Du khảo về tục xăm mặt của đồng bào Mảng

Chủ Nhật, 17/01/2010, 21:52
Đồng bào dân tộc Mảng quan niệm rằng: Những người đàn ông có hình xăm trên mặt thì mới là người trưởng thành, còn hình xăm trên mặt của người phụ nữ thể hiện sự nết na, xinh đẹp, đáng được chồng yêu quý.

Trải suốt mấy trăm năm, người Mảng cam chịu, tình nguyện chịu đớn đau về thể xác để gìn giữ tập tục này, tạo nên một nét bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc miền Tây Bắc Tổ quốc.

Người Mảng quen gọi tục xăm mặt là "o ăm", nhưng kể cả những người già nhất bản cũng không nhớ nổi tập tục này bắt nguồn từ bao giờ. Trong những câu chuyện truyền miệng mà chúng tôi nghe được tại bản Pá Bon (xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ, Lai Châu) thì nguồn gốc của tập tục này bắt nguồn từ xa xưa, có chàng trai nọ lấy được người vợ xinh đẹp, nết na, ngoan hiền và hai người sống bên nhau rất hạnh phúc. Bất hạnh xảy đến với họ kể từ khi người vợ sinh con xong, tính khí bỗng trở nên ác độc, ích kỷ và vô tâm. Khuyên bảo mãi không được, anh chồng thất vọng ôm mặt khóc. Bụt hiện lên, mách bảo người chồng hãy vào rừng tìm lá cây la hủy, giã lấy nước rồi nhúng chỉ khâu vào miệng vợ. Người chồng nghe lời Bụt vào rừng tìm lá, nhưng không nỡ khâu miệng vợ lại mà chỉ dùng kim châm nước thuốc vòng quanh mép thôi. Lạ kì thay, người vợ lại trở nên dịu hiền, nết na như ngày nào.

Kể từ đó, phụ nữ Mảng gìn giữ tập tục này, coi những nét xăm trên mặt mình là minh chứng cho sự nết na, nhu thuận. Trong tài liệu của các nhà dân tộc học thì tập tục này gắn bó với lễ trưởng thành của đàn ông Mảng. Những người đàn ông có hình xăm trên mặt là những người đã có thể lập gia đình và là trụ cột của gia đình đó. Nghĩa là không chỉ phụ nữ, cả đàn ông Mảng cũng coi trọng tục "o ăm" này.

Chúng tôi ngược Tây Bắc, tìm đến bản nhỏ Pá Bon nằm khiêm nhường bên dòng Nậm Na, xin tá túc tại nhà Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Chăn Nưa, ông Sìn Văn Doi. Biết chúng tôi tìm hiểu về tục xăm mặt, Sìn Văn Doi hăm hở sai con đi gọi vợ là Lò Thị Sởn trên nương về, vì theo ông, "phụ nữ biết rõ nhất về tục này".

Bà Sởn năm nay mới ngoài 40 tuổi, chỉ cao chừng hơn mét mốt, tóc muối tiêu, lưng còng, chân tay ngắn và nhỏ. Trời nhá nhem, bản nhỏ lại chưa có điện, Sìn Văn Doi bật đèn dầu để chúng tôi xem rõ những hình xăm, cỡ bằng bàn tay úp xung quanh miệng, biểu tượng sự nết na của vợ mình. Mỗi bên má bà Sởn có hai đường xăm từ trên cánh mũi kéo thẳng theo khóe miệng xuống tận cằm, ngang mép trên là bốn đường xăm ngắn cân đối, bốn đường xăm dọc từ mép dưới tới cằm và nhiều đường ngang dọc khác quanh miệng. Hai bên gò má in hình hoa thị mờ mờ.

Những hình xăm độc đáo trên khuôn mặt chị Pàn Thị Chượn.

Rồi bằng chất giọng đều đều nhỏ nhẹ, bà Sởn kể cho chúng tôi nghe về sự kỳ công để có được những hình xăm ấy, nét mặt không giấu nổi vẻ tự hào. Khi đến tuổi cập kê (chừng 13 - 16 tuổi), các thiếu nữ Mảng được cha mẹ chọn cho ngày tốt là ngày "con dê" (ngày Mùi) không kỵ vào ngày sinh của mình hay ngày giỗ của người thân để tổ chức xăm mặt.

Để có được hình xăm như ý, phụ nữ Mảng phải chịu không ít đau đớn. Mỗi vết xăm thường dùng tám chiếc kim khâu, lấy chỉ bện thành hai hàng dọc, mỗi hàng bốn kim. Trước đây, khi chưa có kim thì người ta dùng gai rừng nhọn và cứng để xăm. Dùng tay ấn kim vào thịt thật sâu, xăm dọc ngang trên mép thì kim phải chạm vào răng, xăm hoa thị trên má thì kim phải chạm vào xương. Sau đó dùng thuốc được chế từ một loại lá cây thân gỗ trên rừng (cây la hủy), bôi phết trên vết xăm nhằm tạo màu xăm bền vững.

Bà Lò Thị Sởn cho biết: "Người chịu xăm không ai phải trói nhưng có bốn năm người đàn ông giữ chặt hai chân, hai tay và đầu, đặt nằm ngửa trên tấm phản kê nghiêng cho một người già nhiều kinh nghiệm xăm. Vết xăm càng sâu, càng rộng thì hình xăm càng nổi rõ, nếu không rõ thì một thời gian sau phải xăm lại. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác mấy chục năm trước. Đau lắm, đau lắm! Máu chảy đầy mặt, tôi khóc váng cả lên. Đau sưng cả tháng không hết. Phải dùng khăn bịt mặt hai ba tuần, không được ăn uống gì để tránh bị nhiễm trùng, rồi mới tháo ra".

Nhìn những ngón tay ngắn ngủn của bà Lò Thị Sởn chụm chụm lại làm điệu bộ xăm kim vào thịt, chúng tôi không khỏi rùng mình khi nghĩ đến cảm giác của bà nhớ lại mấy mươi năm trước.

Một số tài liệu về người Mảng mà chúng tôi tham khảo trước và sau khi đến bản Pá Bon nói rằng, "tập tục xăm mặt (o ăm) đã mất, chỉ còn dấu vết ở một vài người ngoài 70 tuổi", theo chúng tôi là chưa thỏa đáng. Có thể đàn ông Mảng ngày nay không xăm mặt nữa, nhưng vẫn còn nhiều phụ nữ trẻ đang lưu giữ tập tục này. C

hia tay, chúng tôi day dứt mãi với lời nói của ông Sìn Văn Doi: "Bây giờ bọn trẻ đi học với người Kinh, người Thái… học được nhiều điều hay. Nhưng chẳng biết chúng có chịu được đau đớn để trở thành người ngoan như các bà, các mẹ người Mảng của chúng?"

Lê Quân
.
.
.