Đội xe ôm miễn phí cho các thí sinh ngoại tỉnh

Thứ Tư, 20/06/2007, 19:30

5h sáng có mặt ở Bến xe Gia Lâm, vừa gặm bánh mỳ chay, vừa theo dõi những chuyến xe khách từ các tỉnh vào bến. "Đội tình nguyện chở những ước mơ" của quận đoàn Long Biên, Hà Nội bắt đầu một ngày làm việc trong mùa thi như thế.

Nguyễn Hoài Thương, 28 tuổi, phường Bồ Đề, nhớ lại: Ý tưởng lập một đội xe ôm tình nguyện ra đời hết sức tình cờ. Hôm đó, Thương và một bạn đoàn viên đang có mặt ở Bến xe Gia Lâm làm công tác phân luồng cùng với CSGT mùa thi 2005.

Ý tưởng từ một tấm lòng trắc ẩn

Chúng kiến cảnh rất nhiều sỹ tử nhào ra khỏi xe là nôn thốc nôn tháo, ngồi một góc, không thở được, trong khi những vị phụ huynh đi cùng thì nét mặt đầy lo âu ngồi ôm con, ngơ ngác giữa dòng người xa lạ, thảng thốt chối từ lời mời của những người hành nghề xe ôm tại bến xe.

Cảm thấy lo lắng, Thương liền chạy lại hỏi thăm, được biết, hai bố con sỹ tử nọ quê ở tận Cao Bằng, lần đầu tiên xuống Hà Nội, con thì say xe, bố thì lúng túng không biết đường đi về phố Hoàng Quốc Việt là nơi có địa chỉ trường ghi trong giấy báo thi.

Giữa nơi đất khách quê người, được một màu áo xanh tình nguyện hỏi han, bác phụ huynh như người chết đuối vớ được cọc, rối rít hỏi thăm đường và phương tiện đi đến điểm thi.

Thương được biết, với số tiền ít ỏi họ mang theo, chi phí cho hai bố con đổi 3 chặng xe buýt cũng ngốn gần 20.000 đồng, còn nếu đi xe ôm, số tiền này tối thiểu cũng bị thu gấp đôi.

Sau một chút ngần ngừ, Thương đã đề nghị 2 người bạn cùng đoàn chở hai bố con sỹ tử nọ từ Bến xe Gia Lâm về đường Hoàng Quốc Việt. Khi cuộc hành trình tới đích, ngoài lời cảm ơn, vị phụ huynh còn trả cho hai bạn đoàn viên 30.000 đồng và bắt buộc phải nhận.

Từ chối mãi không được, bạn đoàn viên nọ đành phải gọi điện về xin ý kiến Thương. Và cô Bí thư Đoàn phường Bồ Đề yêu cầu các bạn của mình nhận 10.000 đồng tiền xăng xe để làm vui lòng khách.

Từ câu chuyện tình cờ như thế, nhất là khi nhận được điện thoại cảm ơn rối rít của bố con sỹ tử nọ, Thương liền mang ý tưởng thành lập đội ngũ xe ôm tiếp sức mùa thi lên Ban Chấp hành Quận đoàn Long Biên và được chấp nhận. Thế là đội ngũ xe ôm tiếp sức mùa thi ra đời.

Nguyên tắc hoạt động của đội là không lấy tiền trong vòng 3km, nếu đi xa hơn thì chỉ lấy đủ tiền xăng. Nhưng rồi, khoảng cách miễn phí 3km ấy cứ kéo dài, kéo dài đến tận 7km. Thời gian đầu, đội hoạt động hết sức khó khăn. 

Đồng chí Đặng Đức Cường, Phó Bí thư Quận đoàn Long Biên nhớ lại: Cũng may mà đội xe ôm tình nguyện đều nhận được rất nhiều sự đồng tình từ phía lực lượng Công an, CSGT.

BCH Quận đoàn đã đặt vấn đề với Công an phường Gia Thụy, cùng với các đồng chí Công an đến đặt vấn đề với đội ngũ xe ôm ở Bến xe Gia Lâm để họ ủng hộ. Những người chạy xe ôm ở đây cũng hiểu nên họ hầu như không làm khó dễ cho các bạn đoàn viên tình nguyện nữa…

Mùa thi 2007: Sẽ có xe ôm miễn phí 100%

17 đoàn viên của Quận đoàn được "biên chế" vào đội ngũ xe ôm mùa thi nhưng chỉ có 5 chiếc xe để thay phiên nhau lưu động. Ngoài làm xe ôm nghiệp dư, các bạn đoàn viên này còn kiêm luôn cả vai trò giới thiệu phòng trọ cho sỹ tử.

Là dân bản xứ, biết trên địa bàn phường mình có nhà trọ cho thuê, các bạn đã kiêm luôn công tác tư vấn cho các sỹ tử, sẵn sàng thay mặt họ đứng ra cò kè giá với chủ nhà.

Nhờ sự giúp đỡ vô tư này, nhiều sỹ tử đã sớm ổn định được cuộc sống của mình trong mấy ngày thi với chi phí thấp nhất có thể. Bây giờ, mùa thi 2007 chưa đến nhưng trong tay Thương đã có tới hơn 300 địa chỉ trọ giá rẻ trên địa bàn quận Long Biên.

Từ mô hình đội xe ôm tình nguyện của quận Long Biên, Quận đoàn đã thống nhất đặt cho tên gọi là "Đội tình nguyện chở những ước mơ". Và bắt đầu từ mùa thi năm 2007, Thành đoàn Hà Nội đang dự định sẽ hỗ trợ kinh phí cho mỗi xe một ngày 50.000 đồng, ngoài ra còn trang bị áo, mũ tai bèo…

Anh Cường cho biết: Nếu được Thành đoàn ủng hộ, công việc quan trọng nhất là anh muốn được hợp tác với đoàn quận của cả thành phố, kết hợp trong việc tìm đường, tìm chỗ trọ… Nếu được như trên, công việc của "Đội tình nguyện chở những ước mơ" sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

Với các bạn sỹ tử ở xa về Hà Nội, chỉ cần nhìn thấy màu áo xanh tình nguyện ở Bến xe Gia Lâm sẽ tìm thấy niềm tin cậy. Mong rằng mô hình này sớm được nhân rộng không chỉ ở Bến xe Gia Lâm mà ở nhiều bến xe khác trên địa bàn Hà Nội

Lệ Thúy - Ngọc Yến
.
.
.