Động vật hoang dã "di cư" vào quán...

Thứ Tư, 18/04/2007, 09:21
Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, hầu như các quán ăn đặc sản đều bí mật cất các loại thịt thú rừng như nhím, chồn, kỳ đà… và sẵn sàng đem ra bán cho các thực khách có nhu cầu. Cứ theo đà này, chẳng mấy chốc Đắk Lắk sẽ vắng bóng hẳn thú rừng.

Đắk Lắk hiện có 2 vườn quốc gia (VQG) và 4 Khu bảo tồn thiên nhiên (KBT) với diện tích hàng trăm ngàn hecta. Tuy nhiên, thời gian qua, do việc khai thác tài nguyên rừng một cách ồ ạt thì những cánh rừng này không còn là ngôi nhà an toàn của động vật hoang dã. Không ít loài thú quý hiếm bị săn bắt quá mức và đang đứng trước nguy cơ bị diệt vong.

Tại các Vườn quốc gia Yok Đôn, Cư Yang Sin, trước đây từng có những đàn động vật với số lượng lớn thì nay hầu như còn sót lại rất ít. Thậm chí, một số loài có tên trong Sách đỏ thế giới đã từng có mặt ở đây thì nay đã vắng bóng như bò xám, bò tót, trâu rừng, hươu đầm lầy, sói đỏ…

Nguyên nhân là do những cuộc thảm sát đang liên tục xảy ra tại đây. Hàng năm, cán bộ bảo vệ VQG Yok Đôn tháo gỡ hàng ngàn cái bẫy được cài đặt trong rừng, phát hiện hàng chục vụ săn bắt động vật hoang dã.

Tại KBT thiên nhiên Ea Sô thời gian qua cũng phát hiện nhiều vụ săn bắn trái phép chim công, bò rừng, tê tê… Ông Võ Đức Long, cán bộ KBT cho biết: Nếu gom tất cả các loại bẫy thú mà chúng tôi phát hiện được trong rừng rồi đem cân thì đến nay phải được vài tấn!

Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, hầu như các quán ăn đặc sản đều bí mật cất các loại thịt thú rừng như nhím, chồn, kỳ đà… và sẵn sàng đem ra bán cho các thực khách có nhu cầu.

Với tình hình khai thác và buôn bán thú rừng diễn ra "rầm rộ" như hiện nay, chẳng bao lâu nữa, các hoang thú quý hiếm sẽ chỉ còn trong… Sách đỏ mà thôi!

Thiếu cơ chế xử lý!

Ông Phạm Văn Đông, cán bộ pháp chế của VQG Yok Đôn cho rằng: Nạn săn bắn trái phép động vật hoang dã đang tiếp tục diễn ra ngày một tinh vi hơn  trong khi các quy phạm pháp luật thì đã quá cũ, khó có thể áp dụng vào để xử phạt đủ mức răn đe.

Ông Đông viện dẫn quy định: Đối tượng nào săn bắt vận chuyển trái phép động vật hoang dã thông thường có giá trị 7.500.000đ trở lên, động vật hoang dã nhóm IIB có giá trị 5.000.000đ trở lên thì chuyển truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, đã là động vật quý hiếm thì không có cơ sở để định giá chúng được!

Như vậy, có thể khẳng định: cơ chế xử lý chưa phù hợp, cộng với sự lơi lỏng trong quản lý bảo vệ đang là những nguyên nhân chính dẫn đến việc động vật hoang dã bị truy sát đến tận cùng như hiện nay

Tuấn Thiện
.
.
.