Dựng bia tượng niệm 149 người dân bị kẻ thù thảm sát 10/1969

Thứ Ba, 07/10/2008, 15:17
Biết được người dân xã Duy Nghĩa với cuộc sống còn nhiều khó khăn, song vẫn cố gắng góp tiền xây nhà bia tưởng niệm những người đã bị thảm sát trong chiến tranh, Thiếu tướng, nhà văn Hữu Ước quyết định chi hỗ trợ 20 triệu đồng. Đây là số tiền quyên góp từ cán bộ, chiến sĩ Báo CAND, Chuyên đề An ninh thế giới và Văn nghệ Công an.

Về xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, nhiều sinh viên Hàn Quốc đã bật khóc nức nở khi nghe kể lại chuyện đội quân đánh thuê Nam Hàn thuộc Lữ đoàn Thanh Long từng được đưa sang đây càn quét, gây ra những cuộc thảm sát đẫm máu, giết hại 149 thường dân vô tội là người già, phụ nữ có thai và trẻ em. Họ tha thiết cùng người dân đất này dựng nhà bia tưởng niệm an ủi linh hồn người đã khuất và để cho người đang sống biết về tội ác của chiến tranh…

Trong cái nắng chiều sắp tàn, thắp nén hương trầm trước bia tưởng niệm, ông Nguyễn Tấn Quí rưng rưng nước mắt kể cho tôi nghe về ngày đại tang của làng Sơn Viên cách đây 39 năm về trước, khi bọn Mỹ, quân đội Sài Gòn cho đơn vị lính Nam Hàn đổ quân càn quét.

Hồi đó ông Quí đang là một thanh niên tuổi tròn 28. Bây giờ ông Quí đã 67 tuổi, tóc trên đầu đã lốm đốm bạc, nhưng ông vẫn nhớ mãi những ngày tang tóc ấy. Vì, trong số người dân Sơn Viên, Duy Nghĩa bị lính Nam Hàn sát hại năm xưa có mẹ già, người vợ chung thủy và 3 đứa con thơ dại của ông.

Cũng như nhiều người khác ở làng Sơn Viên, 5 người trong gia đình ông Quí đã chạy lánh nạn không kịp và bị bọn lính "Rồng Xanh mãnh hổ" của Đại đội 3, thuộc Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Thanh Long lôi từ dưới hầm lên sắp hàng xả đạn giết chết…

Hôm đó là ngày 3/10/1969. Tờ mờ sáng, khi mọi nhà ở Sơn Viên đang quây quần bên mâm cơm, chuẩn bị ra đồng thì pháo địch từ Cẩm Hà, Hội An, cấp tập nã sang. Tiếp theo là những chiếc máy bay phản lực xé trời lao tới ném bom, rồi gần chục chiếc trực thăng HU1A tiếng động cơ phành phạch từ phía Đà Nẵng bay vào hạ cánh đổ quân.

Lúc này, người dân Sơn Viên đang rúc hầm tránh pháo, tránh bom mới hiểu được bọn giặc đang hành quân càn quét. Họ bèn gọi nhau bỏ chạy tứ tán. Biết đi về hướng Bà Rén, Nam Phước phải vượt sông Trường Giang, Thu Bồn rất khó khăn nên ông Quí dẫn mẹ già 60 tuổi cùng người vợ trẻ 25 tuổi, tay ẵm, tay bồng 3 đứa con dại chạy qua xã Bình Dương, Thăng Bình.

"Mẹ tui tên là Lê Thị Lạt, vợ tui tên là Ngô Thị Khuê, 3 đứa con là Nguyễn Thị Huệ (4 tuổi), Nguyễn Tấn Cang (2 tuổi) và Nguyễn Thị Bé, mới gần 1 tuổi. Cùng nhau chạy chưa tới địa phận xã Bình Dương thì bị giặc bao vây. Mẹ tôi giục tôi mau trốn thoát. Bà nói rằng, bà đã già, vợ tôi là phụ nữ tay ẵm, tay bồng 3 đứa con dại chắc bọn giặc sẽ không làm gì. Nào ngờ…".

Khi ông trốn vào lùm gai rậm, mẹ và vợ ông dẫn 3 đứa trẻ quay lại nấp trong hầm nhà ông Nho. Trong hầm lúc này có 43 người, đều là con nít, bà già và phụ nữ; trong đó có 3 phụ nữ đang mang thai sắp sinh. Bọn lính đánh thuê Nam Hàn dẫn nhau đi lùng sục khắp thôn Sơn Viên, lùa tất cả những người đang nấp trong hầm nhà ông Nho đưa lên, sau đó, chúng sát hại hết.

Khi sẩm tối, bọn giặc kéo nhau về căng bạt đồn trú cuối thôn, đến khuya ông Quí mới bò vào chỗ những người bị thảm sát tìm kiếm được xác mẹ, vợ và 3 con đào hố chôn gần đấy. Ông chôn xong những người trong gia đình mình thì trời gần sáng, bọn giặc lại quay vào nên vội vàng thoát thân. Bọn lính Nam Hàn chiếm vùng đất này lập đồn kiên cố tại thôn Thuận An, gần nơi chúng thảm sát. Vì vậy, những người bị thảm sát còn lại chẳng ai chôn cất được.

Đến Tết cổ truyền năm 1971, lúc này nghe tin bọn lính rút sang Hội An, một số gia đình về lại làng cũ thực hiện chủ trương "bám đất giữ làng" của Thường vụ Huyện ủy Duy Xuyên. Song bất ngờ chúng quay lại, 24 người trú ẩn tại nhà ông Đường, ông Tự, ông Khuê bị chúng giết chết hết.

Ông Nguyễn Hoàng Diệu, Chủ tịch xã Duy Nghĩa cho biết thêm: Từ giữa tháng 7/1969 đến 1971, bọn lính đánh thuê Nam Hàn thuộc Lữ đoàn Thanh Long đã thảm sát tổng cộng 149 người dân ở các thôn Sơn Viên, Lệ Sơn và Thuận An. Tất cả đều là người già, phụ nữ và trẻ em. Ngày chiến tranh kết thúc, trở về làng cũ, người dân Duy Nghĩa phải mang cuốc đi xới tìm xương người thân của mình đem về chôn cất, song chẳng kiếm được là bao…

Duy Nghĩa có diện tích 1.340ha, nằm tách biệt ở bờ Đông - Nam các con sông Trường Giang và Thu Bồn, cách xã Duy Hải là đến biển Đông nên chỉ toàn cát trắng. Đất canh tác có khoảng 640ha không đủ để sản xuất nuôi sống 2.105 hộ, với 9.875 nhân khẩu. Vì thế, ngoài làm nông, người dân Duy Nghĩa còn tha phương kiếm sống khắp nơi bằng các nghề thợ nề, thợ mộc.

Duy Nghĩa có nhiều hộ gia đình chính sách, với 1.285 liệt sĩ, 176 bà mẹ Việt Nam Anh hùng, do vậy nghe các sinh viên Hàn Quốc về thăm, bày tỏ ý định làm bia tưởng niệm những người bị thảm sát, ai cũng xung phong đóng góp.

Xã tiếp tục vận động một số doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị Nhà nước, những người con Duy Nghĩa đi làm ăn xa, được tổng số tiền 40 triệu đồng và đã xây dựng được một nhà bia, ghi tên những người đã bị giặc thảm sát. Trước sự vận động đầy ý nghĩa đó, tổ chức Nawauri cũng hỗ trợ 40 triệu đồng làm đường bê tông vào một điểm thảm sát ở thôn Sơn Viên…

Ông Diệu nói với tôi: "Chúng tôi xây nhà bia tưởng niệm những người bị thảm sát là để cho thế hệ đang sống biết rằng, người dân đất này trong cuộc chiến tranh đầy máu và nước mắt như thế vẫn bám đất, giữ làng theo Đảng, theo cách mạng tới cùng. Chúng tôi cũng đồng ý với các sinh viên Hàn Quốc, xây dựng nhà bia để mọi người, nhất là thế hệ sinh viên Hàn Quốc có đến đây, thắp hương tưởng niệm người đã khuất, mới hiểu rõ hơn về cuộc chiến tranh phi nghĩa đầy bạo lực để cùng nhau kêu gọi tự do, hòa bình cho nhân loại"

Long Vân
.
.
.