“Đời tôi như một giấc mơ”

Thứ Hai, 08/06/2009, 18:41
Anh Nguyễn Thanh Phúc đã thốt lên tự đáy lòng mình như vậy khi tâm sự cùng tôi. Chúng tôi đã ngồi bên nhau suốt một buổi chiều mưa xối xả để nghe anh, một người đàn ông mù hai mắt đã từng bi quan chán nản đến cùng cực, từng tìm tới cái chết để kết thúc cuộc đời mình.

Giờ đây, anh yêu cuộc sống thiết tha, yêu cái gia đình bé nhỏ mà hạnh phúc. Đặc biệt, anh quá yêu cái tổ ấm ở 116 đường Nhân Hòa - Nhân Chính (Hà Nội) là Hội người mù quận Thanh Xuân. Nơi cho anh niềm tin vào cuộc sống, nơi chia sẻ mọi nỗi u sầu với những người đồng cảnh ngộ, vươn tới những ước mơ và hạnh phúc.

Chú bé mồ côi tật nguyền

Kể lại tuổi thơ, những năm tháng đau khổ nhất của cuộc đời, giọng anh như nghẹn lại. Ngày ấy, Phúc đang sống trong một gia đình hạnh phúc giữa lòng Hà Nội thì bất hạnh ập đến, bố chết vì bạo bệnh.

Thế rồi, trong một lần chơi khăng với bạn, Phúc bị khăng văng vào mắt, chạy chữa bao ngày nhưng cũng không mang lại hy vọng, bóng tối đã kéo về phủ kín cuộc đời cậu bé vừa mới chập chững cắp sách đến trường.

Vì quá đau buồn, ít năm sau người mẹ cũng qua đời, bỏ lại hai con nhỏ bơ vơ giữa Hà thành náo nhiệt. Phúc được đưa vào trại trẻ mồ côi từ ngày ấy. Cuộc đời tăm tối mù mịt của một cậu bé mù chẳng còn gì ý nghĩa, chẳng có tương lai, sống cũng chỉ như cái bóng của đời (Phúc nghĩ vậy).

Đã không ít lần Phúc định tìm đến cái chết. Biết được nỗi buồn, cô đơn của Phúc, những người cùng cảnh ngộ và Ban Giám đốc Trại trẻ mồ côi thường xuyên gần gũi, động viên Phúc. Phúc được bác Lê Hồng Thủy là thương binh hỏng mắt dạy chữ nổi, biết chữ, Phúc như được tiếp thêm nghị lực sống. Ngày ngày từ trại trẻ mồ côi Hà Đông, Phúc dò dẫm ra tận Bờ Hồ để học. Bụng đói meo nhưng lại no con chữ nên Phúc quên hết mọi nỗi nhọc nhằn. Biết chữ, học nghề, Phúc thấy mến yêu cuộc đời này biết mấy.

Từ học nghề cuốn biến thế đến làm ở Xí nghiệp Cao su 3-2 ở Hội Người mù Hà Nội. Người sáng mắt học đã vất vả, người khiếm thị như Phúc thì cơ cực biết nhường nào. Không ít lần cầm búa gõ tấm tôn cho phẳng, Phúc đã nện ngay vào tay mình chảy máu. Kiếm được đồng tiền để nuôi sống bản thân với những người tàn tật như Phúc thật chẳng dễ dàng gì.

Có lần trong xưởng chế biến cao su, tay quờ quạng, Phúc làm đổ chai xăng, bén lửa gây cháy kinh hoàng. May mà lần ấy xe cứu hỏa đã tới kịp, không thì cũng… cháy luôn cả người.

Nhờ sự khéo léo và sức vươn lên mạnh mẽ, Phúc đã tự lao động nuôi sống được bản thân. Khéo tay, hay làm lại tốt tính nên có nhiều cô gái đã mang lòng yêu thương anh. Nhưng cứ tới hồi "chung kết" để chàng tới nhà nàng ra mắt thì lại… hỏng. Phúc buồn bã: "Chẳng có ông bố bà mẹ nào lại đồng ý gả con gái cho một gã mù như tôi". Nhiều mối tình nát tan khiến Phúc như người rơi xuống vực thẳm. Anh buồn tê tái và tuyệt vọng thu mình sống trong bóng tối.

Tìm về ngôi nhà hạnh phúc

Có một người con gái cùng cảnh ngộ hiểu được nỗi tuyệt vọng của anh, cô đã cố gắng mang lại niềm hy vọng sống cho người bạn mình bằng cách, về quê ở huyện Khoái Châu (Hải Dương) kể với một người em gái.

Nghe xong, cô gái đã nguyện gắn đời mình với Phúc. Nhưng anh không còn tự tin nữa sau bao lần tình duyên thất bại. Chỉ tới khi người con gái ấy thổ lộ, cô thực sự thương yêu anh, bố mẹ cô cũng vậy thì Phúc mới dám về quê cô.

Dưới ánh đèn mờ trong mái nhà tranh mà lòng anh như bay bổng nghe bố mẹ vợ tương lai tuyên bố: "Hai bác rất thương con, chỉ cần hai đứa yêu thương nhau thì mọi khó khăn sẽ vượt qua". Nghe vậy, anh chỉ còn biết tạ ơn trời đất, đã mang tình yêu đến cho một người khiếm thị. Đám cưới được tổ chức, Phúc đưa vợ về sống trong căn nhà nhỏ chừng 10m2 của TP Hà Nội cấp mà lòng mênh mang trải rộng.

Hạnh phúc đến và nỗi lo cũng đồng hành, để có tiền sinh sống và nuôi con, hai vợ chồng anh cứ "lăn lưng" làm lụng. Ngày vợ chở chồng kẽo kẹt trên chiếc xe đạp cũ tới Hội người mù làm việc, vợ bán ốc luộc, bánh đa nướng.

Đến tối, chị lại chở anh ra đầu phố Lê Duẩn để hành nghề tầm quất kiếm tiền. "Cứ 6h tối có mặt, thì 4-5h sáng hôm sau vợ lại ra đón về, ngủ vội mấy tiếng đến 8h lại đến làm ở Hội Người mù…", anh Phúc kể.

Cứ như thế làm lụng, vợ chồng anh đã kiếm tiền để nuôi 2 con khôn lớn. ít ai có thể ngờ rằng, một chàng rể khuyết tật như anh, ngoài việc kiếm tiền nuôi sống gia đình, còn dành dụm được khoản tiền gửi về quê biếu bố mẹ vợ xây nhà. Và anh cũng đã kiếm đủ tiền để xây một ngôi nhà 2 tầng ở phố Hạ Đình.

Chịu khó lao động, tích cực học tập, biết sử dụng máy tính thành thạo, giờ đây anh là Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân.

Anh Phúc đã kể cho 200 hội viên có chung hoàn cảnh nghe về cuộc đời, sự vươn lên của bản thân anh. Và anh đã trở thành niềm tin, là tấm gương để mọi người học tập. Có người được anh dìu dắt đã trở thành giáo viên dạy máy tính giỏi cho người khiếm thị, giúp họ hòa mình vào cuộc sống.

Giờ đây cuộc sống của anh đã trở thành niềm mơ ước của nhiều người cùng cảnh ngộ. Anh Phúc thốt lên: "Chẳng bao giờ tôi nghĩ mình được như vậy đâu, thật quá hạnh phúc chị ạ. Tất cả như một giấc mơ"

Kim Thanh
.
.
.