Đưa ngư dân bị nạn bão số 1 về với đất liền

Thứ Tư, 23/04/2008, 11:00
Sáng 22/4, các tàu cứu hộ, cứu nạn đã đưa 19 thuyền viên đi câu mực trên tàu ông Đỗ Văn Biên, trú ở phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, Đà Nẵng, bị nạn bão số 1 tại tọa độ: 17,03 độ vĩ Bắc - 111,28 độ kinh Đông, thuộc khu vực đảo Đá Bắc, quần đảo Hoàng Sa, trở về cập bến Xuân Hà. Các ngư dân thoát chết trở về mừng mừng, tủi tủi gặp lại những người thân của mình…

Sớm tinh mơ, trên bãi biển trước Trạm Kiểm soát Biên phòng Thanh Hà, người đông nghịt. Ngoài cán bộ, chiến sĩ Biên phòng, đại diện chính quyền và các cơ quan liên quan TP Đà Nẵng, quận Thanh Khê, còn có rất nhiều người thân của các ngư dân bị nạn. Bà Lê Thị Trị (62 tuổi), trú ở phường Hòa Minh, Liên Chiểu, nói rằng, bà có 2 người con là Lê Bá Cường và Lê Bá Dũng đều làm nghề câu mực khơi.

Trước lúc xảy ra bão số 1, Dũng bị thương tích nặng do vụ nổ bình gas trên con tàu đang đánh bắt giữa biển và hiện đang còn nằm điều trị bên Trung Quốc. Còn anh Cường đi câu mực trên tàu ĐNa 66073, bị gặp bão biển, mất liên lạc nên bà và cô con dâu (vợ Dũng) cùng 3 cháu nội thơ dại đều lo lắng, hoang mang.

Nay nghe tin Cường mạnh khỏe trở về, bà mừng vui khôn xiết. Bà Trị đưa tay áo gạt nước mắt, nói: "Thằng Cường mà có bề gì thì chắc tui không sống nổi…". Ông Nguyễn Văn Quy, cán bộ UBND quận Thanh Khê, cho biết: Cả quận có 189 tàu, thuyền ngư dân đánh bắt thủy hải sản trên biển.

Tuy nhiên, sau khi có thông tin bão số 1, chính quyền quận phối hợp cùng BĐBP Trạm Kiểm soát Thanh Hà, qua hệ thống liên lạc ICOM đã kêu gọi các tàu tìm nơi ẩn nấp. Tàu ông Biên cũng tấp vào đảo Đá Bắc, thuộc quần đảo Hoàng Sa, nấp bão, song bị sóng dữ tấp vào bãi san hô làm vỡ be.

May mắn là khu vực tàu ông Biên gặp nạn nước cạn nên người lao động đều an toàn. Bão tan, BĐBP và lãnh đạo UBND quận Thanh Khê liên lạc với 3 tàu ngư dân tránh bão gần đó, gồm: ĐNa 66073, ĐNa 90115 và ĐNa 6456, đến ứng cứu, đưa về đất liền. Trước mắt, quận Thanh Khê trích kinh phí hỗ trợ cho mỗi tàu cứu nạn 500 nghìn đồng…           

Khoảng 7h30' ngày 22/4, các con tàu cứu hộ, cứu nạn dùng thuyền thúng đưa 19 thuyền viên tàu ông Biên vào bờ. Những người thân đi đón ùa đến bắt tay chúc mừng, những người vợ khóc oà ôm lấy chồng may mắn thoát nạn trở về.

Ngư dân Nguyễn Văn Tuấn (52 tuổi), quê ở Bình Hải, Duy Xuyên, Quảng Nam, tham gia cứu nạn, cứu hộ tàu ông Biên, cho hay: Tàu ĐNa 66073 thoát nạn bão dữ nhờ nấp tránh gần đảo Đá Bắc. Đi cùng anh còn có hai con ruột là Nguyễn Văn Hiểu và Nguyễn Văn Sửu.

Con tàu này chìm thì coi như cha con anh đều chết cả. "Thoát nạn nên quay lại cứu bạn là việc làm thường tình của người đi biển" - anh Tuấn tâm sự như vậy!

Đón các ngư dân bị nạn trở về trên bến Xuân Hà.

Ông Đỗ Văn Biên, chủ tàu ĐNa 0467, bị nạn tại đảo Đá Bắc, kể lại sự việc: Tàu của ông có công suất 60CV rời bến Xuân Hà hôm mùng 1/2 âm lịch, trên tàu 19 lao động đều là người thân, ra khơi câu được khoảng 2 tấn mực (trị giá 200 triệu đồng) thì nhận được tin bão số 1.

Ông và thuyền trưởng Đỗ Văn Hùng (em ruột ông Biên), cho tàu ĐNa 0467 vào sát bãi san hô của đảo Đá Bắc. Nào ngờ, sóng lớn quá nên hất tung chiếc tàu lên bãi san hô đẩy vào một ao trũng giữa bãi.

Từ ao trũng đi ra lại biển phải vượt qua bãi đá san hô gần 200m. Tàu bị vỡ be, nhưng may nhờ nước cạn nên ông cùng anh Hùng bình tĩnh chỉ huy các thuyền viên nổ máy bơm nước trong tàu ra, rồi lên boong tàu ở trên đó, ăn mì tôm sống cầm bữa.

Hai ngày sau sóng lặng, họ nhìn thấy các tàu cứu nạn, cứu hộ và dùng 5 thuyền thúng bơi vượt bãi đá san hô đến với những tàu này về lại đất liền. Ông Biên cho biết, nếu con tàu của ông mắc trong vùng trũng bãi đá san hô không kéo về được thì thiệt hại trên 500 triệu đồng… 

Những ngư dân bị nạn được tập trung tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Thanh Hà và đều khỏe mạnh, đây là niềm vui lớn nhất của những người có mặt trong buổi đón họ trở về.

Ông Phạm Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thanh Khê Đông, cho hay: Sau bão Chanchu, hầu hết các ngư dân đều mua bảo hiểm thân tàu. Do đó, nếu tàu ông Biên có mua bảo hiểm thì thiệt hại chỉ là số kinh phí họ vay mượn để ra khơi. Đây cũng là một khó khăn lớn đối với ngư dân nghèo, cần được sự hỗ trợ, giúp đỡ một phần nào đó từ phía Nhà nước, cũng như chính quyền địa phương

Long Vân
.
.
.