Liên quan đến quy định mới xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu bia:

Đủ chế tài, xử lý mạnh

Thứ Ba, 13/04/2010, 14:49
Theo Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ban hành ngày 2/4/2010 (thay thế Nghị định 146/2007/NĐ-CP) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì kể từ ngày 20/5 những hành vi vi phạm có liên quan tới việc sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông sẽ bị xử lý nghiêm.

Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực từ tháng 7/2009 cũng đã nêu rõ hành vi sử dụng rượu bia sẽ bị xử lý, tuy nhiên, trên thực tế thời gian qua do chưa có Nghị định hướng dẫn ban hành nên việc xử lý vi phạm dạng này của các cơ quan chức năng hữu quan gặp nhiều lúng túng. Thiếu chế tài cụ thể, thiếu phương tiện và việc xử lý từng trường hợp vi phạm gặp nhiều khó khăn, đó chính là một thực tế.

Theo Nghị định số 34/2010/NĐ-CP thay thế cho Nghị định số 146/2007/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã quy định rõ sẽ phạt tiền từ 2-3 triệu đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 30 ngày đối với người điều khiển, ngồi trên xe ôtô và các loại xe tương tự ôtô tham gia giao thông trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Xử phạt từ 4-6 triệu đồng và tước Giấy phép lái xe 60 ngày nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Để tập trung xử lý nghiêm những hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định 34/2010/NĐ-CP, hiện Cục CSGT đường bộ - đường sắt (Bộ Công an) cũng đang triển khai kế hoạch để tiến hành tập huấn cho lực lượng CSGT các địa phương. Theo quy định về xử phạt vi phạm người điều khiển phương tiện uống rượu, bia trong Nghị định 34/2010/NĐ-CP có khá nhiều mức xử lý khác nhau.

Chính vì vậy, việc xử phạt đòi hỏi sự chính xác, cụ thể. Làm việc với lực lượng CSGT một số địa phương chúng tôi được biết: Việc xử lý sai phạm liên quan đến lái xe sử dụng rượu bia là đều rất khó khăn. Thiếu trang thiết bị, mất thời gian. Đặc biệt là việc người vi phạm thường mượn cớ say rượu bia để bất hợp tác, thậm chí là chống đối lại lực lượng CSGT.

Hiện tại ở nhiều địa phương, số lượng máy đo nồng độ cồn chỉ đếm được trên đầu ngón tay và kết quả xử lý các trường hợp vi phạm vẫn còn rất hạn chế. Liên quan đến vấn đề này, Cục CSGT đường bộ - đường sắt cũng cho biết, đơn vị đang tập trung thực hiện nhiều phần việc, trong đó có công tác rà soát việc trang bị, sử dụng máy đo nồng độ cồn trong hơi thở đối với lực lượng CSGT toàn quốc; nghiên cứu chuyên đề về tác động của rượu bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và TNGT đường bộ; tổ chức triển lãm hiểm họa về rượu bia và TNGT.

Xây dựng kế hoạch tổ chức TTKS, xử lý vi phạm chuyên đề đối với lái xe vi phạm các quy định của pháp luật về nồng độ cồn; đặc biệt bố trí lực lượng tiến hành kiểm tra, xử lý thí điểm tại một số địa phương thường xảy ra TNGT có nguyên nhân từ rượu, bia…

Nghị định mới này cũng nêu rõ việc người điều khiển, người ngồi trên xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy nếu đi trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở thì sẽ bị phạt tiền từ 200-400 ngàn đồng.

Đồng thời, phạt tiền từ 500 - 1 triệu đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 30 ngày đối với những trường hợp điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Nhóm PVPL
.
.
.