Gà “bẩn” ồ ạt vào Việt Nam

Thứ Năm, 01/11/2007, 15:40
Từ Trung Quốc, gà thải loại "đi" đò, sau đó lên xe Minsk ngoằn ngoèo qua các đoạn đường thuộc xã Hải Yên - Móng Cái rồi đi sâu vào nội địa. Lúc đó, gà thải loại đã nghiễm nhiên trở thành gà thương phẩm có giá bán rất cao…

Gà thải loại từ Trung Quốc là thứ mà ngành công nghiệp chăn nuôi rất phát triển của nước bạn thanh lọc loại bỏ ra khỏi quy trình sản xuất, chế biến. Nhưng với các thương lái Việt Nam, chúng là món hàng béo bở, lợi nhuận rất cao nếu nhập lậu trót lọt qua khu vực biên giới về tiêu thụ trong nội địa.

Thủ đoạn biến gà "Tàu" thành gà "ta"

Theo sơ đồ theo dõi hành trình do cơ quan Trạm kiểm soát liên hợp Km 15-TX Móng Cái (gồm nhiều lực lượng có chức năng tuần tra kiểm soát như Hải quan, Công an, QLTT, thuế, kiểm dịch động vật... gọi tắt là T15), gà kém chất lượng, ốm yếu sau khi bị các cơ sở chăn nuôi tập trung tại các địa phương Trung Quốc đã được các đầu nậu mua gom lại dưới danh nghĩa là tiêu huỷ, tái chế biến thành thức ăn chăn nuôi với giá rẻ như cho, thậm chí còn được các trang trại bồi dưỡng thêm chi phí xử lý vệ sinh môi trường.

Ngay sau đó, chúng được di chuyển tập kết về khu vực giáp giới các đường biên với Việt Nam. Thông tin hai đầu biên giới được kết nối ngay lập tức, chúng được xé lẻ ra từng lồng, sọt (khoảng 50kg/sọt và 100kg/lồng). Chờ đến khi màn đêm buông xuống, tầm quan sát của lực lượng Biên phòng hạn chế là cánh cửu vạn khệ nệ vác bộ qua đường biên, đưa xuống đò.

Lúc này, một đội quân cơ động nữa (dùng xe Minsk) đã ứng trực nhanh chóng chằng buộc rồi rồ máy chạy như ma đuổi qua các đoạn đường mòn ngoằn ngoèo thuộc xã Hải Yên - Móng Cái. Sở dĩ phải đi đường vòng là vì cách đó không xa, Trạm kiểm soát liên hợp T15 lúc nào cũng có bộ phận thường trực ngăn chặn, đuổi bắt.

Chặng tiếp theo là qua khỏi giới hạn kiểm soát của T15, hết giới hạn khu vực biên giới. Tại đây, một số phương tiện cơ giới sau khi mang hàng xuất khẩu quay về không đã phục sẵn đợi "gà bẩn" và lên đường đi sâu vào nội địa. Lúc đó, từ gà thải loại đã nghiễm nhiên trở thành gà thương phẩm có giá bán rất cao.

Đáng lo hơn khi một số vụ việc sau khi bị bắt giữ, chủ phương tiện, chủ hàng khai mang về bán lại cho các trang trại lớn ở Hà Tây, Bắc Ninh, Bắc Giang hoặc "đổ" ngay tại Tiên Yên, những nơi nổi danh với món gà "đồi" thu hút rất nhiều thực khách. Sau đó, gà thải loại được chăm nuôi tiếp để... thuần chủng, chỉ 1 tháng sau đó là xuất chuồng.

Không tiếp tay nhưng kiểm soát rất khó khăn

Theo ông Phạm Văn Tính, Phó trưởng Trạm T15, ý thức về mối hiểm họa tiềm ẩn đối với gà "bẩn" đã được quán triệt rất rõ ràng, là lực lượng liên hợp, với đủ thành phần, có quyền hạn, chức năng nhưng công tác ngăn chặn, không bao giờ có sự tiếp tay hoặc bao che cho các đối tượng buôn gà "bẩn".

Từ đầu năm đến nay, riêng T15 đã bắt giữ gần 70 vụ vận chuyển gia cầm với số lượng gần 30 tấn. Cách đây 3 ngày, T15 đã mai phục bắt quả tang 2 vụ đang tập kết bốc xếp 5,2 tấn gà lên xe ôtô chuẩn bị vào sâu trong nội địa. Đó là chưa kể rất nhiều vụ các đối tượng khi bị phát hiện đã vứt gà xuống sông chạy lấy người.

Tuy nhiên, ông Tính cũng thừa nhận là còn nhiều bất cập trong việc kiểm tra, phát hiện hành vi buôn bán, vận chuyển gia cầm nhập lậu.

Thứ nhất, đó là công việc hết sức khó khăn bởi thủ đoạn của các đối tượng rất tinh quái. Trước khi thực hiện hành vi, chúng nắm rõ giới hạn kiểm soát vành đai 2 bên cánh gà của Trạm T15, cắt cử người theo dõi mọi "di biến động" của lực lượng chức năng, chỉ cần di chuyển ra khỏi vị trí chốt trực (phải thường xuyên thay đổi vì địa bàn kiểm soát quá rộng lớn) là đã tạo thành "lỗ hổng" để đưa hàng qua đó.

Mặt khác, vị trí vận chuyển gà ra khỏi vành đai biên giới thuận tiện nhất là khu vực nhánh sông Ka Long. Theo đó, các đối tượng đợi khi nước xuống ở mức xuồng máy của Trạm T15 không thể chạy để truy đuổi là xếp gà lên đò để xuôi dòng. Những lúc như thế, các đối tượng vừa chèo đò vừa nhổ râu thì lực lượng chức năng đành phải bó tay.

Trước những hạn chế như vậy, từ năm 2006, Trạm T15 đã nhiều lần đề nghị UBND tỉnh, cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp đối với Trạm T15 (chứ không phải là Cục Hải quan Quảng Ninh) trang bị bổ sung một số phương tiện, công cụ hỗ trợ nhằm ngăn chặn hiệu quả tình trạng buôn lậu gia cầm đang có xu hướng gia tăng.

Cụ thể thay xuồng tuần tra bằng sắt sang xuồng vỏ cao su có khả năng chạy tốc độ cao ngay cả khi mực nước xuống thấp; trang bị xe môtô chuyên dùng có khả năng di chuyển trên địa hình đường mòn, đèo dốc để truy đuổi đối tượng vì đây là con đường vận chuyển gà lậu cùng các loại hàng hoá nhập lậu khác từ biên giới về điểm tập kết. Tuy nhiên, cho đến nay, lời đề nghị trên cũng chưa được cấp có thẩm quyền để ý.

Thứ hai, cần phải ngăn chặn gà "bẩn" nói riêng và hàng lậu nói chung ngay từ giới hạn các đường biên giới. Nhưng đây lại thuộc về lĩnh vực an ninh lãnh thổ và do lực lượng khác chuyên quản chứ không phải Trạm T15. Một khi hàng lậu đã qua được "cửa" này thì phần còn lại sẽ muôn vàn khó khăn.

Như vậy, có thể nói là cơ quan, lực lượng chức năng không làm ngơ hay tiếp tay cho các đối tượng nhập lậu gà "bẩn". Song cũng cần biết rằng, chính từ những khó khăn, vướng mắc trên đây lại là cơ hội ngàn vàng cho các đối tượng nhập lậu gà "bẩn" vào sâu trong nội địa.

Mong sao UBND tỉnh Quảng Ninh cần thể hiện rõ hơn tính trách nhiệm, cần đặt mục tiêu vì sự an toàn cho sức khoẻ cộng đồng lên trên hết, trên cả những cơ chế, thủ tục mang tính pháp quy nhưng không sát thực với yêu cầu thực tiễn trong công tác đấu tranh chống loại tội phạm mới này

Lê Minh Triết
.
.
.