Đưa em về với đất mẹ

Thứ Ba, 26/07/2011, 09:25
Sau ngày giải phóng miền Nam, lác đác người đi B trong xóm trở về, nhưng em tôi thì không. Khoảng 2 tháng sau thì có giấy báo tử của em tôi. Sau ngày làm lễ truy điệu, mẹ tôi đặt một cái bàn thờ nhỏ ngay dưới bàn thờ tổ tiên; hằng ngày ở nhà ăn gì mẹ tôi cúng thứ đó cho em… Cha mẹ tôi luôn trăn trở, mong mỏi chúng tôi phải tìm bằng được hài cốt của em tôi, liệt sĩ Lại Công Hào.

Tôi tiễn em tôi ra trận vào một buổi sáng mùa đông Hà Nội rét mướt năm 1972. Trời tối đen, cả thành phố thời chiến vẫn chìm sâu trong giấc ngủ say. Hai anh em tôi chở nhau trên chiếc xe đạp lọc cọc cũ kỹ của bố tôi thời Pháp thuộc từ làng Nghĩa Đô (nay thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội) ra Bến Nứa dưới chân cầu Long Biên; phải đi sớm để xếp hàng mua cho được một chiếc vé xe khách tới nơi đơn vị em tôi đóng quân. Đường phố không một bóng người, thỉnh thoảng lộ ra một bóng đèn điện vàng vọt xa xa dưới những tán cây…

Ngày đó, cả hai anh em tôi đều nhận được lệnh đi B, em tôi đi B2, còn tôi vào chiến trường khu IV cũ. Vào khoảng trung tuần tháng 3 năm 1975, một buổi sáng mẹ tôi nói với vợ tôi rằng đêm qua bà nằm mơ thấy Hào trở về nằm ngoài cổng, quần áo rách tả tơi không nói gì. Mẹ tôi bảo em tôi vào nhà, nhưng em không vào. Mẹ tôi khóc, bà biết em tôi đã hy sinh, tất cả nhà tôi đều đau buồn. Sau ngày giải phóng miền Nam, lác đác người đi B trong xóm trở về, nhưng em tôi thì không. Khoảng 2 tháng sau thì có giấy báo tử của em tôi. Sau ngày làm lễ truy điệu, mẹ tôi đặt một cái bàn thờ nhỏ ngay dưới bàn thờ tổ tiên; hằng ngày ở nhà ăn gì mẹ tôi cúng thứ đó cho em… Cha mẹ tôi luôn trăn trở, mong mỏi chúng tôi phải tìm bằng được hài cốt của em tôi, liệt sĩ Lại Công Hào. 

Từ năm 1976-1994, tôi là bác sĩ phẫu thuật tại một trong những bệnh viện lớn giữa Sài Gòn hoa lệ. Cuộc sống đã có nhiều đổi thay nhưng gia đình tôi vẫn canh cánh trong lòng vì chưa tìm được hài cốt của em tôi. Tôi đã đưa vợ con tôi lên chùa Vĩnh Nghiêm cầu siêu cho em tôi và ghi tên em tôi vào chùa. Tôi đã cất công đi nhiều nơi, dò tìm, chắp nối những thông tin nhưng vẫn chưa thể thỏa ước nguyện của cha mẹ là phải tìm được hài cốt của em tôi. Từ năm 1996 đến 2004, tôi đã 8 lần đi biên giới Vĩnh Hưng Long An - Campuchia, 9 lần đi biên giới Trảng Bàng Tây Ninh - Campuchia, 4 lần đi vào sâu nội địa đất nước Campuchia tới những chỗ có tin đồn em tôi đã hy sinh; song hy vọng vẫn chỉ là hy vọng mà thôi.

Hài cốt liệt sĩ Lại Công Hào được tìm thấy tại biên giới Việt Nam - Campuchia sau gần 30 năm hy sinh.

Cuối cùng hình như khát vọng cháy bỏng và lòng thành của tôi đã thấu tới trời đất và linh hồn các liệt sĩ. Tôi đã tìm được ông Tươi, người bạn chiến đấu cùng lứa tuổi với em tôi. Ông Tươi nói: "Trong trận đánh hôm đó từ Campuchia vào Trảng Bàng, lúc em bò vào thì gặp thằng Hào nhà anh, nó nói: "Tao bị thương rồi!". Hôm đó là ngày 10/3/1975, đúng ngày mở màn chiến dịch đánh Tây Nguyên. Sau đó 3 hôm thì nó mất. Dịp ấy, ta mất 3.000 quân trong ba ngày!".

Nghe những lời người bạn chiến đấu của Hào, nước mắt hai vợ chồng tôi cứ tuôn trào, không thể nào cầm lại được. Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình và tìm được ông Lê Văn Thịnh quê ở Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội), người đã trực tiếp chôn cất em tôi cùng 2 chiến sĩ đặc công hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ. Em tôi đã được chôn cất tại tỉnh Svayrieng, Campuchia gần một vườn điều giữa 2 cây thốt nốt, cách chùa Sócnóc khoảng 1,5km. Từ ông Thịnh, chúng tôi tìm được Thiếu tá Sự đã ngoài 70 tuổi, người chỉ huy chiến trường năm xưa; để rồi tìm được ông Thanh, người giao liên biết rõ vị trí chôn cất các liệt sĩ.

Tôi được bố trí đi cùng với đoàn K73 tỉnh Long An qua Campuchia (đơn vị chuyên trách tìm hài cốt liệt sĩ); Trưởng đoàn là Thượng tá Nguyễn Văn Hoàng và một số cán bộ, chiến sĩ. Chúng tôi dựa theo bản đồ do đồng chí Lê Văn Thịnh vẽ, cùng đi còn có ông Thanh giao liên năm xưa. 30 năm đã trôi qua, cảnh sắc đã thay đổi gần như hoàn toàn. Đêm đầu tiên nằm ngủ cùng ông Thanh, tôi cứ băn khoăn, nếu tìm được nơi chôn các liệt sĩ, thì cùng với hài cốt của 2 đồng chí bộ đội đặc công, làm sao để biết được ngôi mộ nào là của em tôi?

Hôm sau, khi bày đồ cúng để làm thủ tục xác định nơi chôn các liệt sĩ, thì một ông già hàng xóm nhà ông Thanh cứ thơ thẩn ngồi dưới hàng hiên trước nhà. Sau khi cúng xong, tôi đi lại gần đến trước mặt ông già, lúc đó chỉ có hai chúng tôi. Tự nhiên ông ta ngẩng đầu lên, gật gù nói khe khẽ trong hơi thở, đủ để tôi nghe thấy rõ ràng: "Còn cái nút áo, còn cái nút áo". Tôi như bừng tỉnh, tôi biết em tôi thông qua ông già này, báo cho tôi biết, hài cốt em tôi có các nút (khuy) quần áo, vì khi chôn em tôi có quần áo, còn hai chiến sĩ đặc công chỉ có quần xà lỏn.

Việc tìm kiếm diễn ra khó khăn, nhiều lúc tưởng chừng tuyệt vọng. Tôi bèn tới ngôi chùa Sócnóc gần đó xin gặp sư Cả và được sư giúp sửa lễ để tôi thành tâm khấn xin trời phật và vong linh các liệt sĩ giúp chúng tôi sớm tìm được hài cốt của em tôi… Lát sau, khi tôi trở lại địa điểm tìm kiếm, thì ngoài ruộng có tiếng reo: "Thấy rồi, thấy rồi"… Tôi chạy ra, tất cả vẫn để yên, chỉ có một mẩu tăng (nylon) màu xanh bé bằng ngón tay nhú lên trên mặt đất. Thượng tá Hoàng đợi tôi ra thắp nhang… Tôi nhận thấy vị trí này còn nguyên cả tấm dù có vết đạn bắn; bộ xương trong bao nylon đếm được 8 cái khuy quần, áo của bộ đội; 2 ngôi mộ kia chỉ có xương, không còn lại bất cứ di vật gì.

Tôi đã lấy mẫu răng ngôi mộ mang về Hà Nội thử ADN. Bản pháp y số 142 - PY ngày 30/10/2004 của Viện Pháp y Quân đội do Tiến sĩ, Đại tá Nguyễn Trọng Toàn và Thiếu tá Nguyễn Lê Cát đã ký xác nhận đúng là em tôi: Liệt sĩ Lại Công Hào! Tôi xin ý kiến của cha tôi, ông bảo: "Hãy để em con nằm lại nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Hưng (tỉnh Long An) với các đồng chí, đồng đội". Vậy là 30 năm ròng rã, kiên trì, chúng tôi đã tìm được hài cốt của liệt sĩ Lại Công Hào, thỏa lòng mong mỏi của cha mẹ tôi

Lại Công Hiệp
.
.
.