Dụ đồng bào dân tộc vượt biên

Thứ Sáu, 28/03/2008, 09:02
Bọn phản động với sự tiếp tay của các thế lực thù địch bên ngoài lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận thanh niên lười lao động, có cuộc sống khó khăn, bất mãn về gia đình hay xã hội tại làng Rắc, xã Ya Xiêr và làng Chốt, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, Kon Tum rủ rê uống rượu để lừa phỉnh vượt biên…

Thời gian qua, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng, bọn phản động trong sự tiếp tay của các thế lực thù địch bên ngoài luôn tìm cách móc nối, lôi kéo một số đồng bào dân tộc thiểu số vượt biên trái phép sang Campuchia, nhằm gây mất ổn định về trật tự an toàn xã hội ở cơ sở, phá hoại cuộc sống yên bình của nhân dân ta.

Cụ thể là bọn chúng đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận thanh niên lười lao động, có cuộc sống khó khăn, bất mãn về gia đình hay xã hội tại làng Rắc, xã Ya Xiêr và làng Chốt, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, Kon Tum rủ rê uống rượu để lừa phỉnh vượt biên…

Ngày 15/8/2007, 44 người thuộc làng Rắc, xã Ya Xiêr, làng Kbày, xã Sa Bình và làng Chốt, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, Kon Tum đã bỏ làng, bỏ nhà vượt biên trái phép sang Campuchia, trong số đó có cả phụ nữ, trẻ em vị thành niên. Sau nhiều ngày bị lạc đường đói khát, được giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng Kon Tum họ thoát chết từ rừng sâu trở về. 

A Jôh ở làng Rắc, Sa Thầy, năm 2005 đã từng bị xử phạt về tội "Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài". Trong thời gian cải tạo, A Jôh quen biết A Noanh ở làng Zíp, xã Ia Din, huyện Đức Cơ, Gia Lai, cũng là đối tượng tổ chức người khác trốn đi nước ngoài bị phạt tù và đưa đi cải tạo.

A Noanh đã rủ rê A Jôh và hẹn tháng 6/2007 khi A Noanh ra tù thì A Jôh chuẩn bị tiền, quần áo tư trang xuống địa bàn tỉnh Gia Lai trốn đi Campuchia cùng A Noanh.

Cuối tháng 7 đầu tháng 8/2007, A Jôh rủ rê A Choan, A Dã đều ở làng Rắc chuẩn bị đồ đạc để vượt biên trái phép sang Campuchia. Sau đó A Jôh đã bán 1 xe Honda được 3 triệu đồng rồi đi xuống nhà A Noanh để liên hệ vượt biên.

A Noanh và A Jôh còn lôi kéo những người dân địa phương ở Sa Thầy chuẩn bị tiền, mỗi người 1 triệu đồng và quần áo để A Noanh dẫn đường trốn. A Noanh còn hứa nếu A Jôh lôi kéo được nhiều người cùng trốn thì A Noanh sẽ cho A Jôh 100 ngàn đồng/người.

Để tìm hiểu thêm chân tướng của những kẻ cầm đầu, móc nối, lừa phỉnh những người khác vượt biên sang Campuchia, chúng tôi đã đến gặp A Mích (31 tuổi), trú tại làng Chốt, Sa Thầy, Kon Tum.

Trong dòng nước mắt ân hận, A Mích kể: "Trong một ngày tháng 6/2007, có một người bạn ở nước ngoài tên là A Khuyên điện thoại về nhà vợ tên là Y Ranh, trú tại làng Rắc để nói chuyện với tôi. A Khuyên bảo khi nào mọi người trong làng Rắc vượt biên thì A Mích hãy đi cùng, và rủ thêm người khác cùng đi".

Sau đó A Khuyên gọi điện thúc giục lần thứ hai: "Lần này đi sẽ được sang định cư bên Mỹ, sẽ có nhiều tiền". Nghe nói đến tiền nhiều nên A Mích đã đồng ý.

Còn A Jôh (26 tuổi) có vợ và một con trai tại làng Trang, xã Ya Xiêr, Sa Thầy than rằng: "Vì tin bạn bè và tham tiền mà bây giờ mắc họa vào thân".

Suốt những ngày ròng rã bị lạc trong rừng, họ phải đào lấy măng nấu ăn thay cơm. Tối thì ôm nhau ngủ dưới gốc cây rừng, mặc cho gió mưa lạnh buốt, muỗi, vắt đốt thâm tím thân thể.

Còn A Náo (35 tuổi), trú tại làng Rắc, Sa Thầy có vợ và 4 đứa con thì tỏ ra ân hận: "Tôi đang làm rẫy thì thằng A Phong cùng mấy người nữa đi ngang qua và rủ tôi đi Campuchia, nó nói là sang đó có nhiều tiền, thế là tôi đi luôn, không kịp nói với vợ và con. Bây giờ hiểu ra bị lừa, có ai cho thật nhiều tiền mình cũng không dám đi nữa, sướng đâu không thấy nhưng cái bụng thì hết ưng rồi".

Còn rất nhiều nạn nhân chúng tôi gặp nhưng không thể kể hết. Họ được trở về từ "cõi chết" và cảm thấy ân hận vì đã bị kẻ xấu lừa phỉnh. Họ mong muốn những kẻ cầm đầu lừa phỉnh người dân sẽ bị pháp luật nghiêm trị và từ nay dân làng mình không còn ai bị mắc mưu kẻ xấu nữa.

Những người con lầm lỡ đã trở về với buôn làng trong vòng tay bao dung, che chở của cộng đồng để tiếp tục tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng trên quê hương buôn làng mình, đó mới là niềm hạnh phúc thật sự

Ngọc Như - Đức Nhuận
.
.
.