FAO cảnh báo Việt Nam sẽ sớm có người mắc cúm A(H7N9)

Thứ Bảy, 22/02/2014, 07:51
FAO cảnh báo nguy cơ lây lan virus H7N9 qua biên giới giữa Quảng Tây và Việt Nam, cũng như các tỉnh biên giới của các nước khác (Myanmar, Lào) là rất cao.
>> Căng sức ngăn virus cúm gia cầm H7N9 xâm nhập Việt Nam

Đến ngày 21/2, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số người nhiễm cúm A(H7N9) ở Trung Quốc đã là 355 trường hợp, trong đó, 67 người đã tử vong.

Sự gia tăng khó lường của cúm A(H7N9) thể hiện rõ: Mới hơn 1 tháng kể từ năm 2014 đến nay, đã có 197 trường hợp mắc, với 32 người tử vong (trong khi cả năm 2013 có 158 trường hợp mắc và 45 người tử vong). Không kể Đài Loan, Hồng Kông và Malaysia, riêng Trung Quốc đã có 14 tỉnh, thành có người mắc, trong đó, có các tỉnh mới là Quảng Tây và Quý Châu. Rất đáng phải lưu tâm khi tỉnh Quảng Tây (giáp biên giới Việt Nam) đã có 3 trường hợp nhiễm cúm A(H7N9).

Trước tình hình đó, FAO cảnh báo nguy cơ lây lan virus H7N9 qua biên giới giữa Quảng Tây và Việt Nam, cũng như các tỉnh biên giới của các nước khác (Myanmar, Lào) là rất cao.

Các bệnh viện đã sẵn sàng ứng phó với dịch cúm.

Riêng về cúm A(H5N1), chiều 21/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay: Nguy cơ dịch cúm A(H5N1) bùng phát trở lại Việt Nam cũng rất cao, khi đã có 16 tỉnh có dịch bệnh gia cầm và kết quả giám sát 147 chợ gia cầm, cho thấy hơn 61% chợ có virus cúm A(H5N1). Virus cúm vẫn xuất hiện trên các đàn thủy cầm, nhưng lại không có dấu hiệu bệnh, nên rất khó để phát hiện sớm và xử lý ổ dịch. Bộ Y tế lo ngại: sau một thời gian dài không có trường hợp người mắc bệnh, người dân dễ chủ quan, lơ là trong phòng chống bệnh, nhiều người vẫn sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm ốm chết, không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, thời tiết hiện đang thích hợp cho dịch cúm phát triển. Campuchia là nước có số mắc và tử vong do cúm cao nhất thế giới trong năm 2013, mà Việt Nam lại có đường biên dài với Campuchia

Thanh Hằng
.
.
.