Đường dây "giết" rừng

Thứ Sáu, 29/05/2009, 15:08
Có một thế lực ngầm đã thiết kế và xây dựng một đường dây khai thác, vận chuyển và tiêu thụ gỗ quý hiếm của Vườn quốc gia Yók Đôn. Người dân vào rừng khai thác gỗ lậu mỗi ngày có thu nhập từ 6 đến 10 triệu đồng. Còn bọn đầu nậu thu về hàng tỷ đồng và chúng chi hàng trăm triệu đồng để mua chuộc những người giữ rừng; nếu mua không được, chúng bỏ tiền ra để tố cáo, đe dọa cán bộ…

Tây Nguyên được biết đến là một vùng đất hùng vĩ với những cánh rừng già trập trùng bát ngát, với nguồn tài nguyên nông - lâm giàu có và phong phú; rừng Tây Nguyên được ví như buồng phổi cân bằng sinh thái môi trường cho dải miền Trung và Đông Nam Bộ của đất nước; nhưng giờ đây nguồn tài nguyên quý giá từ rừng đang bị con người khai thác một cách triệt để, những cánh rừng xưa giờ đã biến thành bạt ngàn nương rẫy cà phê, hồ tiêu, điều… hay biến thành những đồi trọc gối đầu bất tận.

Điều dễ hiểu đã đến khi thiên nhiên nổi giận phản ứng lại hành vi phá rừng không thương tiếc của con người bằng cơn lũ lịch sử chưa từng có trong tháng 8/2007 ở các tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk với hơn 20 người chết, hàng ngàn căn nhà và hàng trăm ngàn hécta hoa màu bị nước lũ cuốn trôi…

Từ người dân cho đến những ông "trùm"

Theo số liệu tổng hợp của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông, từ năm 2007 đến tháng 4/2009, cơ quan kiểm lâm đã xử lý 2.627 vụ vi phạm lâm luật, với diện tích rừng bị phá hủy hơn 754ha; vi phạm phòng chống cháy rừng 3 vụ với hơn 7ha… Cơ quan Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông đã xử lý 2.593 vụ, trong đó đã khởi tố 122 vụ với 54 bị can, đã xét xử 5 vụ với 10 bị cáo...

Còn tại tỉnh Lâm Đồng, từ đầu năm 2007 đến tháng 4/2009, các cơ quan kiểm lâm đã phát hiện 5.906 vụ vi phạm lâm luật; trong đó phá rừng trái phép 1.744 vụ, diện tích rừng bị phá 858ha... Cơ quan kiểm lâm đã xử lý 5.687 vụ, trong đó đã xét xử 14 vụ.

Hiện trường lâm tặc đốn hạ cây giáng hương ở VQG Yók Đôn, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk.

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2009, toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 537 vụ vi phạm lâm luật. Cơ quan chức năng đã tịch thu 1.147,9m3 gỗ lậu, 316 xe, máy móc và phương tiện các loại, phạt tiền sau xử lý hơn 3,05 tỷ đồng...

Các số liệu trên đây cho thấy, không chỉ riêng ở Đắk Lắk mà ở cả các tỉnh Tây Nguyên, thực trạng xâm hại rừng trên địa bàn ngày càng có chiều hướng gia tăng. Tình trạng lâm tặc chống người thi hành công vụ đã liên tục xảy ra gây nhiều bức xúc, hoang mang trong dư luận, kể cả trong lực lượng quản lý bảo vệ rừng...

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng phá rừng trái phép là các chủ rừng, nhất là một số công ty lâm nghiệp quốc doanh không đủ năng lực, nhân lực và kinh phí để bảo vệ rừng trên lâm phần được giao.

Nhiều chủ rừng chưa làm tròn trách nhiệm, để rừng bị phá với diện tích lớn mà chưa có biện pháp kiểm tra, ngăn chặn kịp thời như Xí nghiệp Lâm nghiệp Đắk Ha (Đắk Glong, Đắk Nông)…

Mặt khác, việc phục hồi rừng gặp nhiều khó khăn do các chủ rừng thiếu kinh phí. Những diện tích rừng và đất rừng của các công ty đã có quyết định giải thể và diện tích bàn giao cho địa phương để quy hoạch, tổ chức giao cho người dân quản lý đến nay thực hiện chưa tốt, rừng này trở thành vô chủ và bị tàn phá nặng nề…

Sự phối hợp liên ngành giữa Kiểm lâm, Công an và Quân đội trong công tác bảo vệ rừng theo Thông tư liên tịch số 144/TTLT-BNN-BCA-BQP đã triển khai thực hiện, nhưng đôi lúc sự phối hợp chưa thường xuyên, liên tục và chưa thật hiệu quả. Kiểm lâm cơ sở một số nơi còn mỏng lại yếu về nghiệp vụ, chính quyền các cấp thiếu sự kiểm tra, đôn đốc thường xuyên...

Việc xử lý vi phạm còn chậm, do không bắt được những ông "trùm" đứng đằng sau xúi giục phá rừng. Những đối tượng trực tiếp phá rừng đa số là người làm thuê. Trong đó, có nhiều vụ vi phạm chưa được các cơ quan chức năng khẩn trương, kiên quyết điều tra, xác định những kẻ giấu mặt, xúi giục phá rừng để có biện pháp xử lý nghiêm.

Ngoài ra, những người dân sống trong rừng còn khó khăn, chủ yếu sống nhờ làm rẫy và dựa vào rừng, do thu nhập không đủ sống, lại không được hưởng lợi từ rừng nên không thiết tha với việc bảo vệ rừng. Khi giá một số mặt hàng nông sản như cà phê, điều, tiêu… tăng cao, đã xảy ra tình trạng buôn bán đất.

Nhiều người có khả năng kinh tế thuê dân nghèo phá rừng trái phép để lấy đất bán, sang nhượng. Đó là chưa kể đến việc nhiều người dân di cư tự do từ các nơi đổ về Tây Nguyên sinh sống, gây áp lực lớn với những cánh rừng già khi họ phá rừng lấy đất sản xuất...

Đắk Lắk và Đắk Nông là 2 tỉnh có lượng dân di cư tự do (DDCTD) nhiều nhất ở Tây Nguyên. Chính quyền các địa phương hết sức lo ngại việc DDCTD trở thành "lâm tặc" phá rừng lấy đất sản xuất… Hầu hết những đối tượng "lâm tặc" vào rừng lấy gỗ, vận chuyển gỗ, đi săn lại chỉ là người làm thuê, còn những ông "trùm" thì không lộ diện.

Tại nhà tạm giam Công an huyện Đắk Song (Đắk Nông), Trần Văn Sâm (50 tuổi, trú thôn 3, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song) bị Công an huyện Đắk Song khởi tố và bắt tạm giam về hành vi phá hủy 8,5ha rừng thuộc lâm phần Công ty Lâm nghiệp Trường Xuân để lấy đất sản xuất và sang nhượng lại cho người khác kiếm lời, tỉnh ngộ: "Nếu biết có ngày hôm nay, tôi sẽ không bao giờ phá rừng nữa"…

Vi Văn Tài (25 tuổi, trú tại Xuân Thọ, Nghi Thanh, Thanh Hóa) là người làm thuê phá rừng cho Sâm được 20 ngày với tiền công 120 nghìn đồng/ngày cũng bị khởi tố và bắt tạm giam, ân hận chỉ vì miếng cơm manh áo, đi làm thuê, không ngờ lại dính vào vòng lao lý, mong được sự khoan hồng của pháp luật để sớm trở về giúp vợ nuôi con…

Cán bộ cũng làm "lâm tặc"

"Lâm tặc" nguy hiểm nhất là những ông "trùm" đường dây khai thác, vận chuyển và tiêu thụ gỗ lậu, những ông "trùm" này không bao giờ ra mặt. Vì khai thác và tiêu thụ trái phép lâm sản thu được lợi nhuận tiền tỷ, những ông "trùm" dùng tiền này để hối lộ, mua chuộc các cán bộ thoái hóa biến chất tiếp tay cho đường dây buôn gỗ lậu của mình.

Khi chẳng may đường dây bị cơ quan pháp luật phát hiện, ngay lập tức có đàn em hoặc những người làm thuê đứng ra chịu tội, còn ông "trùm" vẫn ung dung tác oai tác quái ở ngoài.

Theo điều tra của chúng tôi, cũng như phản ánh của cán bộ VQG Yók Đôn (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk), có một thế lực ngầm đã thiết kế và xây dựng một đường dây khai thác, vận chuyển và tiêu thụ gỗ quý hiếm của vườn. Chúng sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu đồng đầu tư mua cưa máy, xe công nông… cho những người dân sống ở Vườn Quốc gia khai thác gỗ lậu, còn việc vận chuyển và tiêu thụ chúng "bao" trọn gói.

Người dân vào rừng khai thác gỗ lậu mỗi ngày có thu nhập từ 6 đến 10 triệu đồng, vì thế nhiều người đổ xô đi làm lâm tặc. Còn bọn đầu nậu thu về hàng tỷ đồng và chúng chi hàng trăm triệu đồng để mua chuộc những người giữ rừng; nếu mua không được, chúng bỏ tiền ra để tố cáo, đe dọa cán bộ…

Cơ quan chức năng thu giữ gỗ lậu tại nhà ông Nguyễn Quốc Huy, Trạm phó Trạm Kiểm lâm số 10 thuộc VQG Yók Đôn.

Năm 2008, do tình trạng quản lý lỏng lẻo, thậm chí có sự tiếp tay của cán bộ kiểm lâm nên bọn "lâm tặc" đã khai thác 500m3 gỗ giáng hương ngay tại VQG Yók Đôn. Ngay sau khi báo chí phản ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra đột xuất buôn Đrăng Phốc - một điểm dân cư nằm trong VQG.

Trong quá trình kiểm tra đã phát hiện tại nhà ông Nguyễn Quốc Huy - Trạm phó Trạm kiểm lâm số 10 (thuộc VQG), và vợ là cán bộ của vườn có một xưởng mộc, sử dụng gỗ lậu công khai, hầu hết là gỗ hương với khối lượng hơn 2m3.

Tại nhà ông Y Quynh - cán bộ kiểm lâm Trạm số 3, thuộc VQG, đoàn kiểm tra cũng phát hiện được 70 lóng gỗ giấu trong vườn nhà (khoảng 8m3). Con trai ông Y Quynh thừa nhận: "Gỗ này bố cháu lấy trong VQG Yók Đôn". Toàn bộ số gỗ lậu và phương tiện hành nghề mộc trái phép đã bị đoàn lập biên bản tịch thu.

Mối nguy hiểm đe dọa lớn nhất đối với VQG Yók Đôn chính là một số cá nhân của lực lượng kiểm lâm được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng, họ không bảo vệ mà còn bắt tay với "lâm tặc", thậm chí trực tiếp làm "lâm tặc"...

(Còn nữa)

Gia Bảo
.
.
.