Đông Hà, Quảng Trị: Đằng sau chuyện đô thị loại 3

Thứ Năm, 22/12/2005, 08:44

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đặt mục tiêu phấn đấu là đến năm 2007, thị xã Đông Hà được công nhận đô thị loại 3. Tháng 12/2005, mục tiêu đó đã trở thành hiện thực. Nhưng để tương xứng với tầm vóc của một đô thị loại 3 lại còn không ít chuyện phải bàn…

Trên hành trình thiên lý Bắc - Nam, đoạn Bắc cầu Đông Hà, bạn có thể nhìn một cách bao quát hình ảnh của một đô thị được xem là sầm uất nhất của tỉnh Quảng Trị. Đó là hình ảnh của một khu chợ đông đúc người, bưu điện cao tầng và bến xe, nhà ga nườm nượp người qua lại…

Tuy nhiên, những hình ảnh đẹp đó thường trở nên mờ nhạt, bởi ngay trước mắt người xem có không ít "cảnh tượng buồn" ở Bắc cầu (hướng Bắc - Nam), hướng tay phải là nơi ở của người dân vạn đò. Tại đây, những con người nghèo khó đã "mượn" tạm bờ sông, dựng lên đó những ngôi nhà xập xệ bằng tranh - tre - nilon không đủ che mưa nắng để làm nơi trú ẩn. Còn hướng tay trái là dãy nhà tranh, ngói thấp lè tè của bà con nông dân…

Các "cảnh tượng buồn" rõ hơn là khu vực bến sông sát chợ Đông Hà. Các thứ phế thải từ chợ ngày nào cũng ngồn ngộn đổ ra sông, làm nước sông trở nên đục đen, hôi thối. Cách cầu Đông Hà vài trăm mét là bến xe. Các loại xe chở hàng, hành khách từ khắp nơi trước khi vào bến đã "đổ" xuống QL1A qua trung tâm thị xã vô vàn bùn, đất, bụi bặm…

Hệ thống thoát nước… oái oăm

Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa thì không ít khu dân cư ở thị xã Đông Hà ngập nước. Lý do thì nhiều, nhưng có một thực tế buồn là vì một số kênh mương thoát nước ở đây được xây dựng theo kiểu chứa nước hơn là thoát nước(!). Số kênh mương khác khác do việc xây dựng chưa được đảm bảo và hoàn chỉnh nên mỗi khi mưa lũ lớn, kênh thoát nước bị vỡ, đất, đá, rác thải theo đó tràn ra đường. Những con đường thảm nhựa vì vậy cũng đã bị xói mòn, xuống cấp và hư hỏng một cách nhanh chóng.

Hơn thế nữa, các ngành chức năng cũng không mấy chú trọng đến công tác quản lý hệ thống thoát nước. Cụ thể, tuyến kênh chảy qua địa bàn 2 phường 1 và 5 đổ về phường Đông Lễ nhiều năm nay bị hàng trăm hộ dân lấn chiếm lòng kênh, xây dựng nhiều công trình kiên cố như nhà ở, công trình vệ sinh, lò giết mổ gia súc, gia cầm… làm cho lòng kênh bị thu hẹp dần.

Những con đường "ngủ quên"

15 năm nay, người dân ở khu phố 8, phường 1 (thị xã Đông Hà) thường thấy nhân viên của Công ty Công trình đô thị mang máy móc đến ngắm, đo vẽ, dịch chuyển vị trí cột mốc đường Lê Lợi (dài gần 500m, rộng 15m, qua khu phố 8, phường 1, nối với QL9B và đường Ngô Quyền), nhưng mãi đến tận bây giờ, hiện trạng con đường vẫn như cũ(!). Năm 2004, lãnh đạo thị xã Đông Hà đã thêm một lần nữa cử cán bộ đến kiểm tra, cắm biển… và cho công nhân lắp đặt ống thoát nước. Tuy nhiên, mỗi khi trời mưa to, nước từ cống rãnh lại tràn ra đường, biến con đường thành con mương.

Đường Lê Hồng Phong qua địa bàn khu phố 3, phường 5, thị xã Đông Hà, nối với 2 tuyến đường Tôn Thất Thuyết và Hùng Vương được ngành GTVT quy hoạch cách nay 15 năm, nhưng đến nay con đường vẫn… "ngủ quên" với ngút ngàn cỏ dại và rác thải...

Theo thống kê mới đây của ngành GTVT Quảng Trị, trong số 41 tuyến đường dài gần 37km của thị xã Đông Hà do tỉnh quản lý thì có đến 8km đường đất, và chỉ có 4 tuyến đường có rãnh thoát nước, 10 tuyến đường có hệ thống điện chiếu sáng, còn 70 tuyến đường có tổng chiều dài gần 60km, do thị xã quản lý thì chỉ có 8 tuyến đường thảm nhựa, 3 tuyến đường có rãnh thoát nước và 2 tuyến đường có điện chiếu sáng. Từ những con số như thế, chẳng biết Đông Hà phù hợp với đô thị loại nào trong bảng xếp hạng(?!)

Phan Thanh Bình
.
.
.