Đừng xem Lịch sử là môn phụ

Thứ Sáu, 17/08/2012, 20:36
Trong hệ thống các môn học, môn lịch sử luôn được coi là môn phụ với số tiết ít nhất. Vì vậy khi dẫn đến tình trạng dạy và học đối phó, nhồi nhét trước các kỳ thi là điều rất dễ hiểu...

Trong hai ngày 18 và 19/8, sẽ diễn ra “Hội thảo Khoa học Quốc gia về dạy học Lịch sử ở trường phổ thông Việt Nam” tại Đà Nẵng do Bộ GD-ĐT phối hợp với Hội khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức. Đây là cuộc Hội thảo về dạy học Lịch sử có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, tập trung các nhà quản lý, lãnh đạo Bộ GD&ĐT, những chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, lãnh đạo Khoa Lịch sử của các trường đại học, giảng viên đại học có uy tín, chuyên viên các Sở GD&ĐT và giáo viên cốt cán môn Lịch sử của 63 tỉnh thành trong cả nước.

Là những giáo viên trực tiếp giảng dạy môn Sử ở trường phổ thông, chúng tôi hết sức quan tâm và kì vọng ở Hội thảo này. Để góp phần thành công cho Hội thảo, với tư cách là những giáo viên đang trực tiếp đứng lớp, chúng tôi mạnh dạn trao đổi một số ý kiến về thực trạng đổi mới phương pháp dạy - học và đổi mới kiểm tra đánh giá môn Lịch sử ở trường THPT hiện nay, từ đó cung cấp thêm thông tin thực tế để các nhà khoa học, các nhà quản lí nghiên cứu tìm ra giải pháp khả thi nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử. Bởi nếu không thực hiện thành công việc đổi mới phương pháp dạy - học và đổi mới kiểm tra đánh giá, thì chương trình dù có hoàn hảo đến mấy cũng không thể phát huy được.

Xin hãy đặt đúng vị thế và vai trò của môn Lịch sử trong tất cả các bậc học.

Việc đổi mới phương pháp dạy - học Lịch sử là nội dung đã được ngành Giáo dục triển khai từ lâu thông qua các đợt tập huấn, bồi dưỡng chuyên đề thường xuyên cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán do ngành Giáo dục tổ chức hàng năm. Nhưng khi đi vào thực tế giảng dạy thì kết quả lại không đạt được bao nhiêu, chỉ dừng lại ở những tiết dạy thao giảng, trình diễn. Hoặc khi có lãnh đạo, thanh tra dự giờ, đánh giá thì nói chung là chỉ để đối phó mà thôi. Ngay cả những tiết được gọi là “đổi mới”, thậm chí là những tiết thao giảng chọn giáo viên dạy giỏi cấp Tỉnh thì cả giáo viên và học sinh cũng tỏ ra lúng túng và gượng ép. Vì thế, truyền thụ một chiều, đọc chép vẫn là thực trạng diễn ra hàng ngày trong dạy học Lịch sử và trở thành căn bệnh trầm kha chưa có thuốc chữa hữu hiệu.

Theo chúng tôi thực trạng đó có những nguyên nhân cơ bản sau đây:

Thứ nhất, môn Lịch Sử chưa tìm được chỗ đứng xứng đáng trong các nhà trường phổ thông. Lịch sử chỉ được xem là một “môn phụ” trong hệ thống các môn học, số tiết vào loại ít nhất. Các kì thi quốc gia quan trọng như thi tốt nghiệp THPT thì năm thì, năm không. Khi Bộ GD&ĐT công bố môn thi tốt nghiệp vào cuối tháng 3 có môn Sử thì lúc đó học sinh mới bắt đầu học và ôn thi một cách “nhồi nhét”.Vì thế dẫn đến tình trạng thầy dạy đối phó, trò học cũng đối phó. Dù ngành Giáo dục có đề ra muôn vàn mục tiêu đào tạo tốt đẹp, nhưng thực tế mục tiêu đi học của học sinh ngày nay là để đi thi, kiếm ngành nghề sau này.

Thứ hai, khi vị trí của môn Lịch sử không được coi trọng, thì giáo viên dạy Sử cũng chỉ được xem như là giáo viên hạng hai mà thôi. Dù có giỏi đến mấy thì thu nhập vẫn thấp hơn nhiều lần so với giáo viên dạy các môn chính (vì không dạy thêm được), Không được học sinh và phụ huynh săn đón, trọng vọng. Thậm chí một số lãnh đạo nhà trường cũng có thái độ phân biệt đối xử theo kiểu “luật bất thành văn”. Điều đó khiến cho không ít giáo viên Sử thiếu hào hứng, nhiệt tình, tệ hại hơn còn tự ti, mặc cảm làm cho chuyên môn nghiệp vụ ngày càng sa sút. Đó chính là rào cản lớn nhất của việc đổi mới phương pháp dạy - học Lịch sử.

Thứ ba, cơ sở vật chất cho việc dạy và học Lịch sử còn nhiều bất cập. Mặc dầu trong những năm gần đây, ngành Giáo dục đã bỏ ra rất nhiều tiền để xây dựng phòng học khang trang, mua sắm cơ sở vật chất phục vụ dạy và học. Thế nhưng, phần lớn các tiết học môn Sử vẫn là dạy chay, học chay. Đó là vì đầu tư không đồng bộ, mang tính chắp vá như: có băng hình, phim tư liệu lại thiếu phòng máy; có mô hình, sa bàn mà không có phòng học bộ môn; có nhiều bản đồ, tranh, ảnh mà không có nơi cất giữ nên khai thác không có hiệu quả...

Thứ tư, việc đổi mới kiểm tra đánh giá mới chỉ dừng lại ở ý tưởng đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc đổi mới phương pháp - dạy học Lịch sử. Các đề thi môn Lịch sử ở tất cả các cấp học, kể cả đề thi đại học và học sinh giỏi quốc gia vẫn chủ yếu là kiểm tra kiến thức học thuộc và ghi nhớ, yêu cầu của đề thi và đáp án thường dừng lại mức độ nhận biết, thiếu cấp độ thông hiểu và vận dụng. Nếu có những câu được coi là “mở” để phát huy khả năng tư duy của học sinh thì đáp án vẫn không mở. Thậm chí còn xảy ra tình trạng mà công luận cho rằng đề một đằng, đáp án một nẻo, đề thì rõ ràng, đáp án thì phức tạp và đánh đố. Với cách kiểm tra, đánh giá như thế thì để đi thi đạt được kết quả khả quan thì học thuộc vẫn là phương án an toàn nhất đối với học sinh. Vì thế, lối dạy truyền thụ một chiều và đọc chép vẫn có đất để phát huy mà không bị tẩy chay.

Nhiều người phê phán môn Sử có quá nhiều số liệu, sự kiện ngày tháng, địa danh. Thực ra, nếu loại bỏ những yếu tố đó thì làm gì có lịch sử nữa, bởi lịch sử đương nhiên phải có sự kiện, số liệu. Mỗi sự kiện, số liệu đều phải gắn với không gian và thời gian, đó là chất liệu lịch sử sống động. Vấn đề là trong mỗi đề thi có cần thiết phải bắt học sinh nhớ máy móc số liệu, sự kiện hay đọc thuộc lòng văn bản kiểu Nghị quyết hay nội dung Hiệp định, Hiệp ước nào đó hay không. Khi mà hiệu quả dạy học được đánh giá qua kết quả các kì thi, thì dạy thế nào để học sinh thi đạt kết quả cao nhất sẽ là phương pháp phù hợp nhất được học sinh chấp nhận. Chính sự lạc hậu trong kiểm tra đánh giá là nguyên nhân khiến cho học sinh khiếp sợ môn Sử, là mảnh đất màu mỡ cho lối dạy truyền thụ một chiều, đọc chép phát triển..

Từ thực tế trên, chúng tôi mong rằng qua cuộc Hội thảo này sẽ tìm được giải pháp để việc đổi mới phương pháp dạy học là chìa khóa để nâng cao chất lượng dạy-học môn Lịch sử ở trường phổ thông, kịp thời có “những việc cần làm ngay”. Xin hãy đặt đúng vị thế và vai trò của môn Lịch sử trong tất cả các bậc học và đừng bao giờ xem môn Sử là “môn phụ”

Trung Hiếu - Tuấn Anh (Giáo viên Sử tỉnh Nghệ An)
.
.
.