Nhân tháng hành động vì trẻ em:

Đứa trẻ làm điều sai trái và thông điệp về mái ấm gia đình

Thứ Tư, 05/06/2013, 20:27
Gia đình là nơi chắp cánh ước mơ, là nơi mà mỗi thành viên mong trở về để được sẻ chia, tận hưởng hạnh phúc. Nhưng, khi gia đình không là tổ ấm, khi gia đình không là nơi giúp những đứa trẻ hướng đến những điều tốt đẹp thì rất dễ đẩy nó trượt dốc.

Cầm 80.000 đồng, nó mua một bộ quần áo blouse trắng trước cổng Bệnh viện đa khoa Hải Dương. Với cơ thể lớn sớm hơn tuổi 14, khoác bộ quần áo lên người, trông nó cũng giống bất kỳ một nhân viên y tế nào trong bệnh viện. Nhưng, giống như “con hổ có lá gan chuột nhắt”, nó lén lút, rình rập, chờ đợi suốt cả đêm mà không dám làm cái điều đã dự định. Chờ đến sáng hôm sau…

Chuyện của Trang

Cả đêm không ngủ. Nguyễn Thị Thanh (14 tuổi, ở huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) ngồi vật vờ trên ghế đá. Thỉnh thoảng nó lượn một vòng quanh khu vực phòng bệnh nhân rồi quay trở lại chỗ cũ. Ý định trộm đồ của người nhà bệnh nhân quẩn quanh trong đầu đứa con gái 14 tuổi.

7h sáng, khoác bộ blouse trắng lên người, Thanh ngó nghiêng vào các phòng bệnh nhân nội trú. Tại khoa Mắt, thấy chiếc túi đen treo trên cọc mắc màn ở đầu giường (có lẽ người trong phòng đi mua đồ ăn sáng), nó lẻn vào, nhấc chiếc túi, đi ra khỏi phòng. Nhưng, vừa xuống cầu thang, đúng lúc chủ nhân của chiếc túi trở về phòng. Nhìn thấy túi xách của mình trên tay cô “nhân viên y tế”, chị này giữ lại và gọi bảo vệ.

Trang được đưa vào Công an phường rồi chuyển về Công an xã T.C., huyện Thanh Miện. Nó sợ hãi, run rẩy. Trong thâm tâm, Thanh mong được gặp bà ngoại, mong bà xin các chú Công an tha thứ cho để về với bà. Thế nhưng, khi nhìn thấy mẹ xuất hiện, Thanh bộc lộ sự thất vọng. Và khi câu nói của mẹ cất lên: “Các anh cứ tống cổ nó đi cho khuất mắt”, nó thấy dường như tất cả sụp đổ trước mắt.

Chẳng còn gì níu kéo, chẳng cảm nhận được tình thương từ phía người mẹ, Thanh mong được đưa đến nơi nào cách xa gia đình càng lâu càng tốt. Lúc đó, bản thân nó chỉ biết các chú Công an làm hồ sơ đưa nó đi đâu đó chứ chưa biết sẽ đến nơi nào. Ngay trong buổi chiều hôm ấy, nó có mặt tại Trường Giáo dưỡng số 2 ở Ninh Bình.

Đôi mắt đứa con gái mới lớn đỏ hoe khi tâm sự với tôi về cái ngày đến Trường Giáo dưỡng. Thanh tâm sự: “Khi bị bắt, cháu quá sợ hãi. Mong mẹ xin một câu với các chú Công an. Nhưng không ngờ mẹ lại tỏ thái độ không muốn cháu ở nhà. Cháu giận mẹ…”. Con đường trở thành đứa trẻ hư dần được tái hiện qua lời tâm sự chua xót của Thanh. 

Bố mẹ Thanh ly hôn từ khi nó còn bé tẹo, bố đi lấy vợ, mẹ vào Nam lấy chồng, để đứa con gái nhỏ cho bà ngoại. Nhà có mỗi hai bà cháu nên Thanh sống khá thoải mái. Nó chẳng có chút ký ức nào về người cha, chỉ một tí tẹo trong trí nhớ rằng nhà ông bà nội ở cùng tỉnh, từ nhà bà ngoại đến đó đi xe máy chừng 1 tiếng rưỡi. Thỉnh thoảng ông nội đến đón Thanh về chơi, cho tiền đóng học. Nhưng nó bảo: “Lần nào về cháu cũng bị bà nội mắng nhiếc”.

Mẹ Thanh vào Bến Tre kiếm sống rồi lấy luôn chồng ở đó. Đứa con gái vốn tính ương bướng lại không chịu sự kiểm soát của bố mẹ, nó lớn lên như cây cỏ mọc ven đường. Bà nhắc nhở, dạy dỗ, nó cãi lại. Bà bảo ra đồng làm việc với bà, nó chống đối… Dần dà, nó trở thành một đứa trẻ khó bảo, ham chơi.

Năm 2011, bà ngoại bị tai nạn gãy chân khá nặng, phải nằm điều trị tại Bệnh viện đa khoa Hải Dương khá lâu. Mẹ Thanh cùng bố dượng và hai đứa em ra Bắc. Sau đợt đó, họ ở lại luôn mà không trở vào Nam.

Thanh kể: “Mẹ cháu đi làm công nhân, bố dượng chỉ ở nhà. Bà ngoại và bố không hợp nhau nên hay xảy ra xích mích”. Cả gia đình chỉ trông chờ vào đồng lương của mẹ, mâu thuẫn trong gia đình cũng ngày một tăng lên. Đứa con gái đang ở tuổi nhạy cảm thấy khó tìm được sự sẻ chia. Nó suy nghĩ tiêu cực. Học lớp 5, Thanh bắt đầu dậy thì.

Tôi hỏi: “Cháu có nói chuyện với mẹ về sự thay đổi của mình, về chuyện học hành, bạn bè không?”. Đôi mắt của Thanh chợt nhạt nhòa: “Cháu không nói. Sợ mẹ lại bảo “nhít ranh”, “chuyện linh ta linh tinh”…”. “Nếu mẹ nghe cháu nói thì cháu sẽ nói chuyện gì?”- “Chuyện ở lớp này, chuyện bố dượng không vừa ý này, chuyện….”. Nó kể ra một loạt chuyện muốn nói với mẹ. Nhưng, cô bé đã chọn cách im lặng. Sự im lặng ấy đã khiến Thanh lỳ lợm hơn. Thanh kể, khi ông nội không chu cấp cho cháu tiền học nữa, cháu cũng bỏ học luôn.

Sống trong ngôi nhà thiếu hạnh phúc, sự sẻ chia, nó suy nghĩ tiêu cực hơn. Và rồi, nhớ lại những ngày chăm sóc bà ở Bệnh viện Đa khoa Hải Dương, nhớ hình ảnh những bệnh nhân để tài sản, túi xách hớ hênh, nó chợt lóe lên ý nghĩ xấu xa. Thanh quyết định bỏ nhà đi. Nó bắt xe buýt, lên cổng bệnh viện mua một bộ quần áo blouse để thực hiện ý đồ tự kiếm sống bằng cách trộm cắp.

Cô giáo chủ nhiệm trong Trường Giáo dưỡng số 2 luôn sẻ chia với những học trò.

Khi gia đình không là tổ ấm

Đã gần một năm học tập, giáo dục tại Trường Giáo dưỡng số 2, Thanh sống vui vẻ hơn, biết chia sẻ với bạn bè cùng trang lứa và với cô giáo chủ nhiệm – Thiếu úy Kim Oanh. Hỏi về mong muốn hiện tại, Thanh tâm sự: “Cháu muốn được về nhà, đi học lại, giúp bà ngoại làm ruộng”.

Rồi, nó cúi gằm xuống, lý nhí: “Cháu thấy gia đình khác hạnh phúc, cháu thèm lắm”. Nhìn giọt nước mắt lăn dài trên má của nó, tôi tin đó là ước mơ thực sự của một đứa trẻ chưa cảm nhận được sự ấm áp của gia đình.

Thiếu úy Kim Oanh kể chuyện, mỗi học trò của chị đều có một hoàn cảnh đặc biệt. Rất nhiều đứa trẻ không có một gia đình hạnh phúc. Tuổi thơ của chúng chịu thiệt thòi khi bố mẹ bỏ nhau, hoặc mồ côi bố mẹ…Gia đình là nơi chắp cánh ước mơ, là nơi mà mỗi thành viên mong trở về để được sẻ chia, tận hưởng hạnh phúc. Nhưng, khi gia đình không là tổ ấm, khi gia đình không là nơi giúp những đứa trẻ hướng đến những điều tốt đẹp thì rất dễ đẩy nó trượt dốc.

Nếu như hành vi trộm cắp của Thanh không được ngăn chặn kịp thời. Nếu như nó sống lang bạt ngoài xã hội với đủ mọi cám dỗ, cạm bẫy, ai dám chắc nó sẽ trở thành con người như thế nào.

Giờ đây, công việc hàng ngày của Thanh là cùng các bạn quét dọn khuôn viên trường, học văn hóa. Môi trường giáo dục nghiêm khắc cùng với sự yêu thương, sẻ chia của các thầy cô giáo ở đây sẽ giúp em biết sống có ích hơn trong cuộc đời này.

Con đường sa ngã của Thanh chính là thông điệp gửi tới các bậc phụ huynh. Hãy cho con mình một mái ấm gia đình, hãy là người bạn của con, cùng con vượt khó trước mọi chông gai, khó khăn của cuộc đời

Việt Hà – Cao Hồng
.
.
.