Dự án cánh đồng muối Ninh Thuận: Gây khó khăn cho dân

Thứ Ba, 01/11/2005, 07:32

Dự án khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ (Ninh Phước, Ninh Thuận) được phê duyệt từ cuối năm 1999. 6 năm trôi qua, vùng dự án vẫn chỉ là bãi đất hoang...

Có tiếng là khu tái định cư (TĐC) của dự án nằm sát quốc lộ 1A, gần UBND xã Phước Minh, huyện Ninh Phước (Bình Thuận) nhưng chẳng mấy hộ dân hồ hởi đón nhận. Một cụ già buồn rượi nói với chúng tôi: Ở làng này, từ người lớn cho tới đứa trẻ 7 tuổi đều đi làm thuê từ lúc 3h sáng cho tới tối mịt mới về. Người đi nhặt đầu cá tại các cảng, người đi nhặt phân bò khắp các gò bãi để bán kiếm sống qua ngày…

Từ khi Ban dự án có kế hoạch di dời các hộ dân trong vùng quy hoạch ra khu TĐC thì dân tình càng trở nên khốn đốn. Người dân phải đi vay mượn, đa số là vay mượn từ các ngân hàng để đủ tiền mua nền nhà tại khu TĐC (giá 3.600.000 đồng/nền). Ban quản lý dự án hứa sẽ có đầy đủ các cơ sở hạ tầng phục vụ nhân dân nhưng chờ đợi mãi cũng không thấy. Nước ở đây phải đi mua với giá 40.000đ/m3, một chậu nước người dân phải tiết kiệm sử dụng từ 3 đến 4 lần. Còn điện thì chăng dây chạy trước cửa nhà dân nhưng từ 2 năm nay chưa thấy ánh sáng vì đơn vị thi công chưa nối nguồn.

Các điều kiện mưu sinh khác ở đây đều không có. Nếu ở trong làng cũ đang còn mảnh vườn để trồng rau, nuôi gà, vịt cải thiện đời sống thì ở khu TĐC là không thể. Thứ gì cũng phải mua mà tiền thì không có. Chị Trần Thị Xuân có 2 đứa con đi học, nghĩ ra khu TĐC để con đi học gần nên chị bàn với chồng vay ngân hàng 20 triệu đồng mua nền cất nhà: "Nhưng làm xong đóng cửa để đó, ngán nỗi căn nhà tại làng cũ đã dỡ bỏ đi rồi. Hiện tại tôi phải ở nhờ nhà người anh trai, đi làm thuê kiếm sống qua ngày", chị Xuân buồn rầu nói với chúng tôi.

Ban dự án hứa, dân lãnh đủ

Thôn Quán Thẻ 2 có 80 hộ dân vốn là những thanh niên xung phong làm việc tại Nông trường Bông Quán Thẻ trước đây, tất cả đều nằm trong vùng dự án khu kinh tế muối công nghiệp. Ngoài những hộ đã ra sống ở khu TĐC, trong làng vẫn còn gần 60 hộ "chây ỳ" chưa chịu chuyển đi. Nhất là sau khi nhìn thấy cuộc sống vất vả của những người chuyển ra trước, họ càng nản lòng.

Khu TĐC-Khu kinh tế muối công nghiệp xuất khẩu Quán Thẻ.

Từ quốc lộ 1A nhìn vào thôn Quán Thẻ chỉ cách 2km theo đường chim bay, nhưng chúng tôi phải mất cả tiếng đồng hồ đi bộ trên con đường bờ ruộng gồ ghề. Nhân dân sống ở đây 20 năm rồi, nhưng vẫn chưa làm nổi 1 con đường đất dễ đi nào, huống chi bàn đến đường nhựa. Vào đến làng rồi càng thấy ngán ngẩm hơn. Những ngôi nhà cũ bị dỡ bỏ để chuyển ra khu TĐC chỉ còn trơ lại bức tường đứng chỏng chơ. Mấy vạt vườn cây ăn trái nửa bị đốn, nửa không được chăm sóc đang chết khô từng ngày. Và nhất là tâm trạng buồn bã của người dân nơi đây.

Cuối năm 2000, Hội đồng Đền bù tiến hành đo, áp giá và có quyết định hẹn ngày nhận tiền. Mặc dù giá đền bù rất thấp (đối với nền nhà xây, lợp ngói có mức giá 400.000đ/m2; nhà đất là 120.000đ/m2; đất canh tác chỉ hơn 1.000đ/m2) nhưng đó là khoản tiền mà người dân hi vọng để được vào ở khu TĐC. Những vườn cây ăn trái đến thời kỳ cho trái, song vì nghe Hội đồng Đền bù bảo "đốn làm củi vì dự án đi vào hoạt động trong nay mai", nên bà con đốn làm củi thật, phần còn lại bỏ bê không chăm sóc nữa.

Như hộ ông Thái Doãn Bảy đã đốn gần 4 trăm cây hồng xiêm: "Công sức bỏ ra làm vườn trên vùng đất này đâu phải dễ, xót lắm, nếu không có dự án thì vườn cây này có thể nuôi sống tuổi già của tôi". Ông tâm sự. Dù Ban dự án hứa nhiều lần, nhưng phải đến cuối năm 2003, ông Bảy và những hộ dân ở đây mới được nhận khoản tiền đền bù diện tích nền nhà, còn diện tích vườn cây và đất thổ cư thì vẫn bặt vô âm tín.

Cho đến tận hôm nay, người dân vẫn hoang mang không dám tiến hành sản xuất trên mảnh đất của mình. Cả làng phần lớn đi vay tiền ngân hàng để sống và trông chờ tiền đền bù để trả nợ.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch xã Phước Minh - Trần Quốc Hoàn thẳng thắn đề nghị hướng giải quyết: Phía Ban quản lý dự án phải nhanh chóng thanh toán khoản tiền đền bù còn lại cho dân; tiến hành lắp đặt hệ thống cung cấp điện, nước cho dân ở vùng TĐC, tạo điều kiện cho họ ổn định cuộc sống; và nếu dự án không khả thi, ngưng thi công thì phải thông báo sớm cho dân biết để bà con an tâm trở lại canh tác, sản xuất

Võ Bá Dũng
.
.
.