Đồng ruộng biến thành… túi đựng chất thải

Thứ Năm, 14/07/2011, 16:57
Sau khi Báo CAND phản ánh tình trạng phá rừng, khai thác than tùy tiện ở khu vực Khe Tre thuộc xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc cùng những hậu quả nghiêm trọng đối với diện tích đất nông nghiệp của người dân, UBND tỉnh Quảng Nam đã lập Đoàn thanh tra, xử lý một số doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn tái diễn khiến hàng chục hécta đất "bờ xôi ruộng mật" của người dân bị thoái hóa, không thể tiếp tục canh tác.
>>Đua nhau phá rừng bới than

 Mới đây, UBND huyện Đại Lộc phải vận động người dân giao đất để bán cho một doanh nghiệp sản xuất gạch, lấy tiền đào những cái hố chôn lấp chất thải khổng lồ ngay giữa cánh đồng…

Ông Nguyễn Quang Thiện, một hộ dân xã Đại Hưng ta thán: Sau khi báo chí phản ánh, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện cùng các đoàn thanh tra có về tìm hiểu, cam kết sẽ kiên quyết chấn chỉnh tình trạng khai thác than lậu, ngăn chặn việc gạt đổ chất thải trong quá trình đào bới than từ trên núi tràn lan xuống các cánh đồng, buộc các doanh nghiệp vi phạm phải hỗ trợ nông dân cải tạo đồng ruộng. Thế nhưng, tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng vì đất đá, bụi than từ trên núi vẫn ngày đêm tràn xuống, xâm thực, tàn diệt những cánh đồng quê.

Sau khi có chỉ đạo của chính quyền địa phương, Công ty Sơn Thắng có chi một khoản tiền gọi là "hỗ trợ" người dân có đất bị xâm thực vài trăm ngàn đồng mỗi hộ. Số tiền khiêm tốn này chẳng bõ bèn gì so với thiệt hại mà người dân phải gánh chịu. Còn những đơn vị khai thác than khác thì "án binh bất động" vì không được quy trách nhiệm liên quan đến việc gây ô nhiễm môi trường.

Một khu ruộng của dân giờ trở thành hố chứa bùn thải.

Để "cứu" một phần diện tích cánh đồng, mới đây, UBND huyện Đại Lộc đã đề nghị 10 hộ dân bàn giao 1,4ha mặt ruộng để cho một đơn vị móc đất sản xuất gạch lấy kinh phí khắc phục ô nhiễm. Các hầm hố tạo ra trong quá trình khai thác đất sẽ được dùng để… chôn chất thải và đất ô nhiễm than. Tuy nhiên, người dân chưa đồng tình với phương án giao đất và nhận lại khu đất khác cũng kém màu mỡ.

Hơn 30 hộ dân khác cũng lâm vào cảnh dở khóc dở cười khi được biết, khoảng 8ha đất canh tác khác bị ô nhiễm nặng cũng sẽ được bóc gỡ lớp bề mặt bị nhiễm than nặng để cải tạo ruộng đồng. Được biết, kinh phí để khắc phục hậu quả ô nhiễm than trên các cánh đồng ở xã Đại Hưng, doanh nghiệp chỉ bỏ ra một phần nhỏ. Phần còn lại dự kiến 3,7 tỷ đồng sẽ lấy từ ngân sách huyện Đại Lộc 2,2 tỷ và 1,5 tỷ đồng sẽ lấy từ việc bán đất cho đơn vị sản xuất gạch.  

Nhưng theo các lão nông ở địa phương, với một vùng bán sơn địa như Đại Hưng, lớp đất màu mỡ có thể trồng lúa trên các cánh đồng vốn rất mỏng. Nay bị chai cứng do ô nhiễm, nếu bóc gỡ đi, lộ ra lớp đất sét núi bên dưới thì cây lúa cũng không thể phát triển được.

Như vậy, hàng tỷ đồng đầu tư cho việc cải tạo đất có nguy cơ bị "ném qua cửa sổ", trong khi đời sống của hàng chục hộ nông dân bị ảnh hưởng bởi nạn ô nhiễm môi trường do khai thác than vẫn chưa được quan tâm hỗ trợ thỏa đáng. Đồng thời, "nỗ lực" này không thể tạo sự đột biến trong việc bảo vệ các cánh đồng, bởi hằng ngày, các đơn vị khai thác than vẫn tiếp tục gây ô nhiễm

Thân Lai
.
.
.