Dự kiến tăng viện phí: Nhiều tính toán chưa hợp lý

Thứ Bảy, 17/09/2011, 10:19
Trước chủ trương chuẩn bị tăng viện phí do Bộ Y tế đưa ra đang gây nhiều ý kiến tranh luận, chiều 16/9, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Xuân Bằng, Phó trưởng Ban thực hiện chính sách, BHXH Việt Nam xung quanh vấn đề trên.

- Thưa ông, quan điểm của BHXH Việt Nam ra sao về việc Bộ Y tế dự kiến sẽ điều chỉnh khung giá viện phí?

- Ông Vũ Xuân Bằng: Việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế là điều cần thiết, vì mức giá hiện đã không còn phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay. Nhưng quan trọng là điều chỉnh như thế nào, ở mức độ nào cho phù hợp, thì phải cần xem xét. Mức giá tăng đã tính đúng, tính đủ hay chỉ là một phần? Điều này cần phân biệt rõ ràng mới có thể tính được cơ cấu giá, để biết được người bệnh cần phải chi trả thế nào cho hợp lý. Vì chúng ta đều biết, các bệnh viện đang có nhiều nguồn thu: kinh phí do Nhà nước, do BHYT vv…

- Thưa ông, theo Bộ Y tế giải thích thì mức viện phí tăng đã là tính đủ chưa, hay vẫn có một phần Nhà nước hỗ trợ?

- Ông Vũ Xuân Bằng: Theo Bộ Y tế cho biết, mức viện phí mới vẫn chỉ là một phần, nhưng theo bảng cơ cấu giá mới thì lại có cả tiền lương, khấu hao trang thiết bị, vật tư tiêu hao, khiến chúng tôi cũng chưa hiểu.

Viện phí tăng sẽ là gánh nặng người bệnh.

- Nhưng Nhà nước đã trả lương cho cán bộ y tế, thì sao lại tính cả lương trong giá viện phí?

- Ông Vũ Xuân Bằng: Tôi cho đó cũng là điều cần phải bàn luận, vì chính chúng tôi cũng thấy chưa hợp lý. Nhất là cơ cấu tiền lương trong nhiều dịch vụ chiếm tỉ lệ rất lớn, không theo logic nào cả vì nhiều cái chiếm tỉ lệ rất lớn: Một vết thương phần mềm nông dưới 10cm, cơ cấu tiền lương là 18.000 trong tổng chi là 157.000đ, hay việc thay băng, cắt chỉ, cơ cấu tiền lương là 6.900đ vv...

Theo tôi, cần phải tính bằng chi phí thực tế đang có ở các cơ sở y tế và tính toán cơ cấu để xây dựng mức phí thì mới phù hợp. Ví dụ, một phòng khám ở Bệnh viện tỉnh mỗi ngày khám khoảng 100 bệnh nhân, nếu tính theo mức giá mới là 20.000đ/người, thì sẽ thu 2 triệu đồng tiền công khám/ngày. Nhưng cần phải tính trong 2 triệu đó, chi phí cho bác sĩ khám gồm những gì: điện, nước, găng tay, vật tư tiêu hao, khấu hao, văn phòng phẩm, rồi tiền công khám là bao nhiêu, chứ không thể cứ tính chung chung thế được.

Hay cách tính giường bệnh cũng vậy: chi phí cho một giường bệnh gồm những gì: chi khấu hao, vật tư tiêu hao, công phục vụ là bao nhiêu, chất lượng dịch vụ thế nào, mới cơ cấu được mức giá hợp lý: Một buồng bệnh mấy người? Ở bên ngoài, khách sạn chỉ 300-400.000đ/phòng, còn trong bệnh viện, nếu thu 150.000đ/người, phòng 4 người thu 600.000đ thì việc phục vụ có được như khách sạn không? Có 1 người nằm 1 giường không? Hay được hưởng điều hòa không? Cái gì làm thước đo chất lượng dịch vụ cho người bệnh? v.v…

Chúng tôi ủng hộ việc tăng viện phí, vì là cần thiết. Nhưng khi đã tăng viện phí, đòi hỏi các thầy thuốc phải có chỉ định điều trị chính xác. Quan trọng nhất là phải sử dụng hiệu quả các dịch vụ chữa bệnh. Thực tế, việc thanh, kiểm tra một số bệnh viện cho thấy, có sự lãng phí lớn trong việc sử dụng dịch vụ y tế: bệnh nhân đau chân, tay vẫn cho chụp sọ não; người bệnh không cần chụp CTscaner , bác sĩ vẫn chỉ định chụp. Điều này đòi hỏi lương tâm người thầy thuốc. Quan trọng là Bộ Y tế cần phải đưa ra phác đồ điều trị chuẩn, làm cẩm nang cho các thầy thuốc trong điều trị.

- Nếu so sánh giữa mức giá viện phí cũ với mức giá viện phí mới, liệu BHXH có đảm bảo chi trả, hay sẽ vỡ quĩ?

- Ông Vũ Xuân Bằng: Trước đây, với mức giá cũ, BHYT đã từng bội chi, đến năm 2010 và năm 2011 mới cân đối được. Nay nếu tăng viện phí thì với mức thu như cũ, BHYT sẽ không đủ để chi trả. Với mức mới: tiền giường bệnh tăng từ 8-10.000 đ/giường lên 100-120.000 đ/giường, tiền công khám từ 3.000 lên 20.000, có dịch vụ tăng hàng trăm lần, chúng tôi đang thành lập một nhóm xây dựng, tính toán cụ thể, để xem quĩ BHYT bảo đảm được đến đâu. Đến 30-9, chúng tôi mới có thể biết được cụ thể, nhưng có thể biết chắc chắn rằng, với mức đóng BHYT như hiện nay, chúng tôi không thể cân đối được, vì với tác động này, dự tính, giá viện phí mới sẽ làm tăng hàng nghìn tỷ đồng.

BHXH Việt Nam sẽ có văn bản tham gia với Bộ Y tế về việc cần có mức thu phù hợp với kinh tế xã hội, với mức sống người dân, vì hiện còn 40% dân số Việt Nam không có thẻ BHYT, khi ốm đau đi khám bệnh sẽ phải chi trả rất lớn, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước. Việc tăng viện phí là đúng, nhưng cần đồng bộ với các chính sách khác, để đảm bảo quyền lợi người dân, đảm bảo tính an sinh xã hội.

- Thưa ông, khi nào thì BHXH Việt Nam sẽ thực hiện tăng mức thu lên 6% và Chính phủ cũng tăng mức hỗ trợ mua BHYT cho người nghèo?

- Ông Vũ Xuân Bằng: Khi nào Chính phủ chấp thuận mức viện phí mới, chúng tôi đồng thời đề nghị mức thu tương ứng mới đảm bảo cân đối được quĩ.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.