Gần chục người tay trắng trở về sau khi XKLĐ sang Nga

Thứ Tư, 14/07/2010, 14:30
Mất mỗi người 2.400 USD để làm thủ tục sang Nga XKLĐ nhưng sau khi 8 người lao động ở huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An sang Nga làm việc thì nhiều điều không hoàn toàn giống như hợp đồng ký kết. Họ phải làm việc thêm giờ nhiều ngày cùng với điều kiện làm việc khắc nghiệt. Đặc biệt trong suốt thời gian 8 tháng tại Nga, họ đã không được nhận bất cứ đồng lương nào từ phía chủ sử dụng lao động…

Trình bày với phóng viên Báo CAND, 8 lao động trú tại Quỳnh Xuân - Quỳnh Lưu - Nghệ An cho biết: Tháng 4/2008, do có nhu cầu xuất khẩu lao động để tìm công ăn việc làm, cải thiện kinh tế, những lao động này đã nộp cho bà Nguyễn Thị Nga tại xóm 12, xã Quỳnh Hậu (Quỳnh Lưu - Nghệ An) số tiền 2.400 USD để được ký hợp đồng xuất khẩu lao động sang thị trường Nga. Sau khi nộp tiền, họ đã được Công ty Dịch vụ thương mại và Xuất khẩu lao động Trường Sơn (Công ty Trường Sơn) có địa chỉ tại quận Hoàng Mai - Hà Nội ký hợp đồng đưa sang Nga lao động.

Theo những lao động này thì trong bản hợp đồng 3 năm đã ghi rõ các điều khoản chi tiết ăn ở, thời gian làm việc, mức lương thu nhập mà người lao động được thụ hưởng… Tuy nhiên sau khi sang Nga làm việc từ đầu tháng 11/2008 đến ngày 23/7/2009 thì nhiều điều không hoàn toàn giống như hợp đồng ký kết. Người lao động phải làm việc thêm giờ nhiều ngày cùng với điều kiện làm việc khắc nghiệt. Đặc biệt trong suốt thời gian 8 tháng tại Nga, họ đã không được nhận bất cứ đồng lương nào từ phía chủ sử dụng lao động…

Sau khi trở về nước, họ đã nhiều lần tìm đến Công ty Trường Sơn để yêu cầu bồi thường, tuy nhiên sau nhiều lần đi lại đơn vị này vẫn không giải quyết thoả đáng. Theo những lao động này thì phương án hỗ trợ phía Công ty Trường Sơn đưa ra cho mỗi lao động 500 USD cùng với 3 triệu đồng là không thỏa đáng. Những lao động này cũng đã gửi đơn thư đến nhiều cơ quan chức năng đề nghị can thiệp và giúp đỡ.

Lãnh đạo Công ty Trường Sơn gặp gỡ và giải quyết khiếu nại với những công nhân.

Ông Nguyễn Văn Hòa - Giám đốc và ông Đoàn Văn Chiến - Trưởng phòng Tổ chức Công ty Trường Sơn cho rằng: Trên thực tế phía đơn vị này chỉ nhận của mỗi lao động 2.100 USD (Nguyễn Thị Nga thu tiền môi giới của mỗi lao động 300 USD). Theo lãnh đạo đơn vị này thì trong năm 2008 có hơn 100 lao động do phía Công ty đưa sang Nga đã phải về nước trước thời hạn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, trong số đó có những lao động nói trên.

Liên quan đến việc giải quyết vụ việc khiếu kiện trên, đại diện đơn vị này cho biết sau khi có phản ánh của người lao động, lãnh đạo đơn vị đã trực tiếp sang Nga để giải quyết. Tuy nhiên do chủ sử dụng lao động đang bị nợ tiền thanh toán từ công trình chưa hoàn thành nên không thực hiện chi trả được. Đơn vị này cũng cho rằng số tiền 2.100 USD thu của người lao động đến nay đã phải chi gần hết cho việc hỗ trợ mua vé máy bay về nước, chi phí làm thủ tục cho lao động tại Nga, tiền hỗ trợ gia đình người lao động ăn ở khi ra Hà Nội giải quyết khiếu nại…

Công ty Trường Sơn cũng cho rằng việc thanh lý hợp đồng và đưa ra mức hỗ trợ 500 USD cùng với 3 triệu đồng cho mỗi người là đúng quy định!? Riêng về khoản lương người lao động chưa nhận được trong thời gian làm việc tại Nga, lãnh đạo công ty này cho biết đã có công văn gửi đối tác ở Nga và phía công ty tại Nga cũng hồi âm: "sớm nhất là quý III mà chậm nhất là đầu quý IV năm 2010 phía Công ty này sẽ thực hiện chi trả tiền lương, phụ cấp đang nợ của người lao động".

Sau khi xảy ra vụ việc, phía Công ty  Trường Sơn cũng đã có những nỗ lực để giải quyết khiếu nại, tạo điều kiện đưa người lao động về nước. Tuy nhiên rõ ràng trong vụ việc này phía Công ty Trường Sơn đã không có sự tìm hiểu thông tin về thị trường, đối tác để dẫn đến tình trạng gây thiệt hại cho người lao động. Số tiền hàng chục triệu đồng đối với mỗi người dân quê nghèo khó là số nợ lớn và chẳng dễ gì trả được. Vụ việc đã được chuyển đến các cơ quan chức năng để giải quyết, tuy nhiên đây sẽ là bài học đắt giá cho cả người lao động và phía công ty xuất khẩu lao động trong việc đưa người lao động ra nước ngoài.

Liên quan đến sự việc này, ngày 11/5/2010, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có công văn yêu cầu Công ty Trường Sơn: Kiểm tra làm rõ nội dung đơn thư, khẩn trương có biện pháp giải quyết, căn cứ vào hợp đồng đã ký giữa các bên, quá trình thực hiện hợp đồng và lý do về nước để thực hiện thanh lý hợp đồng với người lao động theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động, không để đơn thư khiếu nại kéo dài, phát sinh phức tạp.

Ngày 25/6/2010, Công an quận Hoàng Mai - TP Hà Nội đã có thông báo về việc giải quyết đơn thư tố cáo liên quan đến vụ việc trên gửi đại diện người lao động, trong đó cho biết: Cơ quan Công an quận Hoàng Mai đã tiến hành xác minh đơn, thấy rằng: Vụ việc không có dấu hiệu hình sự mà chỉ là tranh chấp dân sự nên không thuộc thẩm quyền giải quyết của  cơ quan Công an quận Hoàng Mai… Đề nghị các nguyên đơn khởi kiện ra toà án dân sự để được xem xét giải quyết theo quy định.

Nhóm phóng viên pháp luật
.
.
.