"Phong trào" tung clip liên quan đến CSGT lên mạng: Góp ý hay ý đồ?

Thứ Ba, 26/07/2016, 08:57
“Người dân cần thông cảm, chia sẻ và hỗ trợ lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) giữ trật tự, an toàn trên đường chứ không phải là tung clip không mang tính xây dựng, thậm chí là có ý đồ xấu” – đó là một trong những quan điểm trước hiện tượng liên tục xuất hiện clip về CSGT trên mạng xã hội. Nhiều vụ việc vi phạm giao thông đã được một số người cổ súy, gây dư luận không tốt, phủ nhận công sức của lực lượng CSGT đang ngày đêm vất vả gìn giữ an toàn trên mỗi tuyến đường.


Đã vi phạm giao thông còn thách thức pháp luật

Gần đây nhất, ngày 23-7, mạng xã hội lan truyền một clip bị cắt cúp về  phản ứng của một chiến sỹ CSGT Công an TP Hồ Chí Minh khi xử lý tình huống trên đường. Nếu xem lướt qua đoạn clip, đa số người dân sẽ bất bình và khó chấp nhận với cách hành xử của anh CSGT. Nhưng nếu để ý kỹ, người xem dễ đặt câu hỏi liệu có một sự sắp đặt nào đó không?. 

Vì trong clip không thể hiện nguyên nhân xảy ra vụ việc mà chỉ có một đoạn ghi hình anh CSGT đánh người. Sau khi sự việc dừng lại, anh CSGT này đang làm nhiệm vụ nhưng vẫn bị người vi phạm chọc tay vào túi quần để đòi chìa khóa (hoặc giấy phép lái xe), giống như khiêu khích, kích động buộc anh cảnh sát này phải phản ứng lại. Sau khi clip lan truyền, Phòng CSGT Công an TP Hồ Chí Minh đã phải tìm hiểu để làm rõ đúng sai trong vụ việc này.

Trước đó, cư dân mạng cũng xôn xao về một clip chiến sỹ CSGT miền Tây bị một nhóm thanh niên 9X xông vào đánh tới tấp khi anh xử lý một thanh niên vi phạm giao thông ngày 21-7. Bị CSGT yêu cầu dừng xe xuất trình giấy tờ trong trạng thái có hơi men, không đội mũ bảo hiểm, thanh niên này đã gọi bạn đang ngồi nhậu gần đó ra vây đánh CSGT, gây bất bình trong dư luận. Vụ việc hiện đang được Công an huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang điều tra để xử lý hành vi chống người thi hành công vụ.
Hình ảnh CSGT bị tấn công ngày 21-7. Ảnh cắt từ clip.

Cũng trong ngày 21-7, CSGT huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã dừng xe ô tô 4 chỗ do một nữ tài xế lái chạy trên đường Nguyễn Trung Trực, thị trấn Dương Đông. Nữ tài xế này không có giấy phép lái xe, đăng ký xe… thiếu nhiều giấy tờ theo quy định nhưng không chấp hành kiểm tra của cơ quan chức năng mà gây khó cho CSGT, không cung cấp thông tin cá nhân… 

Một người dân đã quay clip và tung lên mạng, tạo dư luận không hay về lực lượng CSGT khi làm nhiệm vụ. Thế nhưng sau 2 ngày xảy ra sự việc, nữ tài xế đã đến cơ quan công an xác nhận vi phạm 5 lỗi và nộp phạt 3,9 triệu đồng…

Thời gian qua đã xuất hiện rất nhiều clip về cách ứng xử của CSGT làm nhiệm vụ trên đường cũng như người vi phạm giao thông. Điều đáng nói là sau khi các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải một cách khách quan về sự việc thì phần lớn người dân không đồng tình với những người vi phạm giao thông. Trên Báo CAND online, sau khi đăng tải clip về nhóm côn đồ 9X hung hãn tấn công CSGT ở tỉnh Tiền Giang đã có 229.000 lượt xem và 948 lượt chia sẻ. 

Trong hàng nghìn bình luận thì đa số các bình luận đều lên án hành động của các thanh niên trẻ đó. Nhiều ý kiến cho rằng :“CSGT có võ thì phải dùng võ để xử lý đối tượng tấn công”; hoặc có người phê phán hành động đưa clip lên mạng xã hội: “Rõ ràng clip này chống người thi hành công vụ mà vẫn có comment (bình luận) nói CSGT này nọ, riết rồi có cướp vào nhà tự mà chống nhé!”.

Cần sự chia sẻ, cảm thông của người dân

Phần lớn những bình luận mang tính xây dựng bên dưới các bài viết hoặc clip quay CSGT đều có chung một quan điểm là ý thức của một số người tham gia giao thông quá kém và cần phải xử lý thật nghiêm đối tượng chống đối CSGT. Cụ thể trong clip “CSGT đạp ngã người vi phạm trên phố Xã Đàn, Hà Nội ngày 18-7”, có tờ báo thăm dò đã đưa ra con số 70% ý kiến độc giả đồng tình với CSGT. 

Một comment khác thì cho rằng: “Ở nước ngoài CSGT xử lý mạnh hơn nhiều. Tại sao ở nước mình CSGT xử lý vi phạm lại bị đình chỉ công tác, phải xin lỗi người vi phạm…”, như thế sẽ dẫn đến tình trạng nhờn luật và người CSGT bị xử lý theo dư luận. Thế nên mới có bạn đọc cảnh báo: “Có thể nếu bạn bị cướp hay bị hành hung thì vẫn có người sẽ móc điện thoại ra và quay bạn”. Đó là sự vô cảm, bởi lẽ ra thay vào đó, người dân cần hỗ trợ CSGT chứ không phải là quay clip để bôi nhọ CSGT.

Một trường hợp lái xe taxi không chấp hành hiệu lệnh của CSGT (trên phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội).

Thượng tá Lê Đức Đoàn, một cựu CSGT của Công an TP Hà Nội tâm sự: “Nghề CSGT là nghề rất nhạy cảm và khó khăn vất cả. Bởi mọi hành động đều phải thật an toàn cho tính mạng cho mọi người và cho bản thân”. Đối với cách xử lý như của đồng chí CSGT trên phố Xã Đàn, ngăn cản 2 thanh niên đi ngược chiều vừa nêu trên, Thượng tá Lê Đức Đoàn cho rằng, các CBCS thực hiện nhiệm vụ đều mong muốn mọi điều tốt lành, không để vi phạm gây nguy hiểm đến tính mạng của người tham gia giao thông. Là một người đã có nhiều kinh nghiệm xử lý vi phạm, ông cho rằng, người CSGT phải rèn luyện kỹ năng xử lý.

Trên thực tế cũng phải thừa nhận đôi lúc CSGT do áp lực công việc đã có ứng xử chưa chuẩn. “Mọi hành vi của CSGT khi làm nhiệm vụ trên đường đều có hàng chục, hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn con mắt dõi theo. Bởi vậy nếu thiếu kỹ năng nghề nghiệp thì sẽ để lại hậu quả. Đặc biệt, trong khi làm nhiệm vụ, CSGT phải có văn hóa ứng xử. Thực tế ở nước ngoài người tham gia giao thông khi sai là chịu phạt, nhận lỗi chứ không có chuyện chống đối” – Thượng tá Lê Đức Đoàn nói.

Trước thực trạng vi phạm và chống đối CSGT đang diễn ra phức tạp, xã hội cần có đánh giá công bằng và chuẩn xác. Nếu CBCS làm nhiệm vụ sai thì phải xử lý. Nhưng cũng phải ghi nhận, lực lượng Công an, đặc biệt là CSGT phải chịu nhiều áp lực của xã hội, của điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn và áp lực thời tiết nắng mưa gió rét… Đã có nhiều CBCS trong lực lượng CSGT phải hi sinh vì hành vi vi phạm giao thông. Bởi thế, dư luận cần lên án mạnh hành vi vi phạm giao thông, chống người thi hành công vụ trong khi lực lượng Công an đang ngày đêm vất vả giữ an ninh trật tự, đảm bảo bình yên cho cuộc sống của nhân dân.

Việt Hà
.
.
.