Động vật hoang dã bị thu giữ: Tiêu huỷ chứ đừng bán đấu giá

Thứ Tư, 13/10/2010, 10:29
Chuyển giao cho cơ sở nghiên cứu khoa học hoặc tiêu hủy động vật hoang dã bị thu giữ là cách tốt nhất để bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm dù giá trị thị trường của các loài động vật hoang dã là rất cao. Có nhiều cách để tăng nguồn thu ngân sách mà không phải thực hiện thanh lý hay bán đấu giá tang vật động vật hoang dã, ví dụ như tăng mạnh mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm...

Liên tiếp các vụ việc buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã bị lực lượng Công an, Kiểm lâm phát hiện thời gian qua. Những con hổ, báo, gấu… đông lạnh, những con mèo rừng, tê tê… được tịch thu là chiến công khám phá của cơ quan chức năng rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, hậu vụ án liên quan đến động vật hoang dã (ĐVHD) là một vấn đề lớn cần bàn. Đó là việc xử lý tang vật như thế nào để vừa mang tính răn đe của pháp luật, vừa mang tính bảo vệ được các loài động vật quý hiếm?

Cá thể hổ đông lạnh được cơ quan chức năng thu giữ.

"Cách xử lý của Công an tỉnh Nghệ An tạo tiền lệ tốt"

Những ngày giữa tháng 10/2010, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đang làm thủ tục tiếp nhận ĐVHD từ Công an tỉnh Nghệ An về phục vụ cho công tác nghiên cứu, bảo tồn. Lần đầu tiên, một lượng lớn ĐVHD được chuyển giao cho cơ quan nghiên cứu khoa học đang được giới khoa học và dư luận đánh giá cao. Nội dung vụ việc cụ thể như sau: Ngày 22/6, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Nghệ An phát hiện và tịch thu một lượng lớn ĐVHD đông lạnh tàng trữ trái phép tại một nhà riêng thuộc xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Trong số đó có nhiều tang vật là ĐVHD thuộc nhóm IB - nhóm các loài động vật rừng nghiêm cấm khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP như: Hổ, xương hổ, báo gấm, báo hoa mai, mèo rừng, gấu chó, chi gấu… Quá trình xử lý vụ việc, các tang vật của vụ án được bảo quản đông lạnh để chờ xử lý. Theo quy định của pháp luật, tang vật là động vật rừng sau khi tịch thu là tiêu hủy hoặc chuyển giao cho cơ quan nghiên cứu khoa học (Thông tư 90/2008/TT-BNN).

Công an Nghệ An cho biết, theo quy định của pháp luật, số vật chứng trên phải chuyển giao cho cơ quan nghiên cứu khoa học, các cơ sở y tế để bào chế thuốc chữa bệnh hoặc tiêu hủy. Nhưng hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An không có cơ quan nghiên cứu khoa học, các cơ sở y tế có chức năng nghiên cứu và bào chế thuốc chữa bệnh.

Bởi vậy, theo đề nghị của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam (ENV) thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Công an tỉnh Nghệ An chấp thuận chuyển giao số ĐVHD trên cho các cơ sở nghiên cứu khoa học. ENV đã liên hệ và nhận được sự ủng hộ của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam - một cơ sở nghiên cứu đáng tin cậy, đủ chức năng pháp lý để tiếp nhận số tang vật trên.

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Phạm Văn Lực, Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cho biết: "Chính phủ đã giao cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam tiếp nhận tất cả các loài ĐVHD quý hiếm mà cơ quan chức năng thu giữ được dưới mọi hình thức để xử lý chế tác làm mẫu vật, nghiên cứu khoa học và lưu giữ làm tài sản quốc gia. Đối với số ĐVHD mà Công an Nghệ An đang thu giữ, chúng tôi đã có công văn đề nghị Công an tỉnh Nghệ An chuyển giao để tiếp nhận, xử lý theo đúng chức năng, nhiệm vụ".

Theo đánh giá của ENV, việc Công an tỉnh Nghệ An quyết định chuyển giao số tang vật trên cho cơ sở nghiên cứu khoa học là rất đáng hoan nghênh. Đây không chỉ là một giải pháp phù hợp với các quan điểm bảo tồn mà còn tạo ra một tiền lệ tốt cho các vụ việc khác.

Tránh tiếp tay tiêu thụ động vật hoang dã

Việc xử lý tang vật ĐVHD vốn gặp khó khăn, nhiều tang vật trong các vụ việc bắt giữ không thể thả về tự nhiên hoặc chuyển giao cho các cơ sở bảo tồn, cứu hộ. Trên thực tế, có nhiều trường hợp ĐVHD được bán thanh lý.

Có ý kiến cho rằng, cách làm này vừa xử lý được động vật tịch thu, vừa tăng thu cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, sau khi thanh lý, đương nhiên số ĐVHD đó sẽ quay lại thị trường. Vô hình trung, các cơ quan bảo vệ ĐVHD lại trở thành trung gian trong hoạt động buôn bán ĐVHD. Điều đó đồng nghĩa với việc nỗ lực bảo tồn, ngăn chặn nạn săn bắt, buôn bán ĐVHD ở Việt Nam càng trở nên khó khăn.

Vì vậy, giải pháp hợp lý và phù hợp với quan điểm bảo tồn là chuyển giao ĐVHD đó cho các cơ sở nghiên cứu khoa học hoặc tiêu hủy. Việc làm đó sẽ góp phần ngăn chặn triệt để việc đưa ĐVHD trở lại thị trường.

Trong thời gian gần đây, lực lượng Công an liên tiếp phát hiện, bắt giữ những vụ buôn bán, vận chuyển, lưu giữ trái phép các loại ĐVHD. Cụ thể gần đây nhất là vào ngày 15/9, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an TP Hà Nội phát hiện tại kho của Nguyễn Thế Giới ở phường Trương Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội hàng chục kilôgam xương ĐVHD các loại như báo, mèo rừng, sơn dương, khỉ, nai, mai rùa…

Hay trước đó, vào tháng 8, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cũng phát hiện xác con hổ nuôi của gia đình ông Nguyễn Mậu Chiến ở xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Theo ENV, đến nay, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa có quyết định cuối cùng về hướng xử lý đối với con hổ này.

Giải pháp cụ thể với ĐVHD là chuyển giao cho cơ sở nghiên cứu khoa học hoặc tiêu hủy là cách tốt nhất để bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm. Mặc dù giá trị thị trường của các loài ĐVHD là rất cao, đóng góp không nhỏ cho ngân sách Nhà nước, nhưng chúng ta cần hướng tới lợi ích lâu dài của xã hội, cộng đồng. Trên thực tế, có nhiều cách để tăng nguồn thu ngân sách mà không phải thực hiện thanh lý hay bán đấu giá tang vật ĐVHD, ví dụ như tăng mạnh khung hình phạt đối với việc vi phạm các quy định pháp luật về bảo tồn ĐVHD

Việt Hà
.
.
.