Đổi mới ở Sóc 5 của người S’Tiêng, Bình Phước

Thứ Ba, 25/08/2009, 16:35
Từ chủ trương của Đảng, Nhà nước, tỉnh Bình Phước đã thực hiện đầu tư xây dựng (theo các chương trình mục tiêu) nhiều khu định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và người S’tiêng nói riêng. Từ sự hỗ trợ của Chương trình 135, qua hơn 7 năm sống trên vùng đất mới, cuộc sống của 80 hộ đồng bào S’tiêng ở khu định canh định cư Sóc 5, xã Minh Tâm, Bình Long đã có nhiều niềm vui.

Điểu Như, Trưởng Sóc 5 kể: "Xưa kia người S'tiêng ở nơi đây cũng giống như cộng đồng người S'tiêng khác trên đất Bình Phước, đều sống ở vùng sâu, vùng xa. Phong tục sống du canh du cư, đốt phá rừng làm rẫy, khi cái nương, cái rẫy bạc màu họ lại ra đi tìm nương rẫy mới".

Khu định canh định cư Sóc 5 được Nhà nước đầu tư xây dựng từ năm 2002 theo Chương trình 135 của Chính phủ và khi đó vùng đất này đang do xã Minh Đức quản lý. Trong câu chuyện, Điểu Như hồi tưởng lại về một quãng thời gian cách nay không lâu khi ông cùng bà con lặn lội phá rừng để tìm cái rẫy mới. Nhưng cái đói, cái nghèo cứ bám lấy những con người chất phác, lam lũ nơi đây trong đó có ông.

“Khi chủ trương xây dựng khu định canh định cư, lúc đầu cũng chưa ai ưng cái bụng lắm vì phong tục, tập quán của đồng bào quen lối sống quần tụ theo sóc khó bỏ. Nếu vào trong đó, lấy gì để sản xuất. Thế rồi các cấp chính quyền, đoàn thể vận động thì bà con vào cho biết, biết rồi thấy hay, ổn định hơn nên ở đó cho tới nay" - Điểu Như thật thà nói.

Hỏi về dân số của Sóc 5, Điểu Như nhớ vanh vách. Hiện toàn khu có 80 hộ dân với khoảng 400 nhân khẩu, hộ nghèo còn 16 hộ, không có hộ đói, hộ khá khoảng 40 hộ và 10 hộ khác có thu nhập từ 100 - 120 triệu đồng năm. 100% hộ dân có xe gắn máy, có phương tiện nghe nhìn và nước sạch để dùng.

Được biết, mỗi hộ đồng bào vào ở trong khu định canh định cư Sóc 5 được giao 16.000m2 đất, trong đó có 100m2 thổ cư. Trên đất, Nhà nước đã xây dựng cho một căn nhà 30m2, ngoài ra đồng bào còn được hỗ trợ giống cây trồng, dụng cụ sản xuất, lương thực… để các hộ ổn định cuộc sống ban đầu. Ngoài ra, Nhà nước còn đầu tư hệ thống giao thông, đường điện, hai giếng nước tập trung... tạo điều thuận lợi nhất cho bà con sinh hoạt.

Về Sóc 5 hôm nay, có thể thấy cuộc sống của đồng bào Sê'tiêng trên vùng đất mới đã đổi thay hoàn toàn. Đồng bào an tâm xây dựng cuộc sống lâu dài trên mảnh đất mới định cư này. Theo anh Trần Trọng Viên, Bí thư chi bộ ấp 5, từ ngày các hộ đồng bào vào khu định canh định cư sinh sống đã có đất để làm ăn, có nhà để ở, mọi người rất phấn khởi. Trong khu hiện đã có một điểm trường tiểu học với 4 phòng học và hai lớp mẫu giáo đã giúp con em của các hộ đến trường được gần hơn.

Ngoài ra, địa phương cũng đã xây dựng nhà văn hóa cộng đồng để bà con sinh hoạt. Cuộc sống ở đây giờ đã đổi thay và mọi người đều bám đất, bám vườn, chung tay cùng nhau xây dựng cho quê hương thêm giàu đẹp. Ông Viên còn cho biết thêm về lớp xóa mù được tổ chức vào ban đêm cho 40 người trong độ tuổi từ 15 đến 30 ở khu đã tổ chức học được 6 tháng.

Ông Phạm Xuân Vỹ, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Minh Tâm cho biết: "Xã hiện có 1.166 hộ dân với khoảng 4.734 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc chiếm 22,5%. Riêng đồng bào S'tiêng có 199 hộ sống ở ba sóc, trong đó đồng bào S'tiêng ở khu định canh định cư Sóc 5 là có điều kiện kinh tế nhất. Ở đây, tình hình an ninh trật rất ổn định, việc tuân thủ các quy định của pháp luật cũng được bà con thực hiện rất nghiêm túc. Công tác kế hoạch hóa gia đình cũng được tuyên truyền, phổ biến rộng khắp, rất ít trường hợp sinh con thứ 3. Theo ông Vỹ, nhờ thay da đổi thịt, thời gian qua khu định canh định cư Sóc 5 ở Minh Tâm đã đón nhiều đoàn khách từ khắp nơi đến thăm quan, học tập kinh nghiệm, mới nhất là đoàn của tỉnh Bình Thuận..."

Đức Trí - Tấn Hòa
.
.
.