Gập ghềnh gieo con chữ nơi vùng cao Yên Bái

Thứ Ba, 19/11/2013, 09:52
Tôi đến với Trường Phổ thông Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Mồ Dề (xã Mồ Dề, huyện Mù Căng Chải, Yên Bái) cuối tháng 10 vừa qua, trong một lần cùng Câu lạc bộ Tấm Lòng Việt đi trao quà cho các em nhỏ nơi đây. Hiện tại cơ sở vật chất của trường đã khá hơn, nhiều tổ chức, cá nhân quyên góp, tặng quà… nhưng có chứng kiến tận mắt cuộc sống sinh hoạt của các thầy, cô giáo và các em học sinh mới biết rằng sự nghiệp gieo chữ, trồng người nơi vùng cao Yên Bái này còn lắm gian nan, gập ghềnh…

Khó khăn chồng chất khó khăn

Thầy Hiệu trưởng Hà Trần Hồng đón chúng tôi từ con đường nhựa với vẻ mặt phấn khởi lắm, bởi những món quà từ miền xuôi được chắt chiu, gửi gắm và có tác dụng hỗ trợ các em không chỉ về mặt vật chất. Toàn trường có 704 học sinh với 8 điểm trường, có những điểm trường gần, và những điểm trường xa. Điểm trường Chống Màng Mủ nơi chúng tôi lên trao quà cách điểm trường chính 12km, cách đường nhựa 3-4km, nhưng do là đường đồi núi quanh co, dốc dựng đứng nên cảm giác xa tít  tắp, mất nửa giờ đi xe máy mới lên tới nơi.

Dù để số 1 nhưng xe máy cô Nguyễn Thị Liễu cũng chỉ bò chậm chạp vì đường vừa dốc vừa khó đi, tôi ngồi sau hơi run, có đoạn một bên là vực sâu nên xe phải đi chậm để đảm bảo an toàn, có chỗ tôi phải nhảy xuống đi bộ và đẩy. Đặc thù học sinh ở Trường Mồ Dề 100% con em đồng bào dân tộc Mông, phụ huynh đều thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. “Đến năm nay trường đã chấm dứt tình trạng học sinh bỏ học, nhưng hiện tượng nghỉ học rải rác thì vẫn còn, do phong tục, tập quán của đồng bào đến ngày mùa thường gọi con về đi làm nương”, thầy Hồng cho biết.

Ngoài việc nghỉ học do tập quán sinh hoạt thì trời mưa, đường trơn, đi lại khó khăn cũng khiến nhiều cháu đến muộn hoặc nghỉ học. Bản thân cô giáo Liễu, nếu hôm nào đi dạy mà gặp trời mưa phải đi bộ, mất hơn 1 tiếng đồng hồ, nhiều em bé quá nhà lại xa thì việc đi lại một mình rất nguy hiểm. Mới đây, có thầy giáo vì đi xe máy đến nhà học sinh vận động đến trường, trời mưa đường trơn nên không may bị trượt bánh, cả người và xe rơi xuống vực. Người thầy vướng vào cành cây nên may mắn sống sót, còn xe máy rơi xuống suối vỡ tan, cả trường hoảng hốt chia nhau đi tìm cả đêm, sáng ra thì phát hiện và cứu được thầy.

Cô giáo Đỗ Thị Hằng gắn bó với trường 24 năm và không muốn rời xa.

Trong căn phòng bằng gỗ ghép, mái tranh, nền đất, thầy giáo Mùa A Lì ở bản Màng Mủ B, xã Mồ Dề đang chăm chú dạy 20 em học sinh lớp 2 làm toán. Học Trung cấp Sư phạm ở Trường CĐ Sư phạm Hà Đông, ra trường thầy về đây công tác đã được 4 năm. Tâm sự về một trong những khó khăn khi dạy học trò vùng cao, thầy Mùa A Lì cho biết: “Mình là người Mông nhưng từ bé đã được học tiếng Kinh dưới thị trấn, còn học sinh ở đây không hiểu tiếng phổ thông, nên gặp khó khăn trong cách truyền đạt, học sinh tiếp thu chậm...”. Để khắc phục điều đó, những khái niệm, phép tính nào các em khó hiểu, cần giải thích sâu thì thầy dịch sang tiếng Mông để giải thích, sau đó mới quay lại giảng bằng tiếng Kinh cho các em dễ tiếp thu.

Đáng lo ngại nhất là tình trạng học sinh muốn đi học, nhưng do bố mẹ yêu cầu ở nhà trông nhà, trông em, nghỉ nhiều dẫn đến chán học. Một số học sinh do bố mẹ hoàn cảnh, không có cơm ăn nên không đi học. Đặc thù học sinh ở đây đa số là hộ nghèo, nếu vào mùa giáp hạt chỉ có ngô để ăn. Số bán trú ở xã, nhà cách trường 5km trở lên được hưởng chế độ của Nhà nước bằng 40% lương cơ bản, nhà trường thuê người về nấu cho các em, còn em nào không thuộc diện bán trú thì tự mang cơm đi. “Có học sinh đến lớp bảo hôm nay em không đi học đâu vì em không có cơm, cô giáo phải động viên cứ đến đi rồi cô giáo chia cơm cho, hoặc cô giáo nấu tạm mì tôm cho ăn một hôm thì học sinh mới lại tới trường”, cô giáo Đỗ Thị Lan ở điểm trường chính kể lại.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Liễu, việc bất đồng ngôn ngữ cũng là một cản trở lớn, học sinh lớp 1 hầu như chưa biết gì, ở nhà bố mẹ nói tiếng địa phương, đến trường hoàn toàn ngơ ngác, khiến cho nhiều em khả năng nhận thức chậm. Từ việc nhận thức chậm, các em cũng sẽ chán học và muốn bỏ học. Chồng đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, con trai học lớp 2 ở với bà nội ở Trấn Yên (cách trường 160km),  2-3 tháng mới được về thăm con một lần, cô Liễu cũng như nhiều thầy, cô giáo khác ở đây đã tình nguyện xa nhà, xa con, ngược miền như thế để gắn bó với trẻ em nơi đây. Buổi trưa ngủ lại nhà vách đất, mái lợp prô ximăng thô sơ, không điện, không nước. Nhờ khí hậu thuận lợi nên mùa hè giữa trưa nắng nóng lớp học cũng không cần dùng quạt, khổ nỗi mùa mưa dột phải lấy chậu hứng, nhiều hôm đang dạy cô phải dồn học sinh ngồi lại một góc để tránh mưa tạt…

Đường gập ghềnh đi mãi cũng thành quen

Ngôi nhà vách đất đơn sơ ở điểm trường Chống Màng Mủ, nơi cô giáo Nguyễn Thị Liễu chợp mắt mỗi trưa.

Để hạn chế thấp nhất tình trạng học sinh nghỉ học, Trường Mồ Dề đã phân bố tại mỗi điểm trường có ít nhất 1 thầy, cô giáo là người địa phương, hiểu phong tục tập quán, biết tiếng Mông, để tiện cho công tác vận động, thuyết phục phụ huynh cho con đến trường. Các thầy, cô giáo người địa phương cũng như người nhà vậy, vì người cùng một bản thường cùng trong một dòng họ. Ngoài ra, trường còn tham mưu chính quyền địa phương thành lập một ban chuyên quan tâm đến công tác giáo dục, phân công các đảng viên, phụ trách ban, ngành các xã. Khi gặp tình trạng mùa giáp hạt đói kém, phụ huynh không cho con đến trường thì giáo viên thường xuyên đến nhà động viên, hỏi thăm tình hình...

Bên cạnh nỗ lực của lãnh đạo Trường PT Bán trú Tiểu học và THCS Mồ Dề thì chính tình thương và trách nhiệm của mỗi thầy cô giáo đã góp phần xây dựng ngôi trường ngày càng lớn mạnh, tỷ lệ học sinh đến trường cao, hiện tượng bỏ học và nghỉ học giảm dần. Chẳng hạn như cô giáo lâu năm nhất ở trường Đỗ Thị Hằng, 46 tuổi, ở thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái, gắn bó với nơi đây đã 24 năm. Trước cô Hằng học Cao đẳng Sư phạm Yên Bái, rồi được Sở Nội vụ của tỉnh Hoàng Liên Sơn đưa lên Trạm Tấu. Nhưng bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, cô làm đơn tình nguyện xung phong lên công tác vùng cao Mù Căng Chải. Cô Hằng nhớ lại lúc mới lên trường đơn sơ, nghèo lắm, tường đóng bằng liếp chỉ cao đến đầu học sinh, lợp mái rơm, mùa hè nắng nóng, bụi, cát bay khắp nơi, mùa đông gió lùa lạnh buốt. Cuộc sống khi đó rất vất vả vì không biết tiếng, các cô giáo phải hứng nước mưa để nấu cơm ăn, đêm đến 3 cô giáo chia nhau đuốc đi gọi học sinh, mỗi cô phải đi một mình từ quả đồi này sang quả đồi kia vì nếu cùng đi với nhau thì tới khuya mới đến nơi.

Công tác 2 năm ở điểm trường Giàng Phình - Kim Nọi thì cô Hằng gặp chồng làm kiểm lâm ở đấy và nên duyên vợ chồng. Giờ đây đã gắn bó với mảnh đất này cô Hằng không muốn đi đâu nữa, bởi “đã trót thương yêu học sinh như con mình, các con rách áo, đứt cúc mình cũng khâu cho, các con ốm đau mình là người lo lắng, mua thuốc...”. Cô còn nhớ lần một học sinh bị ốm, phụ huynh hộc tốc cõng con đến trường và bảo “cô giáo ơi con tôi ốm”. “Khi mình nói với anh phải đưa cháu đến trạm xá chứ, anh trả lời “thì hôm trước con tôi ốm cô giáo cho thuốc nó khỏi, thì hôm nay tôi phải hỏi cô giáo thôi...”.

Có thể nói các cô giáo ở đây vừa là cô, vừa là mẹ, vừa là “bác sỹ”, dạy cho các con học, chăm cho các con ngủ, chăm sóc lúc các con ốm đau. Thậm chí nhiều gia đình hoàn cảnh, không có điều kiện mua thuốc cho con thì các cô lại phải bỏ tiền túi mua cháo, mua thuốc chăm cho các cháu nhanh khỏi. Lần hướng dẫn học sinh làm bài tập làm văn về cô giáo của em, có một học sinh đã viết rằng: “Cô giáo của em tên là Hằng. Em rất yêu cô giáo vì học sinh ốm cô giáo cho uống thuốc, đau bụng cô xoa dầu, đau đầu cô cho thuốc, cho ăn cơm, học bài...”. Những lúc ấy cô Hằng xúc động lắm, như thể cô và nơi đây có một mối gắn kết, thân thuộc tự bao giờ, học sinh cũng như con của mình, và trường học như ngôi nhà thứ hai.

Lớp học của cô giáo Nguyễn Thị Liễu có 30 học sinh, nhiều học sinh hoàn cảnh nhưng rất ham học. Như em Hờ A Cu (6 tuổi) bố mất, mẹ đi bước nữa, ở với bà nội nhưng rất ngoan ngoãn, nhanh nhẹn, học giỏi; em Lý A Nhà (6 tuổi), bố đi cải tạo, điều kiện gia đình vất vả, không có ruộng nương, mẹ phải đi làm thuê kiếm tiền, nhưng mẹ rất quan tâm đến tình hình học tập của con, ngày nào cũng cho chị gái dẫn đi học. Cô Liễu bộc bạch: “Người giáo viên vùng cao mỗi ngày đến lớp thấy 100% học sinh có mặt là vui nhất, thấy học sinh hiểu bài là sung sướng nhất, vì học sinh ở đây không như ở xuôi, nếu bỏ học thì sẽ đi chơi, không được gia đình dạy dỗ nhiều, cứ hồn nhiên lớn lên như cây cỏ”. Còn anh Vàng A Lâu (SN 1985), nhà ở bản Háng Xông, xã Mồ Dề, phụ huynh học sinh của cô giáo Liễu thật thà nói: “Mình biết ơn cô giáo lắm, vì dù con mình tiếp thu chậm nhưng cô giáo vẫn rất nhiệt tình, nhờ cô giáo mà nó được học cái chữ, được dạy làm người, ngoan ngoãn và hiểu biết hơn…”.

Chia tay thầy Hiệu trưởng Hà Trần Hồng cùng ngôi trường Mồ Dề đơn sơ khi bóng chiều đã bao phủ nơi đây, từng vệt nắng nhẹ còn loang lổ quấn lấy khói bếp nhà ai đỏ lửa sớm từ đằng xa. Con dốc dẫn lên trường sương buông xuống chỉ còn thấy mờ mờ. Cái bắt tay rất chặt và ánh nhìn hân hoan của thầy cứ tạo cho tôi cảm giác, khó khăn còn nhiều nhưng lòng người luôn vững tin, đoàn kết, cố gắng rồi sẽ qua cả, cũng như đường gập ghềnh nhưng đi mãi cũng thành quen…

Quỳnh Vinh
.
.
.