Đột nhập công trường khai thác vàng trái phép

Thứ Tư, 17/07/2013, 21:14
Nhận được tin báo của người dân phản ánh về tình trạng khai thác vàng trái phép tại khu vực đỉnh núi Cư Kuin, thôn Thanh Bình, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk phá hoại suối và rừng, gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, một ngày đầu tháng 7/2013, nhóm phóng viên chúng tôi được lực lượng Công an xã Ea Kênh dẫn đường tìm cách tiếp cận hiện trường.

Đột nhập…

Xuất phát từ TP Buôn Ma Thuột, chiếc xe U-oát chuyên dùng cho những “cung đường gian khổ” chở nhóm phóng viên đến trung tâm huyện, đi tiếp khoảng 20km, chúng tôi phải gửi ôtô lại vì đường lên núi Cư Kuin từ địa điểm này quá nhỏ hẹp, lầy lội, bị chia cắt bởi các con suối và nhiều nơi dốc dựng đứng. Cả nhóm đành cuốc bộ, leo dốc hơn 4km.

Từ dưới chân núi nhìn lên có thể thấy lán trại của “vàng tặc” nằm lổm nhổm, ngay cả tiếng máy nổ phục vụ khai thác vàng cũng vang xa tới vài cây số. Từ chân núi lên đến địa điểm bãi vàng chỉ hơn 1km leo dốc, nhưng chúng tôi phải dừng lại tới 3 lần để nghỉ lấy sức, đồng thời bàn phương án tác nghiệp, thống nhất biện pháp chủ động ứng phó trước tình huống bị “vàng tặc” tấn công.

Trước khi xuất phát từ trụ sở Công an xã Ea Kênh, các đồng chí Võ Minh Thành, Phó trưởng Công an xã và Võ Đặng Hạnh, Công an viên đã cẩn thận mang theo dùi cui điện và bình xịt hơi cay nhằm đề phòng sự hung hăng, bất chấp pháp luật của đám “vàng tặc”.

Khi nhóm “đột kích” của chúng tôi cách vị trí khai thác chừng 20m, một người đàn ông đang ngồi trên chiếc xe máy phát hiện liền lôi điện thoại ra gọi cho ai đó và ngay lập tức, tiếng máy nổ khai thác cũng im bặt.

Lán trại của "vàng tặc" dựng lên công khai.

Biết việc thâm nhập của đoàn công tác đã bị chủ bãi và các phu vàng phát hiện, chúng tôi nhanh chóng tiếp cận bãi vàng. Giữa lưng chừng núi, bốn chiếc lán được đám “vàng tặc” dựng lên khá kiên cố, ngay trên đỉnh núi, một cửa hầm vàng được khoét sâu hun hút. Lúc này, trời bất chợt đổ mưa, tranh thủ trú mưa, chúng tôi hỏi chuyện hai phu vàng.

Sau phút cảnh giác, cả hai cho biết, họ đều làm thuê cho ông chủ bãi vàng Nguyễn Văn Hoàng (còn gọi là “Hoàng tóc dài”) ở xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk, mỗi tháng ngoài cơm nuôi được trả công 5 triệu đồng. Theo lời các phu vàng cho biết, hiện toàn bãi chỉ có 8 nhân công. Nhưng qua quan sát vật dụng sinh hoạt, máy móc, phương tiện phục vụ việc đào đãi vàng, chúng tôi nhận định phải có vài chục người đang khai thác ở bãi vàng lậu này.

Tại đây, các phu vàng đã dựng lên 4 lán trại, 1 nhà bếp, lắp đặt 1 máy nghiền, 2 máy nổ, 1 máy tời, hàng chục máy khoan, bể lọc, máy phát điện kèm đường điện thắp sáng và hệ thống thông gió trong đường hầm. Với quy mô này, nhẩm tính chủ bãi phải đầu tư hàng trăm triệu đồng cho dây chuyền và công nghệ khai thác vàng.

Đường hầm xuyên núi gây mất an toàn được “vàng tặc” đào sâu hơn 50m.

Những bể đãi vàng của “vàng tặc” để lại sau khi phát hiện có người lạ.

Cần sớm dẹp bỏ

Đồng chí Võ Minh Thành, Phó trưởng Công an xã Ea Kênh cho biết: “Chủ bãi vàng là “Hoàng tóc dài” trước đây đã tổ chức khai thác trên núi Pháo thuộc thôn Thanh Xuân, xã Ea Kênh. Sau khi bị lực lượng chức năng truy quét gắt gao thì Hoàng tiếp tục dạt về núi Cư Kuin này để hành nghề”.

Còn đồng chí Hoàng Đại Cương, Công an viên thôn Thanh Bình phản ánh: “Việc tổ chức khai thác vàng trái phép trên núi Cư Kuin không những hủy hoại môi trường rừng, môi trường nước, gây sạt lở núi mà còn gây mất an ninh trật tự tại địa bàn”.

Ông Nguyễn Đình Ngân, một lão nông sống gần chân núi Cư Kuin bức xúc cho biết: “Do việc khai thác vàng bừa bãi dẫn tới nguồn nước trong vùng bị nhiễm độc, một số trâu, bò của bà con bị bệnh và chết. Cánh đồng lúa dưới chân núi cũng bị ảnh hưởng do nguồn nước đầu nguồn bị chặn lại để đãi vàng. Ở đây, hầu hết bà con sử dụng nước giếng cho sinh hoạt nên rất lo sợ những hóa chất phục vụ đào đãi vàng ngấm xuống làm nhiễm độc nguồn nước. Bà con đã nhiều lần có ý kiến, chủ bãi vàng hứa sẽ đền bù cho dân, nhưng chỉ là lời hứa suông. Người dân trong thôn Thanh Bình đã phản ánh lên chính quyền xã, nhưng chưa thấy lực lượng chức năng vào cuộc. Hôm nay là lần đầu tiên thấy nhà báo và Công an xã đến hiện trường đấy!”.

Theo Trung tá Ngô Văn Hiển, Phó trưởng Công an huyện Krông Pắk cho biết, để ngăn chặn triệt để tình hình đào đãi vàng trái phép là điều không dễ vì địa bàn khai thác khá hiểm trở, đi lại khó khăn nên khi tổ chức truy quét, các đối tượng đều nhanh chóng tẩu thoát.

Bên cạnh đó, chế tài xử lý đối với người khai thác vàng trái phép chưa đủ mạnh trong khi việc khai thác vàng đang là “nghề nghiệp chính” của một số đối tượng với lợi nhuận tương đối. Muốn chấm dứt được tình hình này, việc tổ chức truy quét phải được phối hợp giữa các cấp, ngành.

Đặc biệt, chính quyền địa phương nơi có địa điểm khai thác phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, luôn “để mắt” đến các điểm nóng và kịp thời thông tin, chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn

Văn Thành
.
.
.