Dự kiến buộc thôi học… 161 SV ĐH Bách khoa Đà Nẵng

Thứ Hai, 13/10/2008, 18:32
"Nhà trường đã suy nghĩ và bàn rất nhiều về việc này, cuối cùng đưa đến thống nhất là sẽ cho thôi học 161 SV kém nhất… Nhưng kết luận này chưa chính thức vì còn phải chờ ý kiến đồng ý của lãnh đạo Đại học Đà Nẵng", Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng tiết lộ.

Bài viết về "hơn 1.000 sinh viên hệ tín chỉ ĐH Bách khoa Đà Nẵng lo bị đuổi học" đã đón nhận nhiều sự quan tâm của bạn đọc và liên tiếp trong ít ngày qua, nhiều tờ báo Trung ương cũng có những bài viết phản ánh sự việc mà Báo CAND đã nêu.

Hơn 850 sinh viên phải ngừng học để đăng ký học cải thiện điểm

PGS.TS Trần Văn Nam, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng cho biết: "Nhà trường đã suy nghĩ và bàn rất nhiều về việc này, cuối cùng đưa đến thống nhất là sẽ cho thôi học 161 sinh viên (SV) kém nhất, số còn lại (hơn 850 SV), các em sẽ phải kéo dài thời gian học tập thêm 1 năm nữa (nếu các em đồng ý) để các em cải thiện lại điểm của mình. Vì có cho các em này lên lớp cũng không thể trả các tín chỉ đã thiếu và cũng không thể học tiếp kiến thức của năm tiếp theo, việc này cũng như là áp dụng cho SV học theo năng lực của mình. Nhưng kết luận này chưa chính thức vì còn phải chờ ý kiến đồng ý của lãnh đạo Đại học Đà Nẵng".

Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng vừa thông báo về việc xét thôi học của SV hệ tín chỉ. Theo đó, những sinh viên không đăng ký học phần (hoặc bỏ thi) học kỳ 2 năm học 2007-2008 sẽ buộc thôi học.

Tất cả các sinh viên thuộc diện thôi học theo Quy chế (xét theo điểm trung bình chung (TBC) học kỳ, TBC 2 học kỳ liên tiếp và điểm TBC tích luỹ) được tiếp tục học tập hết học kỳ 1 năm học 2008-2009; không được đăng ký các học phần mới từ học kỳ 2 năm học 2008-2009 đến hết kỳ 1 năm học 2009-2010 mà chỉ được đăng ký các học phần bị điểm F, D hoặc đăng ký học cải thiện điểm…

Phòng Đào tạo trường cũng đã công bố danh sách dự kiến 161 SV bị buộc thôi học của hai khóa 2006, 2007 hệ tín chỉ. Nhìn vào danh sách này, 100% SV đạt… 0 điểm học kỳ, trong đó, có rất nhiều SV sau khi học xong học kỳ 1 - năm học 2007-2008 tự thấy mình không thể cải thiện điểm được nên có đăng ký mà không học.

Nguyên nhân không dừng lại ở điểm số

Sự việc có 1.028/5.073 (tỉ lệ 20,26%) SV hệ tín chỉ của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng có điểm đánh giá thấp, theo PGS.TS Trần Văn Nam, có một nguyên nhân quan trọng là do các thầy cô đã quen rồi việc chấm điểm 5 (điểm đạt của hệ niên chế - PV) đối với bài làm của SV có khối lượng vừa phải, nên khi quy đổi sang điểm chữ (điểm D - PV) thì thiệt thòi cho SV tín chỉ.

Hơn 850 SV Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng buộc phải ngừng học này, đều nằm trong diện: Toàn điểm D, rất ít C (điểm C cao hơn D) và chỉ xẩy chân 1-2 điểm F, khi tổng kết, đánh giá thì bị dưới điểm.

So sánh về cách kiểm tra, đánh giá của 2 hệ niên chế và tín chỉ, một giảng viên cho biết: "Ở hệ niên chế, tất cả các thành phần (môn học) có kết quả "đạt", thì tổng thể (TBC học tập) cũng đạt. Nhưng ở hệ tín chỉ, tất cả các thành phần (môn học) có kết quả đạt, tổng thể (TBC học tập) có thể lại không đạt. Học từng môn học trong tín chỉ cho "cảm giác" là chuẩn đạt thấp hơn (nếu cùng đứng ở quy chiếu hệ 10) nhưng thực tế, với thang điểm của Quy chế 43, đã đòi hỏi cao hơn với người học và ít nhất đã loại trừ tư tưởng chỉ cần đạt môn học ở mức tối thiểu là đạt yêu cầu học tập!".

Theo Phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học - Xã hội và Nhân văn Hà Nội, thực chất của vấn đề nằm ở 3 điểm sau:

Một là, phải nhận thức đúng yêu cầu của Quy chế 43 đối với người dạy và người học, nhất là với người học - để có chiến lược học tập phù hợp. Với thời khóa biểu do chính SV lựa chọn, những môn học khó, có thời lượng lớn cần được đầu tư nhiều hơn trong học tập. Còn nếu nhận thức vẫn không thay đổi, vẫn bình quân chủ nghĩa trong học tập thì hệ quả như đang có là không tránh khỏi.

Hai là, người dạy đánh giá bài thi theo thang điểm 10, lẻ đến 1 chữ số thập phân. Việc đánh giá như vậy cho phép người dạy tính đến từng chi tiết của kết quả đầu ra của môn học tương ứng với mức điểm của hệ 10 được chi tiết hóa.

Thang điểm 10 và điểm hệ chữ tương ứng của Quy chế 43 là khung do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, Hiệu trưởng các trường căn cứ tình hình để cụ thể hóa thang điểm này (Trường ĐH Khoa học - Xã hội và Nhân văn đã thực hiện việc này). Công việc còn lại của người thầy là đánh giá bài thi cho phù hợp với quy chế, đúng với yêu cầu của môn học và thực tế bài thi của SV.

Ba là, công tác truyền thông rất quan trọng, người dạy và người học không nắm vững thực chất các quy định sẽ dẫn đến kết quả không mong đợi

Viết Nam - Hoàng Hiệp
.
.
.