GPMB đường vành đai III (Hà Nội): Địa phương lúng túng, nhà thầu chật vật

Thứ Sáu, 28/07/2006, 13:28

Tại đường vành đai III tuyến từ nút giao Trung Hòa đến trục đường Nguyễn Trãi, Hà Nội, công trường bừa bộn vật liệu, đất cát và một chút sình lầy dư âm của cơn mưa mấy hôm trước.

Ông Nguyễn Văn Côn, Giám đốc điều hành đường vành đai III cho biết, thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, hiện tại nhà thầu Cienco 18 đang gấp rút hoàn thành đoạn dài khoảng 600m từ Km23+425 đến Km24+050, tức là từ nút giao Trung Hòa đến đầu đường Lê Văn Lương. Tuy nhiên, vướng mắc nhất hiện nay là 6 chiếc cột điện cao thế nằm dọc theo tim đường, đặc biệt có một chiếc cột điện nằm trúng tim hầm ngầm kỹ thuật Láng Hạ - Thanh Xuân 1.

Nếu không giải tỏa những chiếc cột điện này thì sẽ không thể thi công hầm và tất cả các hạng mục bên trên sẽ không thực hiện được. Ngoài ra, phía bên phải đường (tính theo chiều từ Trung Hòa sang Thanh Xuân) là khu vực mở rộng 4m dành cho hào kỹ thuật và hệ thống thoát nước vẫn đang còn vướng toàn bộ dãy cột điện hạ thế, hệ thống dây điện thoại, chiếu sáng và nhà dân chưa được giải tỏa.

Ban điều hành thi công đường vành đai III cho biết, chỉ riêng đoạn 600m này nhà thầu đã huy động 200 công nhân, hơn 20 máy móc, xe cộ sẵn sàng làm 3 ca nếu có mặt bằng. Mỗi ngày, chi phí cho hoạt động duy trì chỉ riêng số công nhân và máy móc nói trên đã ngót nghét 10 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Côn khẳng định, nếu được bàn giao toàn bộ mặt bằng trước ngày 30-7 thì bên thi công sẽ đảm bảo hoàn thành đoạn đường nói trên trước ngày 30-10, kịp phục vụ APEC.

Tại Ban giải phóng mặt bằng (GPMB) quận Thanh Xuân, chúng tôi được biết: Trên toàn tuyến vành đai III đi qua quận Thanh Xuân dài khoảng 1,8km có cả thảy 1.200 hộ dân thuộc diện phải cắt xén, di dời thuộc địa bàn các phường Nhân Chính, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân Nam, Hạ Đình và Kim Giang. Đến nay, tại khu vực phường Kim Giang và một phần đất nông nghiệp ở Hạ Đình đã cơ bản hoàn thành xong công tác GPMB, nhà thầu đã tiến hành thi công. Riêng trong quá trình thực hiện GPMB đoạn từ Trung Hòa đến Nguyễn Trãi, có khoảng 500 hộ thuộc diện phải di dời toàn bộ để bàn giao mặt bằng.

Đến giờ phút này có khoảng 250 hộ đã di chuyển bàn giao mặt bằng, nhận nhà tái định cư. Phần còn lại tại phường Thanh Xuân Trung có 70 hộ đã tự nguyện ký nhận phương án, trong đó có 17 hộ mới nhận tiền và bố trí tái định cư tại nhà N2E khu tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính vào ngày 24/7 vừa qua.

Hơn 100 hộ khác chưa bày tỏ ý kiến. Còn lại 73 hộ chưa đồng ý, là những hộ có khiếu kiện gay gắt trong suốt thời gian qua. Theo ông Hoàng Nam Sơn, Trưởng ban GPMB quận, thì các hộ này đều thuộc diện cư trú trên đất có nguồn gốc không hợp pháp.

Để chứng minh, ông Sơn đã cho chúng tôi xem các văn bản của Thanh tra thành phố Hà Nội, Thanh tra quận Thanh Xuân và các biên bản điều tra thống kê đất và tài sản trên đất trước đây.

Chẳng hạn như trong Kết luận số 578/TTHN của Thanh tra thành phố Hà Nội ngày 5/9/1996 có đoạn: "Khu đất trước cửa đơn vị phòng cháy chữa cháy (nay nằm trên đường vành đai III - PV) là khu đất lưu không đường Nam Thăng Long. Theo báo cáo, số hộ lấn chiếm tại khu vực này là 102 hộ với tổng diện tích bị chiếm trái phép là 3.529m2. Xã đã phạt các hộ lấn chiếm thu 154.507.500đ. Sau đó, lại có văn bản tạm giao cho các hộ sử dụng khi nào Nhà nước lấy đất thì trả lại không điều kiện".

Về nguồn gốc đất như vậy có lẽ đã rõ ràng. Tuy nhiên, ông Sơn cho biết, để tạo điều kiện cho các hộ dân nói trên, UBND thành phố Hà Nội đã có Thông báo số 1997/UB-NNĐC, theo đó đối với các trường hợp sử dụng đất ở có nguồn gốc không đủ điều kiện được bồi thường theo Nghị định 197/2004/NĐ-CP và Thông tư 116/2004/TT-BTC thì sẽ được hỗ trợ đền bù theo giá đất ở từ 20-50% trên diện tích đất tối đa không quá 60m2 và được mua nhà tái định cư theo giá tại Quyết định 15/QĐ-UB.

Đối với các trường hợp lấn chiếm hoàn toàn, nếu ăn ở thường xuyên tại đất đó và chứng minh không có nơi ở nào khác thì có thể được xét bán nhà tái định cư với giá tính theo giá tại Quyết định 80/2005/QĐ-UB của UBND thành phố và phải thanh toán ngay một lần tiền mua nhà trước khi nhận bàn giao nhà. Về nhà tái định cư, ông Sơn cho biết, hiện tại ở nhà N2E vẫn còn khoảng 80 căn hộ dành riêng cho tái định cư dự án đường vành đai III. Vì vậy, trong thời gian tới, những hộ nào chấp nhận phương án đền bù và tái định cư sớm nhất sẽ được tái định cư tại đây. Những hộ đồng ý sau sẽ phải chấp nhận đi xa hơn và tái định cư tại khu 5,3ha Dịch Vọng.

Sáng 27/7, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Quý Đôn cũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo và nhân dân quận Thanh Xuân. Phó Chủ tịch Lê Quý Đôn khẳng định, trong công tác GPMB, việc xem xét, tìm hiểu nguồn gốc đất để đưa ra những quyết định liên quan là việc làm đúng. Phó Chủ tịch Lê Quý Đôn cho rằng, do sự quản lý lỏng lẻo của các cấp chính quyền cơ sở trước đây và có phần của dân, trong quá trình sử dụng qua các hoạt động mua bán trao tay, chuyển nhượng không đúng quy trình, không chấp hành theo các văn bản nguyên thủy về nguồn gốc đất của mình đã góp phần gây nên những phức tạp...

Phó Chủ tịch Lê Quý Đôn yêu cầu phía chủ đầu tư (Ban quản lý dự án Thăng Long) và đơn vị giải phóng mặt bằng (Ban giải phóng mặt bằng quận Thanh Xuân) phải rà soát lại toàn bộ báo cáo để giải quyết trước ngày 15/8/2006. Thời gian từ 15/8 đến 30/8 là trách nhiệm còn lại của chủ đầu tư và quận Thanh Xuân phải giải phóng mặt bằng xong

Việt Ba - Tâm Hiếu
.
.
.