu biết sớm, các anh vào đào thì có thể cứu được cháu bé lúc 18h. “Đào hầm 8 tấc có thể mất 3 đến 4 tiếng thì đến chỗ cháu bé. Còn dùng máy múc thì có thể mất nhiều thời gian hơn nhưng chưa chắc đã đến mà đất còn rơi xuống gây ngạt thở”.

Với kinh nghiệm một người đào giếng lâu năm anh Phương giải thích, sở dĩ giếng khoan này có lỗ to như vậy là vì trong quá trình khoan, thợ khoan sẽ dùng từ mũi khoan lớn đến nhỏ tuỳ tầng đất. Sau khi bỏ ống xong chưa kịp lấp đất thì sẽ còn hố lớn cạnh uống nhựa, như lỗ cháu bé bị rơi xuống.

Đức Mừng
.
.
.