Gập ghềnh đường đến trường ở làng phong Qui Hòa (Bình Định)

Thứ Năm, 15/09/2011, 12:43
Theo tâm tình của những ông bố bà mẹ ở làng phong Ghềnh Ráng có con trẻ đang độ tuổi cắp sách đến trường cấp 2 là các em phải khăn gói vào học tại TP Quy Nhơn. Hành trình từ làng phong đến điểm học giữa phố chỉ cần sơ sảy là các em dễ rơi xuống vực thẳm và thực tế đã có nhiều trường hợp bị chấn thương, suýt mất mạng trên đường vượt đèo vào phố.

Nhắc đến Ghềnh Ráng, người đời thường liên tưởng đến câu chuyện buồn về những tháng ngày cuối đời đầy đau đớn của "thi sĩ bán trăng" Hàn Mặc Tử. Có mấy ai biết được dưới chân đồi nơi Hàn thi sĩ quằn quại trong đớn đau ngày nào là cộng đồng làng phong lớn nhất Việt Nam, nơi trao thân gửi phận của hơn 1.000 bệnh nhân và người thân của họ. ở nơi này, cuộc sống của người làng phong gắn liền với khó khăn chồng chất, đặc biệt là hành trình đến trường của con em họ lắm nỗi đoạn trường!

Đối lập với khung cảnh resort sang trọng, dưới chân đồi Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) là nơi quần tụ sinh sống hơn 5 thập kỷ của bệnh nhân phong đến từ các tỉnh miền Trung và khu vực Tây Nguyên. Đưa chúng tôi đi thăm làng, anh Trần Công Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng tự quản làng phong Qui Hòa, cho biết làng có 1.035 người, trong đó có hơn 400 người bị bệnh nặng với di chứng tàn khốc, người các ngón tay ngón chân co quắp, người rụng tay, rụng chân… có người các ngón tay, ngón chân rơi rụng chỉ còn lại mu bàn tay, bàn chân.

"Trên 90% bệnh nhân ở làng không thể lao động tự nuôi sống bản thân. Đã vậy nguồn nước khan hiếm, đất đai cằn cỗi, vốn liếng không có nên bà con dù rất muốn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống bằng việc trồng trọt, chăn nuôi nhưng đành lực bất tòng tâm".

Đi giữa làng phong, chúng tôi bắt gặp nhiều hình ảnh buồn lòng về những người bệnh với thân xác không lành lặn. Họ ngồi đó, dưới những căn nhà ọp ẹp, rệu rã vì thời gian, lòng dạ âu sầu với bao nỗi niềm cơm áo gạo tiền luôn canh cánh. "Số phận trói buộc chúng tôi với bệnh tật nên khó khổ chi cũng đành chịu, chỉ thương bọn trẻ chịu nhiều bất hạnh mà thôi. Là con em của làng phong, các em chịu nhiều thiệt thòi, các em mặc cảm, khó có được tương lai tươi sáng bởi hành trình đến trường lắm trúc trắc, gắn liền với những lo toan không biết đến khi nào mới dứt về chuyện tập vở, học phí, hao phí trên hành trình từ nhà đến trường" - ông Nghĩa trăn trở.

Theo thống kê của Hội đồng làng phong tự quản, làng hiện có gần 200 con em đang ở tuổi đến trường. Để các em được đến lớp có con chữ là cả quá trình gian nan, vất vả của mẹ cha và chính nỗ lực của các em. Trò chuyện với chúng tôi về đường đến trường của con em làng phong, ông Đinh Thanh Sơn, cư dân làng phong, hiện là nhân viên bảo vệ Bệnh viện phong Qui Hòa, ngậm ngùi: "Trăm đắng ngàn cay lắm chú ơi. Do di chứng của bạo bệnh mà bệnh nhân phong chúng tôi gần như là người tàn phế, chẳng thể làm được gì. Nay lại thêm vật giá leo thang nên chỉ riêng chuyện miếng cơm manh áo đã là gánh nặng nghẹt thở. Khi cái ăn còn lo chưa xong nói chi đến việc học của bọn trẻ".

Theo tâm tình của những ông bố bà mẹ ở làng phong có con trẻ đang độ tuổi cắp sách đến trường, hoàn thành bậc tiểu học, lên cấp 2 là các em phải khăn gói vào học tại TP Quy Nhơn. Hành trình từ làng phong đến điểm học giữa phố chỉ cần sơ sảy là các em dễ rơi xuống vực thẳm và thực tế đã có nhiều trường hợp trẻ em ở làng bị chấn thương, suýt mất mạng trên đường vượt đèo vào phố.

Chủ tịch hội đồng tự quản làng phong Trần Công Nghĩa cho biết, 2 con của anh là Bùi Đăng Khoa và Bùi Đăng Nhi (cùng 14 tuổi), hiện đang học lớp 9. Từ khi các cháu vào phố học, thương con ngày ngày vượt đèo cao nhọc sức, hiểm nguy nên 3 năm trước, dù nghèo rớt mồng tơi nhưng anh Nghĩa đã làm liều, vay mượn mỗi người một ít mua 1 chiếc xe gắn máy Trung Quốc mà anh tâm tình là "xe cùi bắp" chỉ với giá hơn 2 triệu đồng làm phương tiện đưa đón con đến trường.

Anh Nghĩa trĩu giọng nói: "Người không có xe máy thì bấm bụng cho con đi nhờ xe của người khác nhưng phải trả đến 200.000 đồng mỗi em mỗi tháng. Trong khi đó bình quân mỗi tháng bệnh nhân làng phong được Nhà nước hỗ trợ khoảng 170.000 đồng tiền ăn. Phải nói rõ như vậy mới hiểu cặn kẽ sự gian nan trên hành trình kiếm tìm con chữ của trẻ em ở làng".

Người làng phong ý thức được rằng muốn thoát khỏi cảnh nghèo khổ, túng quẫn họ chỉ có một con đường duy nhất là cho con ăn học đến nơi đến chốn. Nhưng cái khó bó cái khôn nên nhiều người đành cho con gián đoạn việc học khi con em học rất giỏi và đang học lỡ dở cấp III. Được biết, trước đây, nhà thờ ở làng có chuyến xe đưa đón con em làng phong vào Qui Nhơn học nên các phụ huynh đỡ gánh nặng. Nhưng sau này, xe hư hỏng không có điều kiện sửa chữa, lại thêm tình trạng xăng dầu tăng giá nên các sơ kham không nổi, xe bị đắp chiếu nên hành trình đến trường của trẻ em làng phong vốn gập ghềnh càng thêm… khốn khó.

Rời làng phong, chúng tôi mang theo ánh mắt trĩu nặng lo cho tương lai ngày sau của con em của các ông bố bà mẹ mắc chứng bệnh từng bị người đời gọi bằng cụm từ miệt thị, sợ hãi "người hủi". Nói về những mong ước, ông Nghĩa cùng nhiều người làng phong ước mơ có tuyến xe buýt đi qua làng và có người trợ giá, hỗ trợ tiền vé giúp vơi đi phần nào chặng đường đến trường vốn dĩ quá gập ghềnh với trẻ làng phong.

Người dân làng phong Qui Hòa nói chung, trẻ em ở làng rất cần sự hỗ trợ trên các mặt. Bạn muốn tìm hiểu và sẻ chia, vui lòng liên lạc Hội đồng tự quản làng phong Qui Hòa theo số điện thoại 05635400283, hoặc anh Trần Công Nghĩa, điện thoại 0975482082.

Thành Dũng
.
.
.