Dừng tuyển sinh 207 ngành đào tạo, kiên quyết chấn chỉnh vì chất lượng

Chủ Nhật, 09/02/2014, 16:15
Khởi động năm 2014, Bộ GD&ĐT đã có một động thái rất mạnh tay và quyết liệt. Đó là quyết định dừng tuyển sinh đối với 207 ngành hệ đại học tại 71 cơ sở đào tạo từ năm 2014 do không đáp ứng các điều kiện quy định, đặc biệt là quy định về đội ngũ giảng viên cơ hữu có học vị cao. Đây là một cú “sốc” đối với nhiều trường đại học, vì trong số đó có rất nhiều trường có truyền thống đào tạo, có tên tuổi và có cả “thương hiệu”.

Có trường bị dừng tuyển sinh rất nhiều ngành học như: ĐH Hà Tĩnh bị dừng tới 14/16 ngành (ngành Sư phạm (SP) Toán, SP Tin học, SP Hóa học, SP Tiếng Anh, SP Vật lý, Giáo dục (GD) Chính trị, GD Mầm non, GD Tiểu học, Ngôn ngữ Anh…). ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội cũng bị dừng đào tạo 14 ngành đào tạo. ĐH Hùng Vương Phú Thọ bị dừng tuyển sinh 10 ngành học. ĐH Hải Phòng dừng tuyển sinh nhiều ngành như: SP Âm nhạc, Nuôi trồng thủy sản Ngôn ngữ Trung Quốc, Sư phạm Vật lý, Giáo dục Mầm non, Công nghệ chế tạo máy, Chăn nuôi…Trong số các trường có ngành bị dừng tuyển sinh, có cả nhiều trường dân lập như ĐH Đại Nam, ĐH Hòa Bình, ĐH Hoa Lư, ĐH Hà Hoa Tiên…

Động thái này của Bộ GD & ĐT nằm trong “chuỗi” động thái nhằm chấn chỉnh lại chất lượng và kỷ cương đào tạo ở bậc đại học và sau đại học. Còn nhớ cuối năm 2012, Bộ GD&ĐT cũng đã thu hồi quyết định của 58 chuyên ngành đào tạo tiến sỹ do đơn vị đào tạo không khắc phục được. Sau đó là việc tạm dừng tuyển sinh 161 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ. Việc xiết lại quy trình đào tạo đại học lần này không nằm ngoài mục đích, Bộ đang chuyển dần từ tăng quy mô sang đào tạo có chất lượng, không chạy theo số lượng. Quyết định của Bộ đã khiến nhiều trường đại học “choáng váng”, nhưng nhìn chung được dư luận đồng tình, ủng hộ.

PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD & ĐT cho biết, việc tạm dừng tuyển sinh 207 ngành đào tạo lần này, Bộ GD&ĐT một lần nữa phát đi cảnh báo cho các nhà trường về đội ngũ đáp ứng được ngành nghề đào tạo theo đúng chuẩn tối thiểu đảm bảo chất lượng. Hồi chuông này thức tỉnh các nhà trường phải có một kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, phát triển đội ngũ... đáp ứng yêu cầu. Đây là một trong những yêu cầu rất quan trọng quyết định đến chất lượng đào tạo. PGS.TS Bùi Anh Tuấn còn cho biết thêm, đối tượng rà soát lần này là tất cả các trường đại học, học viện trong đó có cả những ngành đã đào tạo nhiều năm nay và những ngành mới được phép đào tạo.

Việc kiểm tra rà soát tập trung vào số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu của ngành đào tạo theo quy định. Kết quả kiểm tra, rà soát cho thấy không phải cứ ngành nghề đào tạo lâu năm là đảm bảo đội ngũ, vì ở nhiều ngành có thầy cô về nghỉ hưu, chuyển công tác nhưng nhà trường chưa bổ sung đội ngũ nhà giáo mới. Mặt khác, theo yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, quy định đảm bảo điều kiện đội ngũ đã có sự thay đổi theo hướng nâng cao yêu cầu về số lượng và chất lượng đội ngũ, nhưng một số trường không đáp ứng kịp các yêu cầu này.

Có một điều đáng lưu ý là nhiều trường chưa “tâm phục khẩu phục” quyết định của Bộ, cho rằng Bộ quá vội vàng, nhưng theo PGS.TS Bùi Anh Tuấn thì việc rà soát, đánh giá các ngành, Bộ dựa vào báo cáo của chính các nhà trường, kết hợp với việc các chuyên viên theo dõi cơ sở đào tạo đã phải làm việc với từng trường để rà soát và cân đối nguồn lực, sau đó nhiều trường đã bổ sung, báo cáo lại theo quy định. Bộ cũng tiến hành kiểm tra một số cơ sở có số liệu báo cáo không bình thường, kết hợp kiểm tra ngẫu nhiên một số trường. Qua các đợt kiểm tra rà soát, Vụ Giáo dục Đại học đã có được cơ sở dữ liệu về đội ngũ giảng viên cơ hữu của các nhà trường (bao gồm đội ngũ giảng viên tham gia đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, đại học).

Sắp tới Bộ GD&ĐT sẽ công khai dữ liệu này, đồng thời cũng yêu cầu các nhà trường phải công khai hóa, thường xuyên cập nhật thông tin về đội ngũ. Việc công khai các thông tin liên quan đến các điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường là hết sức cần thiết, không chỉ để cho các cơ quan quản lý nhà nước giám sát mà còn để xã hội tham gia giám sát. Đối với các ngành học đại học của 71 cơ sở đào tạo, Bộ yêu cầu các cơ sở đào tạo, chậm nhất đến ngày 31-12-2015, nếu các nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ tuyển sinh của các ngành nêu trên được khắc phục, cơ sở đào tạo báo cáo Bộ để được xem xét cho phép tuyển sinh trở lại.

Thiết nghĩ, nếu trường nào không khắc phục được Bộ cần kiên quyết rút giấy phép cho phép đào tạo đối với những ngành không đủ điều kiện để làm gương cho những cơ sở đào tạo quá vì mục tiêu lợi nhuận mà quên đi chất lượng đào tạo…

Thu Phương
.
.
.