35 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước:

Dựng xây quê hương A Lưới từ điêu tàn

Thứ Tư, 21/04/2010, 14:48
Chiến tranh đã lùi xa 35 năm, nhưng bao đau thương, chết chóc vẫn còn âm ỉ; những đồi A Bia, A Sho… loang lổ hố bom mìn, dày đặc vật liệu nổ; cả nghìn người dân đang phải gánh chịu nổi đau da cam mỗi ngày…

Dẫu bao đau thương mất mát và khó khăn là vậy, đồng bào các dân tộc ở huyện vùng cao A Lưới (Thừa Thiên - Huế) - nơi cái rốn bom đạn, chất độc hoá học giặc Mỹ đã rải thảm suốt 21 năm - nơi vùng đất từng được mệnh danh là "thịt băm" một thời - đã bằng sức mạnh của tình đoàn kết, khối óc và đôi bàn tay lao động, dựng xây lại quê hương mình… 

Quá khứ hào hùng

Với đồng bào A Lưới, chiến thắng giặc Pháp và Mỹ như vẫn mới đây. Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Ăm Mật dẫn một đoàn người, gồm các đồng chí dân tộc thiểu số Pa Hy, Pa Cô, Tà Ôi về quận lỵ Phong Điền nhiệt liệt chào mừng cách mạng, xin cờ đỏ sao vàng, ảnh Bác Hồ và xin được giao nhiệm vụ tổ chức chính quyền đoàn thể ở miền núi A Lưới.

Tỉnh ủy cử một số cán bộ người Kinh lên đó cùng đoàn của đồng chí Ăm Mật để phối hợp với các già làng, trưởng bản tuyên truyền ý nghĩa Cách mạng Tháng Tám, tuyên bố xoá bỏ sự bất bình đẳng, sự áp bức và các phong tục lạc hậu cản trở cuộc sống đồng bào.

Sau khi A Lưới được giải phóng 1966, giặc Mỹ đã liên tục rải thảm chất độc hoá học, hủy diệt môi trường, đồng ruộng, gây ra nạn đói kéo dài, dịch bệnh phát sinh nhiều nơi... Trước tình hình đó, Thường vụ Khu ủy Trị Thiên- Huế đã ra chỉ thị, cao trào sản xuất và chiến đấu; cử cán bộ các quận cùng đồng bào các dân tộc thiểu số A Lưới vượt qua mọi khó khăn gian khổ, phát động phong trào thi đua lao động sản xuất chống đói, với khẩu hiệu "Địch phá ngày, ta làm đêm; địch phá một, ta làm mười".

Sau thất bại Tết Mậu Thân ở Huế 1968, Mỹ- ngụy tập trung lực lượng lớn nhất, vũ khí tối tân nhất lúc bấy giờ nhằm cứu vãn tình thế. Trong những năm kháng chiến ác liệt đó đã xuất hiện nhiều tấm gương anh hùng như đồng chí Hồ Vai, Kăn Lịch, Kăn Đờm, A Nun, Cu Tríp, Bùi Hồ Dục…

Năm 1969, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, đồng bào các dân tộc ở A Lưới đã tự nguyện lấy họ Hồ của Bác làm họ của chính mình. Trải qua 21 năm gian khổ kháng chiến chống Mỹ, đồng bào A Lưới đã nêu cao tinh thần đoàn kết, bám đất, bám làng, xây dựng căn cứ địa cách mạng, phục vụ kháng chiến, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Trong hơn 15.000 đồng bào các dân tộc thì đã có tới 8.296 người tham gia cách mạng, cống hiến 557 liệt sỹ, 1.018 thương binh, hàng trăm ngàn lượt dân công ra tiền tuyến… Huyện A Lưới đã được phong Anh hùng LLVTND, 17/21 xã anh hùng, 10 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng...

Biến hoang tàn đổ nát thành phố xá nguy nga

Sau ngày đất nước hoà bình thống nhất, giang sơn quy về một mối, huyện A Lưới được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 quận của các huyện Phong Điền, Hương Trà lúc bấy giờ. Nhân dân các dân tộc ở A Lưới vốn có tinh thần đoàn kết, anh hùng trong chiến đấu, cần cù trong lao động, một lòng theo Đảng, cách mạng và Bác Hồ kính yêu đã vượt qua mọi đau thương, mất mát, khó khăn của hậu quả chiến tranh, dựng xây lại quê hương.

Bà Hồ Thị Thanh Xuân, Phó Bí thư Huyện ủy A Lưới phấn khởi cho biết: Được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh về đầu tư các chương trình mục tiêu Quốc gia thông qua các chương trình, dự án, các chính sách ưu tiên như: Chương trình 135, 134, 167, Quyết định 32 về vay vốn không lãi... đã tạo điều kiện thuận lợi cho A Lưới phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh.

Và, từ những hoang tàn đổ nát của chiến tranh, đến hôm nay người dân A Lưới đã chung sức, chung lòng khai hoang, làm sạch vật liệu nổ trên 2.485ha đất… Những triệu phú, tỷ phú cà phê, cao su, rừng kinh tế… như ông Hồ Văn Chiến ở xã Hồng Vân; Nguyễn Văn Phùng, Quỳnh Nhất ở xã Nhâm; Hồ Văn Hiêng ở xã Bắc Sơn, Hồ Văn Bài, Nguyễn Thị Đôn, Hồ Văn Râm ở xã A Đớt; Lê Thị Mai Phương ở thị trấn A Lưới; Hồ Văn Rãi ở xã Bắc Sơn; Trần Minh Xuông ở xã Hồng Hạ... đã không chỉ làm giàu cho riêng mình mà còn giúp đỡ hàng nghìn hộ dân thoát nghèo, phát triển kinh tế với các phương thức hiệu quả và bền vững.

Đến A Lưới hôm nay, nếu bạn là khách quen nhưng nhiều năm chưa có dịp trở lại, thì có lẽ khó nhận ra được những địa chỉ quen thuộc của mình! Những đồi A Bia, A Sho… ngày xưa dày đặc bom đạn, nay là những đồng ruộng và rừng xanh bạt ngàn.

Những lau lách, hố bom…, nay là con đường Hồ Chí Minh được trải nhựa phẳng phiu qua 20 xã và thị trấn của toàn huyện. Ở đó có đủ đầy điện sáng, trường học, trạm y tế…, và nhà cửa khang trang san sát nhau, đẹp như một bức tranh giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ 

Phan Thanh Bình
.
.
.