Đồng bằng sông Cửu Long cần liên kết để phát triển

Thứ Năm, 01/08/2013, 20:26
ĐBSCL có lợi thế rất lớn về sản xuất lúa gạo, nông thủy sản. Tuy nhiên, tình trạng được mùa, mất giá lại xảy ra thường xuyên. Trong đó, một trong những mấu chốt được xác định là việc liên kết chưa chặt chẽ nên xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, làm triệt tiêu tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của toàn vùng. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh liên kết và tìm tiếng nói chung để phát triển đi lên là đòi hỏi bức bách nhất của vùng đồng bằng châu thổ này.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông, liên kết vùng tại khu vực ĐBSCL không chỉ hạn chế cạnh tranh không lành mạnh mà còn góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực sẵn, đảm bảo sự quản lý thống nhất toàn vùng đồng bộ và hiệu quả.

Hình thức liên kết sẽ được triển khai theo 2 hướng là liên kết bắt buộc và liên kết tự nguyện theo phương thức liên kết nội vùng bao gồm các địa phương như: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và TP Cần Thơ liên kết với nhau; liên kết ngoài vùng bao gồm toàn vùng ĐBSCL liên kết với TP HCM, vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nguyên và các vùng khác trong cả nước.

Về hình thức liên kết bắt buộc, sẽ tập trung vào các lĩnh vực như lập quy hoạch và thực hiện các đề án, dự án theo từng lĩnh vực liên kết phù hợp với quy định, ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn huy động khác. Đầu tư xây dựng cơ bản như hạ tầng giao thông, liên kết sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, liên kết đào tạo nguồn nhân lực, giáo dục, y tế, môi trường…

Liên kết tự nguyện sẽ tạo liên kết thị trường thống nhất từ khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu cho các mặt hàng lúa gạo, nông sản và thủy hải sản. Bên cạnh đó, thiết lập hệ thống thông tin và cung cấp thông tin vùng, tạo thành một hệ thống thông tin nhanh, kịp thời, chính xác. Kết nối các địa phương hợp tác khai thác những tiềm năng về du lịch, dịch vụ…

Là mặt hàng hàng xuất khẩu chủ lực của ĐBSCL, nhưng con cá tra vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương.

Trong hội nghị về quy chế liên kết vùng ĐBSCL giai đoạn 2013-2020 được tổ chức tại TP Cần Thơ vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, ĐBSCL triển khai rất nhiều chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước; nghị quyết của Chính phủ... cơ bản thực hiện được nhiệm vụ chiến lược đặt ra theo yêu cầu của liên kết vùng.

Tuy nhiên, qua thời gian triển khai thực hiện trong các thời kỳ cho thấy tiềm năng lợi thế tuy đã được phát huy, đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng vẫn còn những lợi thế chưa phát huy hết; tăng trưởng tương đối cao nhưng chưa bền vững; chất lượng an sinh xã hội trong vùng chưa được như mong muốn; sản xuất lúa gạo, nông sản, thủy hải sản, cây trái lớn nhưng vẫn còn tình trạng “được mùa rớt giá”; sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ vẫn còn nhiều tồn tại chưa phát huy hết tiềm năng của vùng; trong phát triển chung chưa có sự phối hợp toàn vùng, có nơi có lúc đã triệt tiêu các lợi thế. Vì vậy, cần đặt ra vấn đề liên kết vùng và trong liên kết vùng có những nội dung, cần có quy định của Chính phủ, để thực hiện thống nhất từ trên xuống, tạo điều kiện cho các địa phương phát triển…  

Hiện ĐBSCL có lợi thế về sản xuất lúa gạo, nông thủy sản rất lớn nhưng hiện vẫn còn tình trạng được mùa mất giá. Việc sản xuất lớn, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất vẫn còn hạn chế, nên chưa phát huy được những lợi thế phát triển kinh tế của vùng. Bên cạnh đó, vấn đề quy hoạch, liên kết vùng hiện vẫn còn hạn chế, tính liên kết hiện nay vẫn chưa tốt, làm cho lợi thế mất đi. Liên kết vùng sẽ giúp vùng ĐBSCL khai thác tiềm năng, thế mạnh của toàn vùng, nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực có sẵn. Từ đó, toàn vùng ĐBSCL sẽ trở thành một thể thống nhất hướng đến liên kết phát triển với TP HCM, vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nguyên và các vùng khác trong cả nước…

Liên kết giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL còn có một ý nghĩa quan trọng nhằm xây dựng ĐBSCL thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hiện đại, công nghiệp, dịch vụ. Từ đó, kinh tế vùng ĐBSCL sẽ sẽ phát triển nhanh, có tốc độ tăng trưởng cao, ổn định, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của cả nước. Đặc biệt, liên kết vùng ĐBSCL trên cơ sở lấy thế mạnh bù thế yếu và hướng đến tối đa hóa lợi ích của vùng, từ đó sẽ giúp vùng ĐBSCL hạn chế cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương trong vùng

Văn Đức
.
.
.