Đưa người đi cai - trăm chuyện bi hài

Thứ Bảy, 07/03/2009, 16:29
Khôi hài nhất có lẽ là chuyện làm thế nào để lấy nước tiểu của con nghiện phục vụ việc xét nghiệm. Khi lên trụ sở Công an phường, nhiều con nghiện thể hiện "biệt tài" nhịn tiểu, ngồi lỳ cả ngày trên ghế, quyết không vào toilét. Con nghiện còn có những "chiêu" né tránh như làm hợp đồng với các cơ sở cai nghiện tự nguyện để đi cai nghiện 6 tháng. Nhiều con nghiện chọn giải pháp đi tù ngắn hạn để trốn cai nghiện bắt buộc.

Cùng bạn đọc

Bạn đọc có những giải pháp mới về cai nghiện và mô hình sau cai, đề nghị gửi cho chúng tôi theo địa chỉ: Báo Công an nhân dân, 66 Thợ Nhuộm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Email: tscand@gmail.com. Góp ý của bạn đọc sẽ được chúng tôi trích đăng và gửi tới cơ quan chức năng nghiên cứu để tìm ra giải pháp phù hợp.

Thực tế, người nghiện ma túy đã gây ra những phức tạp về an ninh trật tự và là nguồn phát sinh tội phạm. Do đó, bên cạnh việc khuyến khích người nghiện tự tìm hình thức cai, lực lượng Công an cơ sở được giao nhiệm vụ lập hồ sơ quản lý và đưa họ đi cai nghiện ở các trung tâm.

Xét về khía cạnh xã hội, đây là một hình thức chữa bệnh bắt buộc, thể hiện tính nhân văn và sự quan tâm của Nhà nước đối với những người nghiện ma túy. Thế nhưng, không phải người nghiện nào cũng nghiêm túc chấp hành biện pháp hành chính này. Vì vậy, đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc từ lâu đã trở thành một áp lực đối với lực lượng Công an cơ sở khi đa phần các đối tượng này tìm mọi cách đối phó, lẩn tránh và chống đối quyết liệt…

Đi tù ngắn hạn để trốn cai nghiện

Nhiều người dân suy nghĩ đơn giản, đã là con nghiện thì Công an cứ "bắt" họ đi cai. Thực tế không dễ dàng như vậy. Tìm hiểu một bộ hồ sơ đưa người nghiện đi cai bắt buộc, mới thấy công việc vất vả của lực lượng Công an cơ sở, đặc biệt vai trò của Cảnh sát khu vực.

Theo quy trình, có ít nhất 13 loại giấy tờ, tương đương với 13 công việc mà CSKV và Công an phường, xã phải tiến hành trước khi đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện bắt buộc. Từ khâu phát hiện người nghiện, lập hồ sơ quản lý giáo dục, làm các thủ tục đề xuất Hội đồng tư vấn ra quyết định đưa người nghiện đi cơ sở cai nghiện… cho đến khâu cuối là thực hiện quyết định, đưa người nghiện vào các trung tâm cai nghiện. Chỉ đến khi các trung tâm tiếp nhận xong người nghiện vào cai, lúc đó CSKV, Công an phường, xã mới được tính là hoàn thành nhiệm vụ. 

Một khi đã mắc nghiện ma túy thì cai nghiện là một "cực hình" đối với người nghiện. Chính vì vậy, ngay từ khâu gọi hỏi, mời đối tượng lên trụ sở Công an phường để lập hồ sơ ban đầu đã gặp nhiều khó khăn.

Đối tượng nại ra nhiều lý do, đại loại như "Tôi vi phạm gì mà phải lên phường?". Có con nghiện còn tỏ giọng thách thức CSKV: "Tôi không đi, các ông thích thì cứ bắt"… "Kinh nghiệm" mà con nghiện truyền cho nhau là nếu bị gọi hỏi lên Công an phường thì sớm muộn sẽ bị đi cai nghiện bắt buộc. Do đó, nhiều đối tượng sau khi "lên phường" về lập tức sửa soạn "ba lô quả mướp" trốn.

Khôi hài nhất có lẽ là chuyện làm thế nào để lấy nước tiểu của con nghiện phục vụ việc xét nghiệm, làm căn cứ khoa học để xác định họ có sử dụng ma túy hay không. Khi lên trụ sở Công an phường, nhiều con nghiện thể hiện "biệt tài" nhịn tiểu, ngồi lỳ cả ngày trên ghế, quyết không vào toilét.

Ở phường Trung Phụng, địa bàn trọng điểm về ma túy của quận Đống Đa và của TP Hà Nội, "nổi tiếng" vì chuyện đối tượng nghiện chấp nhận "tè" ra quần, dứt khoát không thực hiện việc lấy mẫu nước tiểu xét nghiệm.

Còn ở phường Phúc Xá - địa bàn điểm về ma túy của quận Ba Đình, con nghiện thường "kẹp nách" lọ nhựa nhỏ đựng nước chè. Khi Công an phường yêu cầu vào toilét lấy mẫu nước tiểu để xét nghiệm, con nghiện nhanh tay làm "ảo thuật" đổ nước chè vào ống thử.

Quái chiêu hơn, trước khi lên Công an phường, nhiều con nghiện sử dụng các loại tân dược để làm sai lệch kết quả xét nghiệm nên các đối tượng tỏ ra khá ngoan ngoãn, xăng xái xin được "lấy mẫu" để chứng minh sự trong sạch của bản thân… Chính vì vậy, để có kết quả chính xác nhất, Công an phường phải cử cán bộ "đi toilét" cùng, giám sát việc lấy mẫu.

Ngay cả khi hồ sơ đã được lập để chờ quyết định của Chủ tịch UBND quận, con nghiện vẫn tìm ra những "chiêu" né tránh như làm hợp đồng với các cơ sở cai nghiện tự nguyện để đi cai nghiện 6 tháng. Nhiều con nghiện chọn giải pháp đi tù ngắn hạn để trốn cai nghiện bắt buộc. Gần đến ngày đi cai nghiện, các đối tượng này chủ động gây án với các tội danh có mức án nhẹ như trộm cắp tài sản có giá trị không lớn để được… đi tù vài tháng!

Bắt cai nghiện ma tuý - khó như bắt truy nã

Tôi quen Trung tá Lê Đức Nam - Trưởng Công an phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội khi anh đang là Đội phó Đội CSĐT tội phạm về TTXH, Công an quận Đống Đa. Hơn 1 năm được giao trách nhiệm Trưởng Công an phường, anh có phần già đi nhiều. "Xuống phường, việc gì cũng đến tay, không già mới là chuyện lạ" - Trung tá Nam cười hóm hỉnh rồi tiếp: "Chỉ riêng việc đi "tóm" được mấy chục đối tượng nghiện đưa đi cai cho đủ chỉ tiêu cũng đã mệt rồi. Bắt con nghiện để đưa vào trung tâm cai nghiện bây giờ xem ra còn khó hơn là bắt truy nã…".

Cẩu xe để giải phóng đường.

Là địa bàn phức tạp về ma túy của quận Đống Đa nên từ trước đến nay, Công an phường Văn Miếu được Công an quận Đống Đa giao chỉ tiêu đưa người nghiện ma túy đi chữa bệnh bắt buộc tại các trung tâm khá cao so với các phường khác. Ở phường Văn Miếu, con nghiện tập trung nhiều nhất tại xóm Dân Chủ - khu vực nhiều năm phức tạp về tệ nạn ma túy. Việc bắt giữ các đối tượng nghiện ma túy cư trú tại đây đi cai nghiện bắt buộc khá kỳ công.

Điển hình như con nghiện Nguyễn Đức Sinh (27 tuổi). Tháng 8/2007, khi Công an phường lập hồ sơ mời lên phường giáo dục, Sinh bỏ trốn, lang thang thuê trọ nhiều nơi. Mỗi lần Công an phường tìm ra nơi ở mới của Sinh thì y cũng vừa đánh bài "chuồn". Phải đến lần thứ 7 (tháng 6/2008), nhận tin báo Sinh vừa mò về cửa hàng gội đầu của chị gái ở phố Trần Hưng Đạo để xin tiền, Công an phường Văn Miếu đã tổ chức bắt giữ.

Đối tượng áp dụng biện pháp lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc:

- Là người nghiện ma túy đủ 18 tuổi, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về việc sử dụng trái phép chất ma túy mà vẫn còn nghiện; đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; đã được giáo dục tại phường từ 2 lần trở lên mà vẫn tái nghiện. Người nghiện đã đi cai nghiện bắt buộc về sau 2 năm lại tái nghiện.

- Hiện tại người nghiện đang cư trú tại địa phương (kể cả trường hợp đăng ký tạm trú dài hạn tại phường).

- Thời hạn áp dụng biện pháp đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ 1 đến 2 năm.

Công phu nhất có lẽ là vụ bắt con nghiện Nguyễn Văn Bảy (49 tuổi). Đầu năm 2008, sau khi biết có quyết định đi cai nghiện bắt buộc, Bảy liền bỏ trốn. Đến tháng 8/2008, vào một buổi sáng sớm, Trung tá Lê Đức Nam nhận được thông tin Bảy vừa về nhà. Đồng chí Nam cùng 7 cán bộ, chiến sĩ của phường lập tức xuống địa bàn, "bao vây" nhà Bảy.

Lúc đó, Bảy đang ngủ ở tầng 3. Khi người nhà mở cửa tầng 1 để Công an phường vào kiểm tra thì ở trên, Bảy mở tum, trèo sang các mái nhà liền kề chạy trốn. Tổ công tác chia thành các mũi vừa đuổi theo Bảy, vừa chốt chặn ở các ngả đường. Đột nhiên, Bảy "mất tích".

Công an phường phải gõ cửa từng nhà, đề nghị mọi người kiểm tra. Rà soát gần 1 giờ đồng hồ vẫn không thấy Bảy đâu, đồng chí Nam yêu cầu anh em kiểm tra thật kỹ một lần nữa, đặc biệt chú ý các khu vực trần nhà. Quả nhiên, đến một quán bi-a trên phố Nguyễn Khuyến, Công an phường đã túm được Bảy đang trốn trong nhà kho tầng 2.

Nguy cơ phơi nhiễm HIV…

Trong quá trình thực hiện việc đưa người nghiện đi cai bắt buộc, ngoài những khó khăn kể trên, lực lượng Công an cơ sở còn đối mặt với nguy hiểm khi nhiều đối tượng chống đối quyết liệt, tấn công những người thi hành công vụ.

Điển hình cho hành vi chống đối quyết định cai nghiện bắt buộc phải kể đến con nghiện Nguyễn Quang Tuấn (năm nay 34 tuổi) ở thôn Tế Xuyên, xã Đình Xuyên, Gia Lâm, Hà Nội. Khoảng 15h ngày 7/7/2008, tổ công tác gồm các đồng chí Nguyễn Văn Chung, Nguyễn Ngọc Tấn - cán bộ Công an trạm Bắc Đuống; Nguyễn Văn Mậu, Nguyễn Văn Thắng - Công an xã Đình Xuyên thực hiện việc bắt buộc Tuấn đi cai nghiện theo quyết định của UBND huyện Gia Lâm.

Khi tổ công tác đến nhà, Tuấn liền chui vào tủ quần áo trốn. Đồng chí Chung phát hiện, yêu cầu Tuấn ra ngoài nhưng Tuấn không chấp hành mà chửi bới, lăng mạ tổ công tác. Khi đồng chí Chung túm tay Tuấn kéo ra, Tuấn đã chống trả quyết liệt gây thương tích cho một số đồng chí. Vụ án đã được TAND huyện Gia Lâm xét xử, Tuấn bị tuyên phạt 3 năm tù cho hành vi chống người thi hành công vụ.

Một nguy cơ khác cho lực lượng Công an cơ sở gia tăng trong những năm gần đây, đó là việc phơi nhiễm HIV khi bắt các đối tượng nghiện có HIV. Đây là nguy cơ cao bởi thực tế, 70% người có HIV là con nghiện. Mặt khác, những đối tượng có HIV bao giờ cũng manh động, côn đồ, liều lĩnh chống trả, coi HIV là một thứ vũ khí để đe dọa những người thực hiện việc bắt giữ. Khi bị bắt, những đối tượng này thường giở võ "cắn", hoặc tự thương để gây áp lực cho cơ quan Công an phải thả chúng ra.

Gần đây, 5h30' ngày 8/6/2008, thực hiện quyết định đưa đi cai nghiện bắt buộc đối với Nguyễn Văn Trường (năm nay 37 tuổi) - một con nghiện ma tuý nhiễm HIV, trú tại thôn Đoài, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, tổ công tác Trạm Cảnh sát Phù Lỗ gồm 3 người đã tổ chức truy bắt đối tượng trên chuyến xe buýt tuyến 17 từ Hà Nội đi Nội Bài.

Trường đã cắn và làm xước da tay của 2 chiến sĩ Công an. Sau khi bắt giữ đối tượng, 2 chiến sĩ đã được đưa đi khám và điều trị phơi nhiễm HIV.

Còn ở Công an quận Hai Bà Trưng, từ năm 2001 đến nay xảy ra 10 vụ với 13 cán bộ, chiến sĩ bị phơi nhiễm HIV trong khi bắt giữ các đối tượng vi phạm pháp luật thì chỉ riêng trong năm 2008 đã xảy ra 3 vụ với 4 cán bộ, chiến sĩ bị phơi nhiễm HIV khi bắt đối tượng đi cai nghiện bắt buộc.

Từ người nghiện ma túy trở thành Trưởng Công an xã

Khi trở thành "đệ tử" của nàng tiên nâu, Đặng Văn Thịnh là chàng trai ngoài 20 tuổi… Ngày ấy, nhờ có nghề mộc, lại khéo tay nên Thịnh cùng anh em trong xã lăn lộn ở các bản vùng cao làm nghề mộc, đóng cối xay lúa.

Những năm 1990, tay thợ cả như Thịnh ở An Lương, Văn Chấn (Yên Bái) rất được trọng dụng. Ngày ấy, cả xã An Lương có hơn 40 bộ bàn đèn quanh năm nghi ngút khói, Thịnh bỏ bê việc làm ăn rồi lao vào hút thuốc phiện. Từ chàng trai khỏe mạnh, lực lưỡng, Thịnh thân tàn ma dại, những thứ đồ đạc có giá trị trong gia đình đều lần lượt đội nón ra đi.

Hết tiền, Thịnh đâm ra cáu kỉnh, chửi vợ đánh con để lấy tiền mua ma tuý... Nhưng cai nghiện ma tuý thật chẳng dễ dàng, khi thèm thuốc, đầu óc Thịnh mụ mị, đôi chân như người mộng du tự đi tìm thuốc.

Thịnh còn nhớ lúc đó, anh nằm bệt suốt mấy ngày... khi tỉnh dậy chỉ có vợ ở cận kề. Lúc đó, bưng bát cơm do vợ nấu, Thịnh rưng rưng nước mắt mà không nuốt được. Vợ con anh đã phải ăn sắn độn để nhường cơm cho chồng có sức cai nghiện. Thịnh đắp chăn nằm ở nhà, những lúc vật quá thì tự trói chân và tay vào giường. Trong lúc anh đau đớn nhất, vợ con đã cận kề chăm sóc. Thịnh quyết tâm cai nghiện và đã thành công. Tháng 10/1998, Thịnh trở thành Công an viên của xã An Lương.

Ngày ấy, những dư tích của ma tuý vẫn còn dai dẳng, bám sâu vào An Lương... Đám con nghiện trong địa bàn vì cần tiền lén lút trộm cắp, rồi gây rối trật tự công cộng, số này kéo theo nhóm đối tượng ở nơi khác cũng tìm đến để mua bán hàng đen. Có lẽ, không ai hiểu được người nghiện như Thịnh... Thịnh đề xuất với Đảng ủy xã đưa 8 đối tượng nghiện về trụ sở.

Những ngày đầu quả thật không dễ dàng, cứ thấy Thịnh là đám con nghiện lại tìm cách đối phó hoặc trốn như chạch... Vừa động viên, anh vừa quản lý chặt chẽ cho đến lúc các đối tượng cắt cơn. 8 người nghiện đã từ bỏ ma tuý, một trong số họ đã trở thành Công an viên, cùng tham gia giữ gìn an ninh trật tự ở địa bàn.

Nhờ tích cực, Thịnh đã được quần chúng tin tưởng bầu làm Trưởng Công an xã An Lương.

Xuân Mai

Nhóm PV nghiệp vụ
.
.
.