Đơn giản hóa thủ tục xử lý vi phạm hành chính

Thứ Sáu, 19/12/2008, 15:44
Về việc áp dụng thủ tục xử phạt đơn giản theo Điều 54 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt không lập biên bản mà ra quyết định xử phạt tại chỗ, trừ trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 128/2008/NĐ-CP ngày 16/12 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh XLVPHC năm 2008 về một số nguyên tắc chung trong XLVPHC, hình thức xử phạt, biện pháp XLVPHC khác, thẩm quyền, thủ tục và việc áp dụng một số biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc XLVPHC.

Quy định chi tiết về các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm XLVPHC, Nghị định bổ sung quy định về trường hợp khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện VPHC là nơi ở. Trong trường hợp này, người có thẩm quyền chỉ được tiến hành khám sau khi đã có sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch UBND cấp huyện nơi có tang vật, phương tiện được cất giấu.

Nơi ở được hiểu là địa điểm dùng để cư trú thường xuyên cho cá nhân hoặc hộ gia đình có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú; có đăng ký phương tiện, nếu phương tiện là nơi cư trú thường xuyên của cá nhân, hộ gia đình.

Về thủ tục bảo lãnh hành chính, Nghị định quy định chi tiết hơn về thời hạn bảo lãnh. Theo đó, thời hạn bảo lãnh hành chính do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định, tối đa không quá 35 ngày đối với trường hợp người được bảo lãnh thuộc đối tượng đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh và tối đa không quá 50 ngày đối với trường hợp đưa vào cơ sở giáo dục.

Về việc áp dụng thủ tục xử phạt đơn giản theo Điều 54 của Pháp lệnh, người có thẩm quyền xử phạt không lập biên bản về VPHC mà ra quyết định xử phạt tại chỗ, trừ trường hợp VPHC được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. Có 2 trường hợp được tiến hành xử phạt theo thủ tục đơn giản gồm: Trường hợp hành vi VPHC bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10.000 đồng đến 200.000 đồng và trường hợp nhiều hành vi VPHC do một người thực hiện mà hình thức xử phạt đối với mỗi hành vi này đều là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10.000 đồng đến 200.000 đồng.

Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể nộp tiền phạt tại chỗ cho người có thẩm quyền xử phạt và được nhận biên lai thu tiền phạt do Bộ Tài chính phát hành. Trong trường hợp không nộp tiền phạt tại chỗ, cá nhân, tổ chức vi phạm nộp tiền phạt tại  Kho bạc Nhà nước trong thời hạn quy định.

Trong trường hợp sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (như camera, máy đo tốc độ bằng hình ảnh...) để phát hiện hành vi VPHC trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thì biên bản VPHC phải có nội dung về phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng và hình ảnh, bản ghi, dấu vết ghi thu được, các tình tiết và chứng cứ khác (nếu có).

Nghị định nêu rõ, người có thẩm quyền xử phạt hành chính lạm dụng chức vụ, quyền hạn, sách nhiễu, dung túng, bao che, không xử lý hoặc xử lý không nghiêm minh; thiếu trách nhiệm để quá thời hiệu xử phạt VPHC; không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm XLVPHC... nếu chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức

Theo Website Chính phủ
.
.
.