Đứng lên từ vấp ngã

Thứ Hai, 03/11/2014, 13:45
Nhìn cơ sở sản xuất gỗ ép rộng rãi với hàng chục công nhân đang say sưa làm việc trong tiếng máy ít ai biết chủ nhân xưởng đó là người đã từng có quá khứ lầm lỗi, đó là anh Phạm Huy Chiến trú tại khu Lâm Sinh I, phường Minh Thành, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh). Anh Chiến là một trong nhiều cá nhân được khen thưởng tại Hội nghị biểu dương điển hình tiêu biểu trong công tác tái hoà nhập cộng đồng tỉnh Quảng Ninh…

Đợt gió mùa đông bắc đầu mùa mới chỉ làm khí hậu vùng Đông Bắc trở nên trong trẻo và mát mẻ, tôi ngồi trò chuyện với Phạm Huy Chiến ở ngay cơ ngơi khang trang của anh. Rất cởi mở, anh trải lòng, năm 2004 cuộc sống mưu sinh đẩy anh vào tận phương Nam. Một lần do bạn bè xấu rủ rê, lại do nông nổi, bốc đồng của tuổi trẻ, Phạm Huy Chiến đã vi phạm pháp luật và chịu án tù  36 tháng tại Trại giam Cây Cầy (Tây Ninh).

Chỉ khi bước chân vào trại, Chiến mới thấy thấm nỗi khổ tâm, anh luôn ân hận và dằn vặt vì những lỗi lầm của mình đã gây ra. Được cán bộ quản giáo động viên, Phạm Huy Chiến suy nghĩ và hành động tích cực hơn với khát vọng làm lại cuộc đời. Anh chấp hành tốt nội quy, quy chế của trại, học tập, rèn luyện thật tốt, và năm 2006 anh đã được đặc xá.

Anh Phạm Huy Chiến đang kiểm tra sản phẩm tại cơ sở sản xuất.

“Ngày mới ra tù về, tôi nghĩ cuộc đời tôi coi như chấm hết nhưng thấy ánh mắt buồn của mẹ, nghĩ đến cảnh bà phải vất vả kiếm từng đồng thăm nuôi tôi khi đang thụ án, tôi thấy mình có lỗi với mẹ và gia đình nhiều nên trong lòng tôi thầm hứa quyết tâm làm được một việc gì đó, làm lại cuộc đời”. Trong thực tế thì cấp uỷ, chính quyền đặc biệt là cán bộ Công an thị xã Quảng Yên đã không bỏ rơi anh. Các anh Công an khu vực thường xuyên đến nhà trò chuyện, động viên, định hướng công ăn việc làm, tạo điều kiện để anh không mặc cảm, tái hoà nhập cộng đồng.

Được sự động viên, ủng hộ của gia đình và người thân, sự quan tâm của chính quyền địa phương, anh quyết định học nghề nấu rượu. Làm ăn có uy tín nên việc kinh doanh rượu cũng dần ổn định và bước đầu đem thu nhập ổn định. Năm 2012, đánh dấu bước ngoặt của cuộc đời và bước ngoặt của con đường kinh doanh của anh khi anh quyết định đầu tư sản xuất và chế biến gỗ ép. Qua tìm hiểu anh nhận thấy nhu cầu sử dụng nguyên liệu gỗ và gỗ ép trên thị trường tăng cao, anh đã mạnh dạn vay vốn từ gia đình và các tổ chức tín dụng để mở xưởng chế biến gỗ và gỗ ép. Cũng gặp rất nhiều khó khăn nhưng bằng quyết tâm và nghị lực của mình, cơ sở sản xuất của anh ngày càng phát triển và có thương hiệu trên thị trường thị xã Quảng Yên.

Hiện tại, cơ sở sản xuất, chế biến gỗ và gỗ ép của Phạm Huy Chiến đang tạo việc làm ổn định cho hơn 30 lao động trên địa bàn với mức thu nhập 3 đến 4 triệu đồng/tháng. Đáng chú ý, anh còn bố trí công ăn việc làm ổn định cho nhiều người từng có quá khứ lầm lỗi. Hiện tại, xưởng gỗ của anh Chiến đã giúp đỡ 3 người từng có tiền án, tiền sự đã có một cuộc sống với mức thu nhập ổn định. Không chỉ sản xuất và kinh doanh giỏi, anh Chiến còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội, giữ gìn ANTT ở địa phương. Sự gần gũi, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn của anh Chiến là yếu tố quan trọng để những nguời lầm lỗi xóa bỏ mặc cảm, từ bỏ quá khứ vươn lên trong cuộc sống, trở thành công dân tốt.

Có được thành công như ngày hôm nay bên cạnh nghị lực và nỗ lực của bản thân, Phạm Huy Chiến tâm sự rằng, không thể quên sự giúp đỡ của chính quyền, cán bộ Công an và đặc biệt là vợ anh - người phụ nữ đã ở bên anh những thời điểm khó khăn nhất. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Xuyên hồi đó đã vượt qua mặc cảm, sự kỳ thị, sự ngăn cản của nhiều người để dành tình yêu, sự cảm thông, chia sẻ với anh - một người vừa mới ra tù. Chính tình yêu thương chân thành, thuỷ chung của chị Xuyên đã đánh thức tính thiện, tiếp thêm nghị lực, thôi thúc anh quyết tâm làm lại cuộc đời, trở thành người có ích cho xã hội. Vừa qua, tại Hội nghị biểu dương điển hình tiêu biểu trong công tác tái hoà nhập cộng đồng tỉnh Quảng Ninh, Phạm Huy Chiến đã được UBND tỉnh khen thưởng

Ngọc Oanh - Hải Yến
.
.
.