Đồng bằng sông Cửu Long: Nhiều việc trước mùa lũ

Thứ Năm, 22/09/2005, 07:42

Báo cáo của 3 tỉnh "rốn lũ" Đồng Tháp, Long An, An Giang: 39 cụm (trên tổng số 173 cụm tuyến dân cư (CTDC), đã tôn nền xong) xong phần đường, cống thoát nước; 59 cụm có điện; 23 cụm có nước sinh hoạt và cả vùng mới có 51 CTDC có nước sạch.

Chưa vào chính vụ, nhưng nước lũ tại miền Tây mấy ngày qua đã làm hàng chục người chết, hàng ngàn hộ dân lao đao phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn. Người miền Tây vốn có kinh nghiệm "sống chung với lũ" nhưng khi nghe số liệu thiệt hại do lũ gây ra trong 10 năm qua là:  9.080 tỷ đồng, 1.564 người chết… ai cũng giật mình.

Cụm dân cư (CDC) xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) nằm cặp quốc lộ 30, cặp rạch Bà Dư, rất tiện lợi cho công việc san lấp mặt bằng, cũng như thi công các hạng mục kế tiếp. Tuy nhiên, đến nay CDC 143 nền này vẫn hết sức ngổn ngang. Dẫu vậy, nếu nói về tiến độ thì CDC này vẫn khá hơn rất nhiều so với hàng trăm CTDC khác của các tỉnh vùng lũ ở miền Tây này.

Cho đến thời điểm này, vẫn có không ít CTDC còn nằm trên giấy hoặc chưa có hình hài. Ban chỉ đạo xây dựng CTDC và nhà ở tỉnh An Giang thừa nhận: Còn đến 32 CTDC chưa hoàn thành việc san lấp mặt bằng! Tại hàng trăm CTDC đã bố trí dân vào ở thì cũng có rất nhiều bất cập, nhất là chuyện thiếu điện, cấp, thoát nước, đường giao thông... Vấn đề ô nhiễm môi trường ở các CTDC cũng đang là chuyện bức xúc.

Tuổi trẻ Đồng Tháp tham gia xây dựng cụm, tuyến dân cư tại xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh.

Chuyện bình xét cho hộ dân CTDC cũng lắm điều cần bàn. Chẳng hạn như Long An - nơi có tỷ lệ dân nhập cư khá đông nhưng có thời gian chỉ cho gia đình nghèo vùng bị ngập lũ và phải là dân địa phương vào. Việc xét tuyển vào CTDC nhiều nơi được thực hiện hết sức chậm chạp. Tại CTDC ấp 3, xã Phú Hội, huyện An Phú (An Giang) dài khoảng 1,6 km, dự kiến bố trí 225 hộ nhưng hiện tại, mới được chính quyền địa phương duyệt vào ở hơn chục hộ.

Công tác tuyên truyền để làm thay đổi thói quen sống, sản xuất của người dân chưa được thực hiện đúng mức. "Quên" đi sự an toàn cho tính mạng mình và gia đình, nhiều người vẫn băn khoăn: "Buộc chúng tôi vào ở xa ruộng 5 - 7 cây số làm sao chúng tôi sống nổi!". Tuy nhiên, cũng có lúc sự băn khoăn này đúng vì chính quyền địa phương chọn điểm xây dựng CTDC không phù hợp.

"Chạy nước rút" rồi nhưng vẫn không kịp!

Sau hơn 3 năm thực hiện chương trình xây dựng CTDC vùng ngập lũ, đến thời điểm trung tuần tháng 9/2005, tại 8 tỉnh, thành vùng lũ miền Tây đã triển khai tôn nền 728/744 CTDC và 51/51 bờ bao khu vực dân cư có sẵn. Trong đó đã hoàn thành 651 CTDC và 50 bờ bao. Hiện tại chưa có tỉnh nào hoàn thành dứt điểm công tác tôn nền và chỉ mới hoàn thành khoảng 40% khối lượng công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu; 41.308 căn nhà đã hoàn thành trên tổng số 150.000 căn nhà phải xây dựng và mới có 38.961 hộ dân vào sống ổn định.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tấn Vạn, vấn đề vốn giải ngân chậm không hẳn dẫn đến tiến độ thi công các CTDC chậm. Theo ông Vạn, những CTDC chưa có phương án đền bù, giải phóng mặt bằng nếu áp dụng theo Luật Đất đai và Nghị định 181 sẽ không còn khả năng bổ sung vốn để đền bù nữa, bởi kinh phí sẽ rất lớn. Và số lượng CTDC hiện tại đã vượt số lượng được duyệt của Chính phủ. Nếu tỉnh nào làm vượt hơn vốn của Trung ương cấp, phải tự cân đối; hoặc dùng số lượng vốn bán 30% nền sinh lợi được cho phép để bổ sung vốn.

Đến tháng 10/2005 sẽ dừng thi công những CTDC không khả thi (không thu hút được dân vào ở). Vào cuối tháng 10 tới, các tỉnh cần hoàn thành tôn nền số CTDC còn lại; đưa cho được 70% (trên 150.000 hộ) hộ dân vùng lũ vào ở trong các CTDC. Đến cuối năm 2005, phải hoàn thành cơ bản hạ tầng kỹ thuật các CTDC và hoàn thành toàn bộ vào năm 2006 như chỉ đạo của Thủ tướng. Sau khi hoàn thành chương trình xây dựng CTDC và nhà ở vùng thường xuyên ngập lũ ĐBSCL, cần có chương trình "hậu dân cư vượt lũ" để cải thiện và nâng cao đời sống cho nhân dân

Thái Bình
.
.
.