Dược sĩ Đông y vốn là dân "Tây dược"

Thứ Hai, 30/07/2007, 19:28
Hiện nay, đội ngũ dược sỹ Đông y bậc đại học chưa có. 100% dược sỹ đông y công tác trong ngành Đông dược hiện nay được đào tạo từ… Tây dược.

Lực lượng cán bộ y dược học cổ truyền ở Việt Nam còn thiếu rất nhiều so với nhu cầu thực tế, đặc biệt ở tuyến cơ sở. Trong cả nước ở tuyến tỉnh hiện cần 7.410 bác sỹ y học cổ truyền (YHCT) nhưng mới chỉ có 2.758 người. Tuyến xã nhu cầu còn lớn hơn: 11.000 bác sỹ và y sỹ YHCT nhưng con số đáp ứng chỉ chưa đầy một nửa.

Đó là một thực trạng buồn mà những người làm công tác YHCT đã cùng nhau mổ xẻ trong Hội nghị "Thực trạng và các giải pháp phát triển nguồn nhân lực y dược học cổ truyền" vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.

Thiếu về số

Riêng tại TP HCM, theo Sở Y tế TP, phải cần 640 người và Trung học YHCT là 1.280 người. Tuy nhiên con số cán bộ YHCT tại TP mới chỉ có 122 người có trình độ đại học, 194 người có trình độ trung học và 296 người có trình độ lương y, lương dược.

Riêng khu vực phía Nam mới chỉ đào tạo được 599 bác sĩ YHCT so với nhu cầu cần tới 1.300 người.

Con số thiếu hụt này thực tế còn lớn hơn nhiều do một số người đã về hưu và một số khác không còn làm việc theo chuyên ngành được đào tạo.

Tại các cơ sở y tế không có lực lượng điều dưỡng YHCT. Vậy là y sỹ phải kiêm luôn việc chăm sóc bệnh nhân với những công việc như: châm cứu, day ấn huyệt, xoa bóp… 

Đội ngũ dược sỹ Đông y bậc đại học cũng chưa có. 100% dược sỹ đông y công tác trong ngành Đông dược hiện nay được đào tạo từ… Tây dược.

Nguyên nhân này dẫn tới một thực tế là sản phẩm thuốc Đông dược hiện nay chất lượng được đánh giá rất thấp; không đạt được các yêu cầu về tính ổn định, tiện dụng hay dạng bào chế hấp dẫn.

Hậu quả là bác sỹ YHCT điều trị bệnh nhân với những phương tiện chất lượng yếu kém. Bậc đại học đã vậy, dược sỹ trung cấp và sơ cấp cũng chẳng hơn gì khi chỉ là một số 0 tròn trĩnh.

Hụt về chất

Theo đánh giá của Thạc sỹ - bác sĩ Nguyễn Thị Thư - Viện trưởng Viện Y học Dân tộc, ngành YHTC hiện trong hoàn cảnh không chỉ thiếu về số mà còn hụt về chất. Đội ngũ thầy thuốc chuyên sâu mỏng, sử dụng chưa hợp lý.

Một số cơ sở bố trí bác sỹ YHCT làm chuyên khoa khác, hoặc bố trí cán bộ không có trình độ chuyên môn. Chưa có đủ cán bộ có kiến thức chuyên khoa sâu để thực hiện phối hợp y, dược học cổ truyền và y, dược học hiện đại... Cả TP Hồ Chí Minh hiện chưa có một tiến sỹ, giáo sư hay phó giáo sư về YHCT.

Tiến sỹ Y khoa Tôn Tri Nhân - Giám đốc Bệnh viện YHCT Cần Thơ có nhận xét: Đào tạo nhân lực YHCT chưa thể yên tâm về chất lượng mà còn chưa kịp để bổ sung cho cơ sở. Những năm 1995 trở về trước, lực lượng trung cấp y sỹ YHCT được đào tạo liên tục. Từ năm 2000 lực lượng này không được đào tạo nữa. Trong khi đó điều dưỡng đa khoa thì không thể châm cứu được.

Tại Cần Thơ, nguồn cung cấp YHCT được đào tạo tại Trường Trung học Y tế Cần Thơ, y sỹ đa khoa chỉ được học 6 tháng, kiến thức YHCT không được chuyên sâu như y sỹ YHCT (3 năm). Lực lượng này khi được phân công về các trạm y tế đều nhanh chóng làm tây y.

Chương trình của Bộ GD&ĐT thời gian đào tạo y sỹ YHCT hiện chỉ còn hai năm. Ra trường những nhân viên này đã có quyền khám, điều trị bệnh nhân. Với thời hạn đào tạo như vậy cho một công việc liên quan tới sinh mạng con người là không ổn

Huyền Nga
.
.
.