Gà lậu đổ bộ vào Quảng Ninh

Thứ Năm, 23/03/2006, 14:11

Tại Quảng Ninh, các lực lượng chức năng như Thú y, Công an, Quản lý thị trường đã bắt giữ 7 vụ và tiêu hủy trên 8 tấn gia cầm và 126 nghìn quả trứng nhập lậu.

Mới đây nhất, chỉ trong 1 ngày 16/3, Chi cục Quản lý thị trường Quảng Ninh đã phát hiện tới 3 vụ nhập lậu gồm 4 tấn gà có xuất xứ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, lượng gà nhập lậu vào địa bàn trong nước thông qua các cửa khẩu biên giới đường bộ phía Bắc còn lớn hơn rất nhiều so với những gì mà các cơ quan chức năng kiểm soát được.

1kg gà Trung Quốc chỉ vào khoảng 20.000 - 25.000đ, giá trứng gia cầm Trung Quốc cũng rất thấp, chỉ bằng 1/3 so với trứng nội. Nhưng nếu giao dịch đến tận hộ chăn nuôi, giá còn có thể thấp đến mức không ngờ. Trong khi đó, do thiếu nguồn cung ứng sau khi hết dịch, giá gà tại thị trường Hà Nội, Hải Phòng bình quân ở mức 45.000 -50.000đ/kg.

Nắm bắt thời cơ này, nhiều người tuy không phải là dân buôn chuyên nghiệp cũng rủ nhau lũ lượt sang Trung Quốc "đánh" gà. Sau đó, gà lậu đương nhiên không qua cửa khẩu, chỉ lần theo các đường mòn biên giới đổ bộ vào Việt Nam. Các chốt, trạm kiểm dịch trên những tuyến giao thông chính dường như đã quá mệt mỏi sau những ngày dài chống dịch giờ vẫn đang "nghỉ ngơi". Vì vậy, không một rào chắn nào đáng ngại với dân... buôn gà.

Gà lậu có gì phải sợ?

Thông tin từ các cơ quan chuyên môn cho biết, ngay tại Trung Quốc, đất nước có ngành phát triển chăn nuôi gia cầm tập trung với số lượng hàng đầu thế giới đã và đang đối mặt với nguy cơ xảy ra đại dịch. Điều tra của Bộ Y tế nước này đã ước đoán có khoảng 1% trong tổng số gia cầm đang nhiễm H5N1.

Trung Quốc đang áp dụng hình thức thải loại đàn gà theo cách "thải nhầm hơn bỏ sót", nên giá rẻ như cho. Trong đó, gà mái là mục tiêu số một vì có khả năng sinh đẻ, di truyền... Rất có thể các thương lái của ta sang Trung Quốc chỉ nhằm vào đối tượng gà thải loại để được giá bèo. Trên thực tế, số gà lậu mà các cơ quan chức năng phát hiện được chủ yếu là gà mái đang độ sinh sản. Chúng đẻ trứng ngay trong lồng nhốt, nhiều "ả" bơ phờ, mệt mỏi, mang đầy đủ dấu hiệu của sự nhiễm dịch.

Hành động khẩn cấp

Sự cần thiết bây giờ là phải có ngay hành động khẩn cấp để chặn đứng hành vi nhập lậu gà từ vùng, lãnh thổ nhạy cảm. Một số địa phương còn có tư tưởng chủ quan, lơ là phòng chống dịch. Việc kiểm soát vận chuyển, lưu thông, buôn bán, giết mổ gia cầm, đặc biệt là vận chuyển, lưu thông buôn bán gia cầm qua biên giới không chặt chẽ. Nguyên nhân vẫn là thiếu kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác kiểm dịch thường xuyên.

Đơn cử, việc bắt giữ gà nhập lậu khác so với hàng lậu. Người thực thi chẳng sung sướng gì. Vì đối tượng là dân buôn nhỏ, vì trang bị, chế độ phòng hộ chưa thực sự an tâm. Hàng bắt giữ không thể đưa vào kho, bán thanh lý mà phải thực hiện tiêu hủy. Nhưng mỗi lần tiêu hủy lại phải có sự phối hợp đầy đủ các ngành chức năng. Sự tập hợp này đôi khi không thể thổi còi là tất cả ngay lập tức có mặt.

Thủ tướng vừa có công điện chỉ đạo lực lượng Hải quan, Quản lý thị trường, Thú y, Bộ đội Biên phòng tăng cường kiểm soát việc nhập khẩu, mua bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới. Trường hợp nhập lậu cần được xử lý thật nghiêm theo quy định của pháp luật. Yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành chức năng chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) ở người; tăng cường giám sát, phát hiện sớm bệnh dịch, khử trùng triệt để khu vực chuồng trại, đặc biệt là tại các khu chăn nuôi nhỏ lẻ, các vùng có ổ dịch cũ, có nguy cơ cao, không để dịch cúm gia cầm tái phát

Lê Minh Triết
.
.
.