Đồng Tháp: Cảnh báo tình trạng tai nạn lao động

Chủ Nhật, 10/08/2014, 14:45
Từ năm 2013 đến tháng 7 năm 2014, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp xảy ra 12 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), làm chết 10 người, 7 người bị thương. Trong đó, riêng 7 tháng đầu năm (tăng 3 vụ so với cùng kỳ năm 2013).Qua phân tích các vụ TNLĐ, nhiều cái chết xuất phát từ chỗ cơ sở sử dụng lao động (LĐ) không đảm bảo điều kiện làm việc an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ).

Vụ TNLĐ mới nhất xảy ra tại Công ty CP Vạn Ý (thành viên Công ty TNHH Hùng Cá, thuộc Cụm công nghiệp Bình Thành, huyện Thanh Bình), khiến 2 công nhân bị thương. Trong đó, công nhân Mai Thanh Sang, người bị kẹt trong kho cấp đông 4 ngày liền. Trước đó, cuối năm 2013, tại Công ty CP Thức ăn thủy sản Hùng Cá (Cụm công nghiệp Bình Thành) cũng xảy ra vụ TNLĐ chết người. Anh Phạm Thanh Tòng (29 tuổi, nhân viên bảo trì của công ty) do sơ suất đã rơi vào bồn sàng lọc đang vận hành dẫn đến tử vong.

Đáng báo động, tại huyện Lấp Vò, địa phương 3 năm liền xảy ra TNLĐ chết người. Đặc biệt, là vụ tai nạn lao động xảy ra tại Nhà máyTinh luyện dầu thuộc Công ty I.D.I (xã Bình Thành) vào năm 2013, làm chết 6 người,chiếm 66,67% tổng số người chết toàn tỉnh. Ông Nguyễn Văn Trung, Chánh thanh tra Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: “Phân tích từ các biên bản TNLĐ thời gian qua cho thấy, nguyên nhân xảy ra các vụ TNLĐ được chia đều 50-50 cho người sử dụng lao động và người lao động”.

Trong đó, nhiều cái chết xuất phát từ chỗ người sử dụng lao động không đảm bảo điều kiện làm việc ATVSLĐ. Điển hình là cái chết của anh Lê Chí Thanh, công nhân tại cơ sở sản xuất củi trấu ép tại hộ kinh doanh Lưu Kim Hồng (xã Long Thắng, huyện Lai Vung). Ngày 24/3, trong lúc làm việc, anh Thanh chạm vào khung sắt có lắp mô-tơ và bị điện giật tử vong. 1 tháng sau, vào ngày 23/4, tại công trình Công ty CP Dịch vụ Viễn thông Mê Kông (TP Sa Đéc) cũng xảy ra TNLĐ chết người.

Công nhân Mai Thanh Sang sống sót một cách “thần kỳ” sau hơn 4 ngày mắc kẹt trong kho cấp đông khi xảy ra vụ tai nạn tại Công ty CP Vạn Ý.

Theo ông Trung nếu căn cứ vào 2 nguyên nhân cơ bản từ người sử dụng lao động là: không đảm bảo điều kiện ATLĐ, VSLĐ tại nơi làm việc và không huấn luyện ATLĐ cho người lao động thì thực chất nguyên nhân do người lao động cũng chỉ là sự bị động tất yếu. Bởi một khi không được tổ chức huấn luyện, người lao động không thể thực hiện đúng quy trình vận hành an toàn máy móc… Kết quả xác minh của Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Tháp cho thấy, vụ TNLĐ chết người tại Công ty CP Thức ăn thuỷ sản Hùng Cá vào năm 2013, được xác định là do Công ty không kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, có hại nơi làm việc.

Ông Trung cũng cho biết thêm, điều đáng lo là việc chấp hành đưa người lao động đi huấn luyện ATVSLĐ đang ở tình trạng báo động. Hầu hết các cơ sở nhỏ lẻ thì chỉ hưởng ứng mang tính đối phó. Trong khi đó, chỉ có khoảng 70-80% các doanh nghiệp có quy mô lớn thực hiện, nhưng lại thiếu đồng bộ. Trong vụ TNLĐ xảy ra tại Nhà máyTinh luyện dầu thuộc Công ty I.D.I, làm 6 người tử vong, lực lượng chức năng phát hiện có ít nhất 2 công nhân chưa qua huấn luyện ATVSLĐ. Nên khi xảy ra tai nạn lao động, những người có mặt tại hiện trường đã không biết cách xử lý tình huống, dẫn đến sự cố tai nạn chết người “dây chuyền”.

“Hiện nay là các cơ sở nhỏ lẻ, ví dụ như chỗ xây dựng vài lao động. Những người này được mời lên huấn luyện lao động, thậm chí cấp tiền hỗ trợ đi học nhưng họ vẫn không đi. Trong khi đó, khi xảy ra tai nạn, mức chế tài, xử phạt hành chính còn thấp”, ông Nguyễn Văn Trung, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Tháp chia sẻ. Ví dụ, với hàng loạt sai phạm của Công ty CP Thức ăn thuỷ sản Hùng Cá, làm chết người vào năm 2013, nhưng Thanh tra Sở LĐ-TB-XH Đồng Tháp cũng chỉ ra quyết định phạt tối đa là 7 triệu đồng

Văn Vĩnh
.
.
.