Đội HIV tình nguyện ở Bắc Ninh: Vượt lên số phận

Thứ Tư, 17/09/2008, 08:56
Có một nhóm, 12 thành viên có HIV/AIDS đã can đảm vượt lên số phận đau khổ, sự mặc cảm và thị phi của người đời về bệnh tật của mình để lập ra đội tình nguyện với cái tên rất đẹp là "Vì ngày mai tươi sáng 1 Bắc Ninh".

Để rồi, chính họ tập hợp nhau lại để đi giúp đỡ những bệnh nhân HIV/AIDS khác chống chọi lại với bệnh tật, biết tự tin để sống.

Ngôi nhà HIV…

Đội HIV tình nguyện ấy đóng đô tại số 30 Nguyễn Du, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh do Phạm Thị Hiền, 27 tuổi, làm nhóm trưởng bây giờ đã trở nên quen thuộc và nổi tiếng với những bệnh nhân HIV/AIDS và nhân dân quanh vùng. Đội trưởng Phạm Thị Hiền cho biết: "Đội được thành lập từ tháng 1/2008, nhân rộng mạng lưới, giúp đỡ hơn 40 bệnh nhân HIV/AIDS cùng hoàn cảnh.

Việc làm của Đội được Bộ Y tế, các tổ chức quốc tế và nhân đạo giúp đỡ nhiều. Đặc biệt là sự tài trợ, giúp đỡ của UBDSKHH gia đình Việt Nam tài trợ kinh phí. Với sự quan tâm của các tổ chức, ban, ngành giúp đỡ, những thành viên trong đội thêm phần tự tin hơn.

Trong đội, mỗi người một hoàn cảnh éo le khác nhau. Anh Nguyễn Văn Vinh, 34 tuổi, ở Từ Sơn kể, anh vốn xuất thân là con nghiện ma túy. Ngày trước, anh to khỏe lắm, 18 tuổi theo bạn bè xuống Quảng Ninh làm than thổ phỉ rồi bị lôi kéo.

Do dùng chung kim tiêm với bạn nghiện nên anh đã dính HIV. Mãi đến năm 2003, anh về quê, sau trận ốm đi bệnh viện xét nghiệm mới biết mình bị dính bệnh. Và, đau khổ hơn là vợ anh cũng bị anh truyền bệnh, cuối cùng không dám sinh con. Khi vợ anh đã chết vì phát bệnh, thấy tội lỗi, anh muốn chết theo cho xong.

Thế rồi anh gặp Hiền và những người bạn cùng hoàn cảnh, họ giúp anh vượt qua cơn khủng hoảng. Đến giờ, đã 2 năm vợ anh ra đi, người ta cứ tưởng anh cũng chết sớm, nhưng với cách dùng thuốc kháng virus HIV/AIDS tốt, cùng với những hoạt động, tập luyện, sức khỏe anh vẫn tốt. Ngày ngày, anh Vinh cùng các thành viên phóng xe máy có khi đến 100km để tuyên truyền, giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh.

Còn đội trưởng Phạm Thị Hiền lại có hoàn cảnh khác cũng không kém phần éo le. Cô vốn sinh ở thị xã, là tiểu thư khuê các, được học hành tử tế. Trong những ngày đang học Cao đẳng Sư phạm, Hiền yêu phải một anh chàng chơi bời mà không hề biết rằng anh ta nghiện ma túy nặng.

Khi biết mình dính bệnh từ người yêu, Hiền đổ sụp, bao nhiêu thứ tốt đẹp, tương lai, gia đình giàu có… đang dành sẵn cho cô giờ coi như không ý nghĩa gì. Rồi vô tình cô dự một lớp tập huấn về HIV/AIDS do UNESCO tổ chức làm cô như bừng tỉnh. Gia đình cô tạo điều kiện cho cô đi hoạt động xã hội cho đến khi ý tưởng thành lập đội tình nguyện để chuộc lại lỗi lầm của mình.

Khi gặp những cô gái cùng hoàn cảnh, cô đã đem chuyện của mình ra khuyên nhủ để họ nghe và sống có ích cho đời. Ngoài Hiền ra, còn có những cô gái là thành viên của đội đến từ nhiều vùng quê cũng tình nguyện làm công việc này.

Tư vấn để… "Vì ngày mai tươi sáng"

Buổi chiều hôm ấy, đội trưởng Phạm Thị Hiền sắp xếp cho chúng tôi theo đội viên Phan Thị Thanh Nga về tận nhà bà Nguyễn Thị Xuyến, 47 tuổi, ở thôn Dũng Liệt, Lạc Trung, Yên Phong xem chị tư vấn, chăm sóc cho bà Xuyến đang thời kỳ chuyển sang giai đoạn cuối. Nga bảo rằng, bà Xuyến đã yếu lắm và chán chường không muốn gặp ai.

Gần tháng trở lại đây, Nga đã thuyết phục được bà Xuyến uống thuốc đúng cách. Thấy chúng tôi đến bà Xuyến cười nói: "Sao hôm nay đông người đến thăm thế. Cảm ơn cô Nga nhé…". Rồi bà Xuyến nằm xuống cho Nga lấy bông rửa mấy nốt lở loét trên người, ánh mắt ánh lên niềm hy vọng, dù rất nhỏ nhoi.

Với những kiến thức học được, 12 thành viên trong đội đã tuyên truyền trên 20 khu vực, có khi sang cả Bắc Giang xa xôi. Có chuyện rằng, anh Lê Văn Kính, 29 tuổi, say mê tuyên truyền đến nỗi đem cả bao cao su lên Yên Dũng, Bắc Giang để phát, dạy cách đeo bao, bị đuổi hơn chục lần. Nhưng mưa dầm thấm lâu, mãi rồi bà con cũng tin theo và đón chào thân thiện như người nhà.

Đội trưởng Phạm Thị Hiền, là người có trình độ trong nhóm, thường xuyên vào mạng tải tài liệu, kiến thức mới nhất về căn bệnh HIV/AIDS để làm nguồn giúp ích cho nhóm. Hiền thông báo rằng, mới đây cô nhận được tài liệu từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã áp dụng thành công phương pháp lọc rửa tinh trùng giúp những bệnh nhân HIV có thể sinh con khỏe mạnh, bình thường, với chi phí chỉ có 200.000 đồng/lần lọc.

Bất kỳ phụ nữ có HIV nào muốn có con sẽ được cung cấp các dịch vụ tư vấn và điều trị. 100% trường hợp xét nghiệm dương tính với HIV cũng được điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con. Tin vui này được cô chuẩn bị tài liệu chu đáo cho một chiến dịch tuyên truyền rộng khắp trong khu vực Bắc Giang, Bắc Ninh và xa lên miền núi.

Tuy là trong người đang mang mầm bệnh và làm tình nguyện nhưng nhóm của Hiền áp dụng cả công nghệ thông tin, một lĩnh vực khó đối với các thành viên chưa được học qua, nhưng họ vẫn cố gắng. Với việc làm ý nghĩa đó, nay mai thôi, những bệnh nhân HIV/AIDS sẽ có thêm kiến thức, sự tự tin từ những người đồng bệnh trong nhóm "Vì ngày mai tươi sáng".

Chia tay chúng tôi, các thành viên trong nhóm đều có một ước mong rằng, thời gian sắp tới được các ban, ngành, đoàn thể ở các địa phương giúp đỡ thành lập các nhóm "Vì ngày mai tươi sáng" 2, 3… và nhiều hơn nữa ở khắp nơi

Thành Văn
.
.
.