Dự án kè sông Hồng quy mô lớn: Đang tạm ngưng?

Thứ Ba, 08/11/2005, 09:38
Dự án kè sông Hồng quy mô lớn đã khởi động khá lâu nhưng cho đến nay vẫn chưa được triển khai thực hiện. Vì lẽ đó mà dư luận không khỏi băn khoăn cho rằng tầm vóc của dự án quá "hoành tráng" khiến khả năng của thành phố Hà Nội khó có thể đảm đương nổi. Thông tin trên đã được chúng tôi trao đổi với ông Lê Quý Đôn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông khẳng định: Không có lý do gì phải ngưng dự án.

Nhưng đến khi quyết định thì thấy rằng, chúng ta hoàn toàn có thể nâng tầm của dự án lên cao hơn và hướng tới một tương lai xa hơn không chỉ vì cảnh quan đô thị Hà Nội, mà còn vì hành lang thoát lũ, an toàn đê điều cũng như nhiều lợi ích khác cho cả cộng đồng.

Chỉ giới mở rộng bao nhiêu là đủ?

Theo ông Lê Quý Đôn, nếu không có gì thay đổi thì dự án thí điểm kè vở sông Hồng đoạn qua phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm dài gần 1km đã thực sự sôi động và sẽ hoàn thành vào ngày 30/4/2006. Nhưng khi cân nhắc quyết định thì nảy sinh thêm một ý tưởng táo bạo hơn, là tại sao chúng ta có đủ khả năng lấy khoảng không gian từ mép sông vào phía chân đê (chỗ hẹp là 27m, chỗ rộng 42m) theo sự uốn lượn của dòng sông như dự án đã lập, mà lại không mở rộng sâu hơn khoảng cách đó để giải quyết toàn diện hơn vấn đề thoát lũ, đồng thời tạo thêm quỹ đất với nhiều yêu cầu khác của thành phố.

Đây chính là lý do khiến dự án đến nay chưa thể khởi công. Kết luận này đã được các cơ quan chức năng thành phố cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các nhà trị thuỷ khảo sát, đánh giá để trình Thủ tướng và Quốc hội xem xét quyết định. Nếu được Chính phủ đồng ý, Quốc hội thông qua thì diện mạo của dự án có thể hình dung gồm phần đất hai bên bờ sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội rộng chừng 13.000 ha và bố trí lại việc định cư cho 15-16 vạn dân.

Nếu như dự án đã lập phải di chuyển số lượng lớn dân cư để củng cố đê kè, tạo cảnh quan và phát triển giao thông ven sông thì ý tưởng mới hướng tới xây dựng hai lớp nhà chung cư trên cọc cao 15-17 tầng (phía trong) và thấp dần 10-12 tầng phía ngoài. Điều này cho phép chúng ta bố trí dân tái định cư tại chỗ, hội đủ các yếu tố phát triển giao thông, cảnh quan môi trường cho thành phố hiện đại và có vành đai thoát lũ thật an toàn.

Vấn đề cốt lõi là ở chỗ, kè vở sông Hồng có quan hệ trực tiếp tới dòng chảy, qua việc thực hiện dự án này có thể sẽ nâng cao hay hạ thấp mực dòng thủy lưu và vì thế quan hệ trực tiếp tới an ninh đê điều. Các chuyên gia trị thủy và Bộ, ngành chức năng đều thống nhất định hướng trên nhưng phải tuân thủ tuyệt đối những yêu cầu trị thủy dòng sông đã được theo dõi trong suốt quá trình của lịch sử. Mục tiêu của dự án không có gì thay đổi so với trước, nhưng kỳ vọng qua dự án này sẽ chấm dứt hoàn toàn tình trạng lấn chiếm đất đai ven sông dẫn đến ngăn cản dòng chảy. Đồng thời tạo ra quỹ đất để cải tạo, xây dựng luôn đô thị kiểu mới và quan trọng nhất là lấy quỹ đất làm nguồn lực chính để đầu tư xây dựng kè.

Nguyện vọng của nhân dân không chỉ là nhà tái định cư!

Đến nay, tính khả thi của dự án hoàn toàn có cơ sở vững chắc. Cách thức mà thành phố Hà Nội đề xuất là tạo ra quỹ đất kêu gọi các nhà đầu tư phát triển hạ tầng đô thị hiện đại; tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất để phục vụ công tác tái định cư và lấy tiền phục vụ thi công dự án. Khi dự án đi vào thực tế thì không chỉ một bên, mà tương lai hai bên bờ sông với khoảng gần 70km chiều dài sẽ là đô thị hiện đại.

Tất nhiên, để có được diện mạo đó không chỉ những cố gắng của cơ quan chuyên môn và thành phố là đủ, mà rất cần sự hợp sức của hàng chục vạn người dân ven sông. Qua tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn những người dân trong diện di dời trước đây cũng như những hộ dân trên địa bàn có dự án đều tỏ thái độ đồng tình ủng hộ. Điều họ băn khoăn nhất hiện nay không phải là căn nhà tái định cư mà là kế sinh nhai sau khi được tái định cư, bởi phần lớn trong số họ là những người dân vạn chài, buôn thúng bán bưng hay làm nghề nông.

Dự án hoàn thành sẽ tạo ra nhiều chỗ làm việc mới và những lợi thế thương mại như nơi trông giữ xe đạp, xe máy, quản lý nhà chung cư… theo chúng tôi, chính quyền thành phố cần ưu tiên bố trí việc làm cho các hộ dân trong diện này

Thanh Phong
.
.
.