Đưa hàng bình ổn đến nông thôn và bếp ăn công nhân

Thứ Tư, 24/08/2011, 09:56
Chiều 23/8, liên sở Công thương và Thông tin truyền thông Hà Nội đã tổ chức họp báo về công tác bình ổn giá trong thời gian vừa qua. Ngoài số điểm bán hàng tăng lên đáng kể, đặc biệt là khu vực nông thôn tăng lên gấp 3; năm nay Hà Nội thực hiện thêm được việc đưa hàng bình ổn vào tận bếp ăn của công nhân, học sinh, với khoảng 25.000 người được thụ hưởng.

Tăng cường đưa hàng bình ổn về nông thôn

Theo ông Nguyễn Văn Đồng - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, tính đến tháng 8, TP đã tạm ứng vốn đợt 1 cho DN được 319,5 tỷ đồng để dự trữ hàng hóa bình ổn giá. Đồng thời, chấp thuận cho 59 xe của các DN bình ổn được hoạt động 24/24h trên địa bàn TP để kịp thời chuyên chở hàng hóa. Là năm thứ 5 triển khai công tác bình ổn, các cơ quan chức năng cho biết đã rất nỗ lực trong việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, góp phần kiềm chế lạm phát, giảm nhẹ gánh nặng cho người dân, nên ngoài số vốn đầu tư lớn hơn (475 tỷ đồng, cao hơn 75 tỷ đồng so với 2010), công tác bình ổn năm nay cũng có thêm nhiều điểm thay đổi.

"Hiện đã có 17 DN tham gia bình ổn giá, và chúng tôi cũng tăng thêm mặt hàng giấy vở học sinh vào nhóm hàng bình ổn, cùng với 9 nhóm hàng hóa thiết yếu của năm ngoái" - ông Nguyễn Văn Đồng cho biết. "Số điểm bán hàng bình ổn hiện nay đã lên tới 561 điểm, và đến hết tháng 8 có thể lên tới gần 700 điểm. Số điểm bán hàng ở nông thôn cũng tăng lên gấp 3 so với năm trước, với 271 điểm, nhằm khắc phục hạn chế về việc hàng bình ổn chưa đến được với người nghèo".

Ngoài ra, một điều đáng ghi nhận là năm nay hàng bình ổn đã được đưa trực tiếp vào 35 bếp ăn tập thể của công nhân và học sinh, với khoảng 25.000 người được thụ hưởng. Cụ thể là các bếp ăn của Khu công nghiệp Canon, ĐH Phòng cháy chữa cháy, Học viện An ninh nhân dân và một số trường mầm non...

Được biết, năm 2011, số phiên chợ đưa hàng về nông thôn cũng sẽ tăng gấp đôi so với năm 2010. Hiện đã có 40 phiên được thực hiện, đưa hàng bình ổn về đến hầu hết các huyện. Ông Nguyễn Văn Đồng cũng cho biết, năm nay công tác quản lý giá được thực hiện chặt chẽ hơn.

Điểm bán hàng bình ổn giá tại siêu thị Hapro.

5 năm triển khai, vẫn còn nhiều "lúng túng"

Nếu nhìn vào các chỉ số, có thể thấy so với TP HCM, Hà Nội đã thực hiện bình ổn kém hiệu quả hơn hẳn. Chỉ số tăng giá hàng hóa của TP Hồ Chí Minh tháng nào cũng thấp hơn Hà Nội, riêng trong tháng 7, chênh lệch là 0,4% (Hà Nội 1,06%, TP HCM 0,68%). Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đồng cho rằng, có những nguyên nhân khách quan: Do vậy, ngoài những con số đẹp hơn về số tiền và các điểm bán hàng, hiệu quả thực sự của chương trình bình ổn dường như chưa được thể hiện. Đơn cử mặt hàng thịt lợn, thời gian vừa rồi biến động rất mạnh. Đang từ mức 100.000 - 110.000 đồng/kg, thịt vọt lên mức 130.000 đồng/kg, mức tăng giá là 20 - 30%. Tuy vậy, các điểm bình ổn mặt hàng này vô cùng vắng bóng.

Trả lời câu hỏi về việc có hay không hiện tượng điểm bán hàng bình ổn chỉ có trên giấy, ông Nguyễn Văn Đồng cho biết: "DN được phép thay đổi điểm bán hàng bình ổn nếu họ xét thấy địa điểm này thuận lợi hơn địa điểm khác. Họ cũng được lựa chọn mặt hàng bình ổn, nên có những điểm chỉ đăng ký 2, 3 mặt hàng; có những điểm đăng ký cả 10". Điều đáng nói là người tiêu dùng - những người giám sát trực tiếp nhất, thì không biết siêu thị này, cửa hàng kia đăng ký bao nhiêu, thì làm sao giám sát được họ có thực hiện đầy đủ hay không?

Trên thực tế, dù đã triển khai đến năm thứ 5, nhưng vẫn có những lúng túng, vướng mắc chưa tìm ra cách giải quyết. Thêm vào đó, hiệu quả cũng chưa được nhận thấy một cách rõ ràng, cụ thể. Với quy mô thị trường rộng lớn, tiêu dùng xấp xỉ 20.000 tỷ đồng/tháng, việc hỗ trợ vốn 475 tỷ đồng không được kỳ vọng lớn. Do hiệu quả mông lung, vậy nên chăng duy trì bình ổn giá, hay tìm một biện pháp khác hữu hiệu hơn?

Nam Phương
.
.
.