Du lịch Cần Thơ chưa xứng tầm

Thứ Tư, 26/10/2016, 17:55
Đó là ý kiến của nhiều đại biểu, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, lữ hành tại hội nghị triển khai Nghị quyết 03-NQ/TU của Thành uỷ Cần Thơ về việc đẩy mạnh phát triển du lịch vào chiều 26-10.


TP Cần Thơ phấn đấu đến năm 2020, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định thương hiệu, phát triển bền vững, đóng góp cơ cấu khu vực dịch vụ và tăng trưởng của thành phố. Du lịch thành phố phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, theo chiều sâu, đảm bảo chất lượng và hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xứng tầm đô thị trung tâm ĐBSCL. Từ năm 2016 đến 2020, Cần Thơ đặt mục tiêu đón 32 triệu lượt khách tham quan (hơn 3,5 triệu lượng khách quốc tế); khách lưu trú, đón 10,45 triệu lượt (có 1,76 triệu lượt khách quốc tế), tăng bình quân 10%/năm. Tổng doanh thu từ lĩnh vực du lịch đạt 12.100 tỷ đồng, tăng bình quân 16%/năm.

Nhiều đại biểu cho rằng, với lợi thế hiện có và tốc độ phát triển năm sau cao hơn năm trước nhưng hiện nay, du lịch Cần Thơ còn rất nhiều hạn chế. Cần Thơ chưa phát huy khai thác hết lợi thế, tiền năng du lịch thành phố. Các loại hình vui chơi, giải trí còn ít, sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương chưa đủ sức hấp dẫn và dẫn chân du khách. Việc tổ chức du lịch còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết, thiếu tính chuyên nghiệp, phát triển du lịch chưa đồng bộ, còn mang tính tự phát, trùng lắp…

Ông Trương Văn Ngon, Giám đốc Công ty Du lịch Mía đường Cần Thơ (Casuco Tour) nhìn nhận: “10 năm trở lại đây, du lịch Cần Thơ phát hiện rất cao nhưng chưa tương xứng với vị trí của thành phố. Cần Thơ khách đến rất nhiều, hoạt động có hiệu quả và tốt. Nhưng cơ cấu khách đến Cần Thơ chỉ khoảng 30%, nhưng khách từ Cần Thơ đi các nơi khác lại đến 70%. Một số công ty lớn đến Cần thơ chủ yếu là đưa khách đi nên các doanh nghiệp lữ hành Cần Thơ rất khó sống vì địa điểm ít, sản phẩm du lịch cũng ít. Đầu tư cho sản phẩm du lịch ở Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung còn rất thấp. Nhà đầu tư bỏ tiền ra, nhưng thu lại lợi nhuận rất là khó”.

Du khách tham quan chợ nổi Cái Răng.

Bà Lê Đình Minh Thy, đại diện công ty du lịch Vietravel - khu vực ĐBSCL cho rằng, Cần Thơ cần phải tạo ra được sản phẩm du lịch đa dạng, đặc thù thu hút khách trong và ngoài nước, góp phần vào sự phát triển của thành phố trung tâm. Các đại biểu đề nghị, TP Cần Thơ cần có cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch, liên kết các địa điểm cung cấp dịch vụ như: khách sạn, nhà hàng, điểm vườn lại với nhau… góp phần phát triển du lịch, thu hút khách đến với Cần Thơ.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Văn Tâm cho biết, tốc độ phát triển của Cần Thơ liên tục tăng. Dịch vụ thương mại, dịch vụ, du lịch chiếm 58%, công nghiệp 32%, còn lại là nông nghiệp. Tốc độ phát triển liên tục, trong đó du lịch đi đầu. Đây là điều kiện phát triển rất tốt, nhưng chưa xứng đáng là thành phố trung tâm, động lực phát triển của đồng bằng. Tuy nhiên, TP Cần Thơ chưa đủ sức cuốn hút các địa phương trong vùng, chưa có sự liên kết, kết nối du lịch với các tỉnh trong khu vực. Du lịch có phát triển nhưng chưa bền vững.

Lãnh đạo UBND TP Cần Thơ mong muốn các doanh nghiệp, công ty tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, tận dụng khai thác phát huy lợi thế hiện có thu hút khách du lịch. Tạo môi trường an toàn, xanh sạch đẹp, không xảy ra tình trạng chèo kéo, chặt chém du lịch. Ngoài cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch thì yếu tố con người rất quan trọng. “Làm sao thể hiện được tinh thần con người Cần Thơ hào hiệp, thanh lịch, mến khách nhưng phải bài bản, chấn chỉnh hơn, thể hiện phong cách chuyên nghiệp, hiện đại. Có thực tế, nhiều du khách đến Cần Thơ một lần nhưng không muốn quay lại. Chúng ta chưa có các khu vui chơi giải trí, khu mua sắm cao cấp, sản phẩm đặc trưng của vùng… kể cả quà lưu niệm đặc trưng của thành phố. Các ngành, doanh nghiệp phải nghiên cứu hoàn chỉnh để phát triển du lịch, thu hút du khách cho tương xứng với vị thế, tiềm năng của vùng đất Cần Thơ”, ông Tâm nói. 

Văn Vĩnh
.
.
.