Động đất ở Sơn La không phải do thuỷ điện

Chủ Nhật, 20/07/2014, 17:17
Phó Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần bác bỏ thông tin lo ngại rằng, những trận động đất liên tiếp trên có mối liên hệ với thuỷ điện Sơn La. “Đây đều là những trận động đất có nguồn gốc kiến tạo, không phải là động đất kích thích giống như thuỷ điện Sông Tranh 2”…

Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lí địa cầu - Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam) cho biết, trong ngày 19/7, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã liên tiếp xảy ra 3 trận động đất nhỏ.

Cụ thể, vào hồi 19h14’57”, một trận động đất có độ lớn 4,3 độ richter đã xảy ra tại vị trí có tọa độ 21,605 độ vĩ  Bắc, 103,985 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,5 km. Chỉ ít phút sau, vào hồi 20h23’46”, một trận động đất có độ lớn 3,2 độ richter lại xảy ra tại vị trí có tọa độ 21,591 độ vĩ  Bắc, 104,021 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8 km. Chưa dừng lại ở đó, vào hồi 21h42’16”, một trận động đất có độ lớn 3,5 độ richter tiếp tục xảy ra tại vị trí có tọa độ 21,616 độ vĩ  Bắc, 103,985 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 7 km. Cả 3 trận động đất trên đều xảy ra tại khu vực huyện Mường La, tỉnh Sơn La.

Cả 3 trận động đất đều phát sinh trên đới đứt gãy Mường La - Bắc Yên.

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương - Phó Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cho biết, các trân động đất trên đều phát sinh trên đới đứt gãy hoạt động có tên gọi Mường La - Bắc Yên. Đới đứt gãy này đã được các nhà địa chấn vạch ra trong danh sách các nguồn phát sinh động đất. Vì thế, cả 3 trận động đất này hoàn toàn nằm trong quy luật hoạt động động đất trên lãnh thổ miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, điều đặc biệt của chuỗi động đất này là có độ lớn trung bình (4,3 độ richter), độ sâu không lớn (8,5km) cho nên có thể gây ra cường độ chấn động cấp 6 trên bề mặt trong khu vực bán kính 30km. Khi đó, động đất có thể gây ra rung lắc, tiếng nổ, thiệt hại nhỏ về vật chất, tuy nhiên không có khả năng gây sát thương về người. Hơn nữa, chấn động của động đất có thể lan truyền từ Sơn La về Hà Nội. Ở Hà Nội, nhiều gia đình sống trên các toà nhà cao tầng có thể cảm nhận được rõ ràng những rung lắc.

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương cũng bác bỏ thông tin lo ngại rằng, những trận động đất liên tiếp trên có mối liên hệ với thuỷ điện Sơn La. “Đây đều là những trận động đất có nguồn gốc kiến tạo, không phải là động đất kích thích giống như thuỷ điện Sông Tranh 2” - vị chuyên gia này khẳng định. Nói về khả năng xuất hiện động đất cực đại tại Sơn La, PGS.TS Phương cho rằng, đến nay trận động đất lớn nhất ghi nhận được xảy ra tại Tuần Giáo năm 1983 có độ lớn 6,8 độ richter. Tuy nhiên, đó là trận động đất phát sinh trên đới đứt gãy Sơn La, là đới đứt gãy dài hơn, sâu hơn, có khả năng phát sinh động đất mạnh hơn so với đới đứt gãy Mường La - Bắc Yên, vốn chỉ có thể phát sinh động đất nhỏ và trung bình. Dù vậy, 6,8 độ richter đã được coi là động đất mạnh. Cùng độ lớn này, động đất ở Kobe đã làm 4400 người chết, thiệt hại hơn 100 tỉ USD.

“Mạng lưới trạm quan trắc động đất quốc gia trải khắp đất nước và được bố trí khá dày đặc ở miền Bắc Việt Nam. Hiện tại đã có một loạt trạm ghi địa chấn ở Sơn La, Điện Biên, Lai Châu… có thể chuyển số liệu nhanh chóng về Viện Vật lí địa cầu, phục vụ yêu cầu thông báo, cảnh báo” - PGS.TS Phương nói thêm

Khánh Vy
.
.
.