Đường đẹp để… đổ rác

Thứ Bảy, 14/02/2009, 19:11
Xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, Hà Nội có một con đường mới đổ bê tông dẫn ra cánh đồng. Con đường rất đẹp có hàng cau vua đang lớn nằm bên những thửa ruộng đang ngập màu xanh của mạ non. Thế nhưng, nhìn vào con đường, người ta thấy bất bình ngay tức khắc bởi nó đã biến thành con đường rác. Rác chiếm gần hết con đường. Để đi qua, người ta phải giẫm lên rác…

Xã hội hiện đại, để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống thành thị, người ta triển khai nhiều tour du lịch đến các vùng nông thôn. Những cánh đồng trải dài tít tắp, những ao sen, hồ nước… hình ảnh thanh bình của làng quê giúp cho lòng người như được trải ra, nhẹ nhõm, thanh thoát.

Nhưng, trong cái khung cảnh đẹp đẽ ấy, người ta bỗng chốc bị đập vào mắt một bãi rác nằm chình ình giữa cánh đồng, một thứ mùi đặc quánh, khó chịu xộc thẳng vào mũi. Khách du dịch mất cảm hứng vui chơi, nông thôn cũng bỗng chốc mất đi sự hấp dẫn. Những bãi rác xuất hiện ngày một nhiều ở  nhiều vùng nông thôn đang đe dọa sức khỏe của cư dân địa phương.

Làm đường để đổ rác

Con đường từ ga Lạc Đạo đi qua xã Chỉ Đạo, xã Đại Đồng (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) đến huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh khá đẹp. Đường liên xã trải nhựa phẳng lì, sạch bóng. Nhưng đến đoạn giáp ranh hai tỉnh lại có một bãi rác khổng lồ nằm chềnh ềnh, chiếm tới một nửa con đường. Rác lâu ngày, rác mới ùn lên thành đống cao, kéo dài. Đã nhiều tháng qua, bãi rác này trở thành một ổ chứa mầm mống dịch bệnh mà không được xử lý.

Cách đây khoảng 1 năm, đống rác khổng lồ này đã chiếm hết gần nửa con đường trải nhựa. Khi đó, người đi đường nhìn đống rác xuất hiện quá vô lý thì cứ nghĩ rằng người ta đang để tạm để chuyển đi. Thế mà, cho tới những ngày đầu tháng 2 này, khi tôi quay trở lại, con đường vẫn thế, đống rác vẫn còn nguyên, duy chỉ khác trước một chút là người ta đẩy đống rác gọn, ra gần vệ đường hơn. 

Cũng nằm ở ven đường, đoạn quốc lộ 1 cũ thuộc địa phận xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh có một bãi rác sinh hoạt lớn chứa đầy túi nilon xanh đỏ. Người dân tập kết rác ở một bãi cỏ tiếp giáp quốc lộ. Người qua đường cũng phải ngửi mùi, phải nhìn hình ảnh phản cảm, thiếu văn minh... Không khí ô nhiễm, vậy mà ở gần đó, người dân địa phương còn bày đặc sản bánh phu thê Đình Bảng ra bán.

Chắc chắn sức khỏe của người bán hàng sẽ bị ảnh hưởng khi ngày ngày sống chung với ô nhiễm từ bãi rác. Bên cạnh đó, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm liệu có đảm bảo khi bánh được bày bán ngay sát bãi rác?

Ở gần quốc lộ 3, địa phận xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, Hà Nội có một con đường mới đổ bê tông dẫn ra cánh đồng. Con đường rất đẹp có hàng cau vua đang lớn nằm bên những thửa ruộng đang ngập màu xanh của mạ non. Thế nhưng, nhìn vào con đường, người ta thấy bất bình ngay tức khắc bởi nó đã biến thành con đường rác. Rác chiếm gần hết con đường. Để đi qua, người ta phải giẫm lên rác, kể cả lựa chân thì cũng vẫn không tránh khỏi rác. Tấm biển "cấm đổ rác" đã bị lệch lạc, bạc màu gắn trên thân cây cau vua không phát huy được tác dụng.

Trong phạm vi một bài báo, tôi không thể kể hết những con đường rác đang xuất hiện ngày càng nhiều ở các vùng quê.  Giải quyết vấn đề này hiện đang nằm ngoài khả năng của chính quyền thôn, xã.

Cần tăng cường triển khai các dự án xử lý rác thải

Trước đây, rác thải sinh hoạt có thể được người dân nông thôn dùng làm phân bón ruộng, nhưng nay thì không thể. Bởi rác thải đã chứa rất nhiều chất khó phân hủy như túi nilon, đồ nhựa. Nhiều địa phương đã lập các tổ thu gom rác sinh hoạt, hoạt động đều đặn, liên tục.

Cách xử lý rác thải phổ biến nhất sau khi được thu gom là đổ một chỗ. Nơi nào văn minh thì xây quây bốn bức tường và đổ rác vào đó. Còn thông thường, chính quyền xã, thôn chọn một bãi đất ở cánh đồng để đổ rác, hoặc chọn chiếc ao nào cần lấp để đổ rác vào đó, tiện lợi cả đôi đường. Khi rác đã ùn lên, người ta lại chọn đổ rác ở một địa điểm khác.

Vậy, nếu như để tình trạng này kéo dài thì rác sẽ quây kín các khu dân cư ở nông thôn. Không khí trong lành vốn có ở nông thôn đang dần bị ô nhiễm nghiêm trọng nếu không có biện pháp giải quyết trong thời gian sớm nhất.

Theo nguồn tin từ thông tấn xã, tỉnh Bắc Ninh hiện còn 80% rác thải ở khu vực nông thôn chưa được xử lý. Rác thải ở một số làng nghề được tự do thải ra đường sá, cống rãnh, bờ đê ngày một nhiều, gây ô nhiễm cả nguồn nước.

Trở lại bãi rác ở điểm giáp ranh hai tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, từ cuối năm 2008, xã Đại Đồng đã có một khu xử lý chất thải  do Công ty Môi trường đô thị URENCO làm chủ đầu tư với công suất xử lý 300 tấn rác thải/đêm, trong đó có 200 tấn rác thải sinh hoạt, 100 tấn rác thải công nghiệp. Vậy mà đống rác gây ô nhiễm ở nơi giáp ranh vẫn không được thu gom về xử lý.

Từ năm 2007, UBND tỉnh Hưng Yên đã phê duyệt 3 dự án xử lý chất thải tại các xã Đại Đồng (huyện Văn Lâm), xã Lý Thường Kiệt (huyện Yên Mỹ) và thị xã Hưng Yên. Đến nay, dự án tại xã Đại Đồng đã đi vào hoạt động. Việc triển khai các dự án này đang là giải pháp tích cực và hữu hiệu nhằm bảo vệ môi trường sống của người dân. Hy vọng rằng những dự án đầu tư cho từng địa phương như thế được tăng cường triển khai ở khắp các vùng nông thôn.

Nhưng, trước khi chờ sự ra tay của chính quyền cấp tỉnh, huyện hay các Sở Tài nguyên và Môi trường, để bảo vệ sức khoẻ cho mình, ngay trước mắt người dân cần thay đổi nhận thức từ việc hạn chế sử dụng túi nilon và các vật liệu gây hại cho môi trường, đặc biệt là đồ nhựa. Môi trường sống đảm bảo hay ô nhiễm đều phụ thuộc vào ý thức của mỗi người dân

Việt Hà
.
.
.