Nốt lặng trong những ngày ngóng đợi Casa 212

Dũng cảm như vợ lính thời bình

Chủ Nhật, 26/06/2016, 08:52
“Có đợt do thời tiết xấu, máy bay trở về đất liền muộn hơn 15 phút khiến tôi như ngừng thở, dừng hết mọi việc chờ tin chồng. Làm vợ phi công phải có trái tim thật khỏe, tinh thần thật vững mới trụ nổi trước gian nguy”.

“Một yêu anh có may-ô/Hai yêu anh có cá khô để dành… Chín yêu anh rất chuyên cần/Mười yêu anh chỉ để phần cho em”. Những vần thơ dân dã nói về sự “thiết yếu” trong tình yêu ở thời bao cấp thủa nào giờ vẫn hiển hiện trong tình yêu của nhiều cô gái dũng cảm đến với lính. Ngoài sống trong gian khó, họ còn phải đối mặt những mất mát không lường trước… 

Các nhà hảo tâm đến thăm hỏi, động viên chị Thu Nga (mang bầu) - vợ Trung uý Lê Đức Lam. Ảnh: P.H

Dành dụm từng nghìn lẻ cho vợ sinh con

Mọi cảm xúc của chúng tôi dành trọn cho Trung uý chuyên nghiệp Lê Đức Lam (Cơ giới trên không Phi đội Casa 212, thành viên tổ bay gặp nạn trên biển) khi trò chuyện với đồng đội thân thương của anh, Đại tá Ngô Quang Trung, dẫn đường trên không An-26 Phi đội 1. Chị Thu Nga (sinh năm 1990), vợ anh, đang mang thai 7 tháng đứa con đầu lòng. Chị đã thức trắng nhiều đêm mong tin chồng nên hiện rất mệt, cần nghỉ ngơi.

Cuộc trò chuyện với Đại tá Trung bị gián đoạn bởi những giọt nước mắt xót xa ông dành cho người đồng đội mà ông gọi là “Thằng cháu dại”. Với Đại tá Trung, ký ức về Trung úy trẻ Lê Đức Lam (sinh năm 1985) luôn đầy ắp kỷ niệm. Giọng nghẹn ngào, ông chia sẻ: “Vợ tôi đang đi công tác, sợ tôi buồn, nó hẹn với tôi thứ Bảy này về sẽ đưa tôi đi ăn bún chả. Thứ Bảy qua rồi, sao nó vẫn chưa về?”.

Có đợt do thời tiết xấu, máy bay trở về đất liền muộn hơn 15 phút khiến tôi như ngừng thở, dừng hết mọi việc chờ tin chồng. Làm vợ phi công phải có trái tim thật khỏe, tinh thần thật vững mới trụ nổi trước gian nguy”. Chị Hà Thị Lưu

Vốn kỹ tính, chỉn chu trong công việc, lại là lớp người đi trước, nên ông Trung quan sát, nhìn người rất kỹ. Ông chia sẻ, 3 năm trước khi được điều động sang nhận nhiệm vụ tại Phi đội Casa 212, ông nhớ mãi hình ảnh của một anh lính lòng khòng, 21h tối vẫn cởi trần hì hục lau chùi hành lang phi đội. Khi được hỏi, anh thật thà nói: “Cháu chẳng có việc gì làm nên nghĩ việc ra làm cho đỡ buồn”. Từ lúc đó, ông đã có phần cảm mến cậu lính trẻ. Sau này thân quen hơn, ông mới biết vì đồng lương chẳng dư dả gì, nên cậu ấy rất ngại đi chơi.

Sinh và lớn lên trong một gia đình nghèo tại Chư Sê (Gia Lai), tuổi thơ của Trung úy Lam gắn liền với những nỗi nhọc nhằn, vất vả. Cuộc sống khó khăn là thế, nhưng ai từng tiếp xúc đều có ấn tượng tốt về anh. Chăm chỉ học tập, yêu lao động, sống hòa nhã, có trách nhiệm với mọi người.

“Lam nó ham học lắm, nó có thể theo anh Luận - Cơ giới ra máy bay cả tuần chỉ để mong học thêm kinh nghiệm của người đi trước. Nó còn mong tôi dạy thêm cho nó về dẫn đường, mặc dù đó không phải là chuyên ngành của nó. Ngày chưa có gia đình, hễ các chú, các anh ở đơn vị có việc bận hay phải đi công tác là Lam lại nhận việc đưa đón các cháu đi học cho các chú, các anh yên tâm công tác. Nó chẳng bao giờ nề hà việc gì, cái gì cũng nhận phần thiệt thòi về mình”, ông Trung nghẹn ngào.

Với Đại tá Trung, anh Lam không chỉ là đồng đội, mà còn là một người cháu được ông yêu thương, dành nhiều tình cảm đặc biệt. Ông kể: “Lam nó hiền lành. Nó nghèo nên hay tự ti, mãi chẳng dám yêu ai. Tôi còn nhớ mãi, đến năm 2014 trên đường thực hiện nhiệm vụ trở về căn cứ, nó rút điện thoại ra khoe với đồng chí Chính - Chính trị viên phi đội, hình ảnh vợ sắp cưới của nó. Tôi mới hỏi “Sao cưới vợ đến nơi rồi mới khoe anh em?”. Nó thật thà chia sẻ: “Người yêu cháu vừa xinh, lại có 2 bằng đại học. Cháu vừa xấu lại nghèo, cháu sợ người ta chê, người ta không ưng mình, nên mãi chẳng dám khoe ai”. Cô gái ấy là Thu Nga - vợ của Trung úy Lam bây giờ. “Thằng cháu dại của tôi nó ngờ nghệch lắm. Nó không hiểu được rằng người ta yêu nó, thương nó không phải vì nó giàu hay nghèo mà chính vì con người nó, vì những phẩm chất tốt đẹp mà nó. Có đúng không, cô phóng viên?”.

Chị Doãn Thị Bích Nguyệt, vợ Trung uý Nguyễn Văn Thái - nhân viên tuần thám trên không Lữ đoàn 918, chăm sóc con trai 4 tuổi.

Lam kết hôn đầu năm 2015, đồng lương bộ đội ít ỏi, vợ chưa có công ăn việc làm ổn định, nên cuộc sống của hai vợ chồng trẻ thiếu trước hụt sau. “Ngày vợ nó mang bầu, thằng bé hồ hởi khoe với tôi: “Vợ cháu có bầu rồi chú ạ. Từ hôm nay, cháu sẽ bỏ lợn để có tiền cho vợ cháu sinh em bé”. Trước hôm Lam lên đường nhận nhiệm vụ, gặp nó, tôi hỏi tiết kiệm được bao nhiêu tiền rồi. Lam vốn thật thà, nghe tôi hỏi, nó hồn nhiên khoe “chắc được khoảng một triệu rưỡi rồi chú ạ”. Tôi cười trêu nó: “Ôi trời, bỏ 6 tháng mới được 1 triệu rưỡi thôi à?”. Nói là vậy, chứ tôi biết con lợn của nó sẽ chỉ là những đồng tiền lẻ nó gom góp hằng ngày. Nghĩ đến mà tôi thương nó đến quặn lòng. Cũng chỉ 2 năm nữa tôi nghỉ hưu, tôi hứa với nó sẽ tặng lại cho vợ chồng nó cái tủ lạnh và máy giặt cũ. Giờ thì nó còn không được biết mặt con”, người lính già vừa kể vừa lau nước mắt.

Vững vàng trong bão tố

Những ngày ngóng tin chồng, tranh thủ những lúc con ngủ, chị Đỗ Thị Thắm, vợ Đại uý Lê Văn Định, Trợ lý tuần thám Phi đội 212, lại cùng mẹ chồng đến chùa cầu an. “Em xác định, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải cứng rắn, bản lĩnh như anh Định căn dặn. Con còn nhỏ nên chỉ biết trông vào mẹ thôi”, chị nghẹn ngào nói.

Trước tin dữ máy bay tuần thám của chồng gặp tai nạn trên biển, chị Thu Trang (sinh năm 1981), vợ của Thiếu tá Nguyễn Ngọc Chu - Phi công kiêm dẫn đường Casa 212, quyết định gửi 2 con nhỏ sang nhà em trai, nhờ mẹ chị chăm sóc. Chị Trang nói với con, bố đi công tác chưa về. Tiếp chúng tôi là cậu ruột của Thiếu tá Chu - ông Khang (57 tuổi) ở Quảng Ninh lên chăm sóc gia đình trong khi cháu ông mất tích ngoài biển khơi.

Ông Khang kể, mọi việc trong gia đình nội ngoại đều do vợ chồng anh Chu, chị Trang chăm lo, gánh vác. “Dù điều kiện kinh tế chả dư dả gì, nhà còn đang đi thuê (ở quận Long Biên, gần đơn vị anh Chu - PV), nhưng cả hai vợ chồng cháu Trang chu đáo với nội ngoại, không để bố mẹ nghèo khó. Giờ đây, nhiều đêm lo cho chồng, nó không ngủ được, muốn nói chuyện. Chúng tôi sợ cháu mệt, phải khuyên cho cháu được nghỉ ngơi”, ông Khang nghẹn lời, nước mắt lăn dài trên má. “Tội cho bọn trẻ, đứa lớn mới 7 tuổi, đứa bé lên 5 còn chưa biết tin của bố. Còn Trang, cháu nó xác định rồi, dù thế nào cũng chỉ mong được đón được di hài của chồng...”.

Cũng là người lính, chị Doãn Thị Bích Nguyệt - vợ của Trung uý chuyên nghiệp Nguyễn Văn Thái luôn nén giọt nước mắt vào trong, gắng gượng chăm sóc 2 con, đứa lớn 4 tuổi, đứa nhỏ 21 tháng. “Đau đớn lắm nhưng mình là bộ đội, dù chồng hy sinh vẫn phải gắng gượng, cứng cáp để làm chỗ dựa cho 2 con thơ dại. Bố mẹ hai bên gia đình mình đều già yếu, biết trông cậy vào ai”, chị Nguyệt buồn bã.

Thiếu tá Nguyễn Văn Chính và Trung úy Lê Đức Lam (trái) tâm sự chuyện gia đình trong một chuyến bay vào tháng 12/2014.

Những người vợ lính phòng không - không quân đã xác định gắn bó với một nửa của mình đồng nghĩa với đối mặt rủi ro, mất mát không lường trước. Chị Hà Thị Lưu có chồng là phi công lái máy bay chiến đấu MIG-21 hơn 20 năm của Quân chủng Phòng không-Không quân. Chị kể, mỗi lần chồng bay là chị lại thao thức, lo lắng mất ngủ.

 “Chỉ khi nào anh hạ cánh, gọi điện báo tin an toàn mới hết lo. Có đợt do thời tiết xấu, máy bay trở về đất liền muộn hơn 15 phút khiến tôi như ngừng thở, dừng hết mọi việc chờ tin chồng. Làm vợ phi công phải có trái tim thật khoẻ, tinh thần thật vững mới trụ nổi trước gian nguy”, chị Lưu tâm sự.  

Thiếu tá Đào Ngọc Xuân - Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 918 cho biết, gia cảnh hầu hết sĩ quan, nhân viên Tuần thám, Cơ giới trên không nói chung và trên chiếc máy bay tuần thám Casa 212 đều rất khó khăn, phần lớn vợ, con chưa có việc làm ổn định, nhà phải đi thuê.

Do đó, sự quan tâm, động viên, chăm lo của xã hội dành cho những người lính luôn là nguồn động lực to lớn, mạnh mẽ giúp họ thêm nghị lực, sức mạnh đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.

Theo Tiền Phong
.
.
.