Dự thảo chưa xong, viện phí đã tăng ồ ạt

Thứ Bảy, 01/10/2011, 10:23
Chẳng phải đợi tới khi Ban dự thảo chính sách Bộ Y tế họp bàn xung quanh chuyện tăng viện phí gần đây mà nhiều dịch vụ y tế tại nhiều cơ sở đã tự tăng từ nhiều năm nay. Đơn cử như tại BV Bệnh nhiệt đới TP HCM, bệnh nhân nằm hồi sức cấp cứu đang phải trả 300.000 đồng/ngày, nằm giường thường cũng đã áp dụng 120.000đ/giường/ngày từ rất lâu.
>>Dự kiến tăng viện phí: Nhiều tính toán chưa hợp lý

Thực tế cũng không phải tăng từ 7 - 10 lần so với khung giá quy định từ năm 1995 (thông tư 14 của Bộ Y tế) như dự thảo của Bộ Y tế đang còn gây tranh cãi mà tại các bệnh viện (BV) ở TP Hồ Chí Minh hiện nhiều dịch vụ giá viện phí còn tăng cao hơn nhiều khiến những bệnh nhân chỉ còn biết oằn mình chịu trận.

Các dịch vụ y tế đã tăng... từ lâu

Sáng 24/9, tại BV Nhi đồng 2, bà N.T. Hồ, ngụ tại quận 4, TP Hồ Chí Minh đang tay xách nách mang nào phích nào xô, chậu lễ mễ nhễ nhại mồ hôi. Bà Hồ vào BV chăm cháu bị tim phải phẫu thuật. Nghe hỏi về chuyện tăng viện phí, bà thắc mắc ngay: “Mặc dù cháu tôi có bảo hiểm nhưng chi phí vẫn lên hơn 35 triệu đồng, chưa tính những chi phí khác, tiền nằm viện mỗi ngày của cháu cũng mất 20.000đ. Đã lâu lắm rồi tiền khám bệnh đã không còn duy trì cái mức phí 3.000đ hay 10.000đ nữa”.

Tại BV Nhi đồng 1, người dân hoang mang khi những ngày này rộ lên chuyện tăng viện phí. Chị N.H.Thả, ngụ quận 12 cho biết, tiền khám ở đây vài năm nay đã duy trì là 50.000đ/lần khám, còn khám dịch vụ thì 150.000đ/lần khám, chuyện BV thu 3.000đ tiền khám là chuyện… xưa như trái đất.

"Tôi đi khám từ cấp y tế xã phường cho tới tuyến thành phố mà chưa có chỗ nào thu như vậy. Nếu có thì đúng là dân chúng tôi được nhờ rồi!", chị nói. Quay qua hỏi bà P.T.Láng (ngụ tại Hóc Môn) chúng tôi cũng được bà kể khổ: “Cháu tôi tự dưng sốt hơn 1 tháng nay mà không kiếm ra bệnh, cứ phải tái khám hoài. Có hôm lên tới BV trễ quá, phải đóng tiền khám dịch vụ là 150.000đ. Còn bình thường vẫn cứ 50.000đ/lần. Chưa kể tiền thuốc. Giờ sắp tăng viện phí gấp 10 lần sao nghe đã thấy kinh hãi".

Tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, khu vực khám dành cho bệnh nhân bảo hiểm đã gần 3h, mà số lượng bệnh nhân xếp hàng vẫn cứ kéo dài. Chị Hồng Linh (quận Bình Tân) mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ cho biết: BV cứ đòi tăng giá, nên bây giờ cứ vào viện dù BHYT cũng phải nộp tiền khám đã 70.000đ, sau đó mới được cho giấy đi chụp X-quang (160.000đ), rồi xét nghiệm máu…

Chị Linh phải đóng 350.000đ cho lần khám ngày 24/9 và cũng cho biết do bệnh của chị phải tái khám thường xuyên, những lần trước chỉ mất có 180.000đ. Cũng theo phản ánh của chị Linh, sau khi khám xong chị định ra mua thuốc theo toa nhưng BS đã "cảnh báo": chỉ được mua thuốc trong nhà thuốc BV, nếu ra ngoài mua sau này có gì thì BV không chịu trách nhiệm! Toa thuốc của chị trị giá hơn 1 triệu đồng. Tuy nhiên do nhà xa, khi hết thuốc chị có vài lần mua thuốc ở ngoài và cẩn thận mua tại nhà thuốc đạt chuẩn GMP số tiền lại rất khác. "Cũng với từng ấy thuốc, đúng chủng loại, đúng hãng sản xuất mà tôi chỉ trả phải trả hơn 500.000đ. Tôi không hiểu là bệnh viện giúp hay muốn đè cổ chúng tôi nữa!", chị bức xúc.

Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh luôn đông nghẹt bệnh nhân.

Viện phí mới, liệu chất lượng điều trị có tốt hơn?

Theo khẳng định mới nhất của Bộ Y tế sẽ không tăng đồng loạt hơn 300 dịch vụ y tế. Theo đó tiền khám bệnh có mức tăng cao hơn với mức điều chỉnh tối đa là 30.000 đồng/lần khám đáp ứng tình trạng do giá cả nhiều thứ tăng cao, nhằm đảm bảo cho bệnh nhân được phục vụ tốt hơn, để các BV "thoải mái" và tự tin khi áp dụng kỹ thuật cao trong y học phục vụ bệnh nhân.

Giá viện phí mới cũng gắn liền với lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, đảm bảo cân đối quỹ BHYT. Trước mắt trong khi chờ đợi Chính phủ ban hành nghị định về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị hành chính sự nghiệp như y tế công lập và các giá dịch vụ khám chữa bệnh thì điều chỉnh khung giá của một số dịch vụ quá "bất hợp lý". 

Tuy nhiên rà soát lại cho thấy từ 5 - 6 năm nay, tại TP Hồ Chí Minh, giá mỗi lần khám bệnh tại BV Nhi đồng 1, BV Nhi Đồng 2  TP Hồ Chí Minh phụ huynh đã phải trả 30.000 đồng/lượt và 60.000 - 65.000 đồng/lần cho khám dịch vụ. Nay thì nâng lên mỗi nơi một kiểu.

Hay như nằm BV nội trú, trước đây giá quy định nằm giường diện hồi sức cấp cứu phải trả 12.000 - 18.000đ/ngày (BV hạng 1 và đặc biệt); nằm các khoa nội như truyền nhiễm, hô hấp, bệnh nhân đã phải nộp là 8.000 - 10.000đ/ngày (BV hạng 1) và dưới 8.000đ/ngày với BV hạng 2 hoặc 3. Song cũng vào thời điểm này tại BV Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, bệnh nhân nằm hồi sức cấp cứu đang phải trả 300.000 đồng/ngày, nằm giường thường cũng đã áp dụng 120.000đ/giường/ngày từ rất lâu.

Như vậy xem ra theo quy định khung giá ban hành từ năm 1995 mỗi lượt khám chỉ 3.000 - 5.000 đồng và 7.000 đồng - 20.000 đồng cho mỗi giường bệnh/ngày đã không còn có BV nào ở TP Hồ Chí Minh áp dụng từ nhiều năm nay.

Bộ Y tế cũng khẳng định chất lượng cũng sẽ thay đổi, nhất là khi máy móc được đầu tư nhiều hơn lúc viện phí tăng lên. Nhưng điều mà người bệnh quan tâm hơn đó là tăng viện phí nhưng làm thế nào để ngăn chặn tình trạng toa thuốc không bị BS kê lên theo trình dược viên, nằm BV không thể như nằm ngoài ga tàu, bến xe vì phòng ốc có khi nước mưa dột tới tận giường, còn nạn nằm chung 2 - 3 người/giường do tình trạng luôn quá tải hiện nay thì khó lòng mà thay đổi ngay được. Trong khi ấy hằng năm số tiền ngân sách nhà nước rót cho các BV là không nhỏ. Vậy những tiền hỗ trợ ấy có "đắp" vào BV hay không mà mỗi năm chuyện tăng viện phí lại được nhắc tới với mỗi lần ngành Y tế đều có những lý do riêng: nào giá gas tăng, điện tăng, giá sinh hoạt tăng…

Theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế khẳng định tại cuộc họp phía Nam về BHYT, cả nước hiện có 63% người dân có BHYT, trên 40% số còn lại khó tham gia BHYT thuộc diện: người nghèo, hộ cận nghèo, SV-HS, công nhân làm việc tại các xí nghiệp quốc doanh, và nông dân.

Khi giá tăng cao gấp nhiều lần theo giá viện phí mới lại theo "luật" riêng của mỗi BV do "cơ chế tự chủ" đang được áp dụng cho ngành thì một tỉ lệ rất lớn người dân trên đây có cơ hội vào viện chăm sóc sức khỏe hay không? Cần nghiên cứu lại việc tăng giá như dịch vụ nào cần phải tăng, dịch vụ nào BHYT chi trả, giá khám chữa bệnh giữa các địa phương tại các đô thị lớn, khu vực nông thôn khác thành thị, miền núi. Việc tăng đồng đều như nhau cho tất cả các khu vực, các địa phương thì chắc chắn sẽ không nhận được sự đồng thuận của người dân

Huyền Nga
.
.
.